Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội

11:43, 20/07/2023

Chiều ngày 19/7/2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thăm và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Cùng dự buổi làm việc có các Thứ trưởng: Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm; Ban Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cùng các cán bộ, người lao động của Viettel tại các điểm cầu trực tuyến trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thăm và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội 

Chiến lược phát triển của Viettel dựa trên 4 trụ cột

Báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác tại buổi làm việc, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho biết:

Ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Tập đoàn, trong đó đã định hướng Chiến lược sản xuất kinh doanh trên 4 lĩnh vực chính, gồm: Viễn thông; Giải pháp Công nghệ thông tin - Dịch vụ số; Nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao và Chuyển phát, logistics - thương mại. Đây là kim chỉ nam giúp Viettel nhìn thấy rõ ràng, tường minh mục tiêu, hướng đi, cách làm, không chỉ củng cố vững chắc các lĩnh vực truyền thống, mà còn gợi mở, khai phá cho Viettel những nguồn tăng trưởng mới. Giúp Viettel phát triển bền vững, giữ vững vị trí là một trong những Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước; tiên phong trong chuyển đổi số và kiến tạo xã hội số.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tào Đức Thắng đã đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho ý kiến định hướng phát triển của Tập đoàn, đồng thời đề xuất thực hiện một số việc cụ thể, như: Bộ TT&TT xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án phát triển IoT quốc gia; Xây dựng chiến lược để Việt Nam trở thành Hub của khu vực về lưu trữ, xử lý dữ liệu và kết nối cáp quang biển quốc tế; Đề xuất sáng kiến “Roaming like Home in Asean”; Ban hành các Đề án cấp Chính phủ đối với các lĩnh vực quan trọng của kinh tế số, xã hội số; Xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin; Xây dựng Chương trình quốc gia về sản xuất chíp bán dẫn; Xây dựng chiến lược hạ tầng Logistics quốc gia…

Toàn cảnh buổi làm việc

Viettel cần không gian mới để tăng trưởng và phát triển

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Viettel trong thời gian qua, đồng thời định hướng 5 không gian mới mà Viettel cần làm trong giai đoạn sắp tới sẽ có qui mô tương đương lĩnh vực viễn thông vào năm 2025 và đến năm 2030 sẽ vượt xa lĩnh vực viễn thông. Đây cũng chính là các không gian tăng trưởng chính của Viettel trong 10 năm tới. Đó là:

Thứ nhất, về điện toán đám mây. Điện toán đám mây sẽ là thành phần chính của hạ tầng số, với tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm. Cứ mỗi 3 năm, dữ liệu lại tăng gấp đôi. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất. Hạ tầng điện toán đám mây sẽ quyết định việc dữ liệu Việt Nam sẽ được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam. Đầu tư của Viettel vào điện toán đám mây phải tương đương với đầu tư viễn thông, nhưng hiện nay mới bằng 5-10% viễn thông. 

Để xứng đáng là một doanh nghiệp hạ tầng số lớn nhất Việt Nam, Viettel phải đầu tư những trung tâm dữ liệu lớn với dung lượng 10-15.000 racks, 200-300.000 máy chủ. Hiện nay, cả 13 trung tâm dữ liệu vừa và nhỏ của Viettel với 9.000 racks vẫn chưa bằng một trung tâm dữ liệu lớn. Trong số hàng ngàn trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn của thế giới thì Việt Nam chưa có cái nào.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023 này là năm thương mại hoá 5G và điện toán đám mây. 5G và điện toán đám mây là hai thành tố quan trọng vào loại bậc nhất của hạ tầng số. Cả hai hạ tầng này sẽ được triển khai mạnh mẽ từ năm nay, để đến 2025, Việt Nam có hạ tầng 5G và điện toán đám mây hiện đại, thuộc nhóm 50 các nước dẫn đầu.

Thứ hai, về các nền tảng số cung cấp các công nghệ số cốt lõi như là dịch vụ, các nền tảng số có tính hạ tầng trên không gian mạng. Đây là một loại hạ tầng mới trên không gian mạng. Việt Nam chọn phát triển các nền tảng số Việt Nam là giải pháp đột phá để chuyển đổi số Việt Nam. Viettel phải phát triển các nền tảng số quốc gia được sử dụng trên toàn quốc, tất cả các Bộ, ngành và địa phương dùng chung một nền tảng số của Viettel. Viettel không nên làm những phần mềm đơn lẻ. Nghề chính của Viettel là nghề cung cấp hạ tầng, trước là hạ tầng viễn thông thì nay là hạ tầng số. Theo Bộ trưởng, trong không gian mạng, người nào nắm nền tảng số thì người đó nắm dữ liệu. Vì nắm dữ liệu mà người đó sẽ quyết định tất cả. Bởi vậy, chuyển đổi số Việt Nam mà không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ chuyển đổi số Việt Nam lại không phải Việt Nam. Viettel phải nhận lấy một sứ mệnh mới là làm chủ công nghệ số, làm chủ nền tảng số của quá trình chuyển đổi số Việt Nam.

Thứ ba, về thương mại điện tử. Trọng tâm là dịch vụ bưu chính chuyển phát, logistics, mua bán online. Tăng trưởng ở đây là 20-25%/năm. Thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2022 đã là 16 tỷ đô la, tăng đều đều 20-25%/năm, nhưng cũng chỉ mới chiếm 7,5% doanh thu hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng. Không gian ở thương mại điện tử, bưu chính chuyển phát là rất lớn. Vì vậy Viettel cần chú trọng và quan tâm phát triển lĩnh vực này.

Thứ tư, là nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao, là Make in Vietnam. Nó bao gồm thiết bị hạ tầng viễn thông, IoT, thiết bị y tế, thiết bị năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời) và công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. 

Thứ năm, công nghiệp và dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Công nghiệp an toàn, an ninh mạng thì giống như công nghiệp quốc phòng trong thế giới thực. Việt Nam muốn thịnh vượng thì phải nhờ vào sự thịnh vượng trên không gian mạng. Đó là Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số và sự thịnh vượng đó phải được bảo vệ. 

Kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh 20-25%/năm, gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP, và trở thành động lực tăng trưởng chính. Việt Nam muốn thịnh vượng thì bắt buộc phải thịnh vượng trên không gian mạng. Do vậy, Việt Nam có thể và cần phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Viettel đã là doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng hàng đầu Việt Nam thì cần phải tiên phong nhận lấy sứ mệnh này, sứ mệnh về một cường quốc an toàn, an ninh mạng để có thể bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trò chuyện, chia sẻ với cán bộ, người lao động của Viettel

Bộ trưởng nhấn mạnh, 5 không gian mới trên đây là cơ hội cho Viettel tăng trưởng nhiều lần trong vòng 10 năm tới. Viettel đã từng có giai đoạn tăng trưởng 8 lần trong vòng 5 năm, đó là giai đoạn 2004-2009. Nếu Viettel chỉ làm được một lần như vậy trong sự nghiệp của mình thì có nghĩa là Viettel chỉ có quá khứ mà không có tương lai. 

Bộ trưởng cũng chỉ rõ thêm một số việc mà Viettel cần làm. Đó là phổ cập dịch vụ số cơ bản, là kinh tế số, là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số đất nước.

Viettel phải đi tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết TW 6 Khoá XIII của Đảng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp hóa là chuyển đổi số lĩnh vực chế biến, chế tạo và sản xuất. Hiện đại hóa là chuyển đổi số toàn diện, cả kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị và môi trường. 

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là công cuộc lớn của Đảng và Nhà nước ta. Là ước mơ lớn của dân tộc ta để sánh vai cường quốc năm châu. Viettel phải là một doanh nghiệp quan trọng bậc nhất trong công cuộc Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi vì Viettel đang nắm trong tay hạ tầng số, công nghệ số, nền tảng số và nhân lực số - là những thành tố cơ bản để Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhấn mạnh về cách thức đổi mới để có thể đi xa hơn, phát triển hơn của Viettel, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Viettel phải biết kế thừa quá khứ và mở ra tương lai. Mỗi thế hệ phải kể được câu chuyện của thế hệ mình. Cái cần kế thừa là truyền thống, là văn hoá, là tinh thần, là giá trị cốt lõi và là triết lý phát triển của Viettel. 

Viettel sẽ phải đổi mới, sẽ phải cải cách, sẽ phải đi xa hơn, nhưng để làm được việc đó một cách bền vững và có bản sắc thì phải nhớ lấy và giữ lấy những tư tưởng ban đầu, những giá trị cốt lõi ban đầu và truyền thống, văn hoá mà những thế hệ đầu tiên đã dựng xây nên.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng chụp ảnh lưu niệm cũng lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội 

AI là tương lai của nền kinh tế số

Về định hướng phát triển của Viettel trong giai đoạn mới, đồng tình với quan điểm, định hướng của Bộ trưởng, Viettel cần không gian mới để đổi mới, sáng tạo, các Thứ trưởng Bộ TT&TT đã có nhiều ý kiến góp ý giúp Viettel hoàn thành các mục tiêu trụ cột đúng với Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Tập đoàn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, không gian phát triển mới của Viettel phải gắn với sứ mệnh quốc gia. Viettel có nhiều mảng lớn là Viettel Telecom và Viettel Post. Vì vậy, Viettel cần phát triển mảng lớn nữa là Viettel AI.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, Viettel đang có nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển mảng AI này. Nếu làm Viettel AI ở góc độ nền tảng để tất cả các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận như 1 loại dịch vụ, người ta sẽ coi đấy là tương lai của nền kinh tế số.

Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, tất cả các doanh nghiệp viễn thông lớn của Trung Quốc đều có trụ cột AI rất mạnh. Do vậy, Viettel cần chú trọng đến trụ cột này bằng việc đầu tư hệ thống kiến trúc phần cứng đề có đủ sức mạnh tính toán để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ tiếng Việt. Việt Nam rất ít các doanh nghiệp có thể làm được điều này.

Bộ TT&TT sẽ tập hợp dữ liệu, do đó Viettel cần quan tâm đầu tư hạ tầng cũng như có những tính toán phù hợp để chúng ta có thể “training” mô hình này, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Tào Đức Thắng báo cáo tại buổi làm việc

Trong 6 tháng đầu năm 2023:

- Doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 81,9 nghìn tỷ (theo kế hoạch là 80 nghìn tỷ ~102,4% kế hoạch 6 tháng), tăng trưởng 4% so với cùng kỳ 2022.

- Viettel tích cực xử lý triệt để sim rác tạo cơ sở dữ liệu “sạch”, đầy đủ, đúng thông tin thuê bao, trùng khớp với dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp hạn chế tình trạng lừa đảo trên không gian mạng.

- Đẩy mạnh chuyển dịch thuê bao 2G, 3G lên 4G, nâng tỷ lệ thuê bao 4G/tổng số thuê bao lên gần 80%.

- Các thị trường của Viettel ở nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tốt, 05 thị trường giữ vững vị trí số 1 là Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor, Burundi.

Theo mic.gov.vn

https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/159336/Bo-truong-Nguyen-Manh-Hung-tham-va-lam-viec-voi-Tap-doan-Cong-nghiep---Vien-thong-Quan-doi.html