Bộ TT&TT công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT năm 2019
Chiều ngày 11/11, Bộ TT&TT phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, ngành và địa phương năm 2019 và phổ biến Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh.
Thứ trưởng Phan Tâm, Bộ TT&TT
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, thực hiện nhiệm vụ hàng năm về việc đánh giá mức độ ứng dụng CNTT tronng cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT đã tổ chức đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2019 trên cơ sở dữ liệu báo cáo từ các cơ quan nhà nước và có sự đối soát của Bộ.
Qua kết quả đánh giá, Bộ nhận thấy năm 2019 đa số các chỉ số trung bình mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đều tăng. Trong đó, khối Bộ tăng nhiều nhất.
Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa
Ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Nhìn chung, chỉ số mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trung bình của khối Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2019 tăng so với năm trước.
Trong đó, khối Bộ tăng nhiều nhất. Khối này đã đạt 0,82 điểm trong năm 2019, từ mức 0,69 điểm năm trước, tăng 0,13 điểm. Khối cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh thành phố chỉ tăng lần lượt 0,05 và 0,07 điểm. Báo cáo cho biết, tất cả chỉ số thành phần trung bình của các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019 đều tăng so với năm 2018.
“Xếp hạng top đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019 không thay đổi so với năm ngoái, lần lượt là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông” - ông Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh.
Một số đơn vị có thay đổi về vị trí xếp hạng, lý do chính là có sự biến động về mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Về tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đầu bảng. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2, kế đó là Thông Tấn xã Việt Nam. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ vị trí chót bảng vươn lên vị trí thứ 6.
Về tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như các năm trước, Huế và Đà Nẵng tiếp tục “giằng co” vị trí đầu bảng. Hiện Thừa Thiên Huế đã vươn lên dẫn trước khi xếp thứ nhất. Năm ngoái, vị trí này thuộc về Đà Nẵng. Một số tỉnh có sự thay đổi tích cực về vị trí xếp hạng như An Giang (xếp thứ 7), Bắc Kạn (thứ 16), Bắc Ninh (thứ 17)...
Nguyên nhân là các tỉnh đã triển khai tốt các hạng mục ứng dụng, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ngoài ra, số liệu cho thấy hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các tỉnh, thành phố và trang/cổng thông tin điện tử năm 2019 tăng nhiều nhất. Điều này chứng tỏ rằng năm 2019, các địa phương đã chú trọng hơn trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và triển khai nhiều ứng dụng phục vụ phát triển chính phủ điện.
Toàn cảnh hội thảo
Ngày 3/6 Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “chương đình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, giao Bộ TT&TT nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số, bao gồm các chỉ số đánh giá về chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của quốc gia, từng ngành, từng địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BTTT ngày 12/10/2020 phê duyệt Đề án xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh thành phố trực thuộc thành phố trung ương ( DTY). Theo đó, bộ chỉ số chuyển đối gồm các nhóm chỉ số để đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ/tỉnh quốc gia. Chỉ số CĐS cấp tỉnh/bộ nhắm theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả chuyển đổi số hàng năm của các bộ tỉnh, trong khi chỉ số CĐS cấp quốc gia nhằm cung cấp thông tin về công tác chuyển đổi số chung của cả nước để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như cho các tổ chức quốc tế sử dụng khi đánh giá các chỉ số toàn cầu ( EGDI, IDI, GCI 4.0, GII, GCI).
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo, Cục Tin học hóa còn phổ biến Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh. Chỉ số này được cấu trúc theo 3 trụ cột gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính: Chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức, chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế, chỉ số đánh giá về phát triển hạ tầng và nền tảng số, chỉ số đánh giá về thông tin và dữ liệu số, chỉ số đánh giá về hoạt động chuyển đổi số, chỉ số đánh giá về an toàn an ninh mạng, chỉ số đánh giá về đào tạo và phát triển nhân lực. Mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí.
Chỉ số này được cấu trúc theo 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính: chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức, chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế, chỉ số đánh giá về phát triển hạ tầng và nền tảng số, chỉ số đánh giá về thông tin và dữ liệu số, chỉ số đánh giá về hoạt động chuyển đổi số, chỉ số đánh giá về an ninh mạng, chỉ số đánh giá về đào tạo và phát triển nhân lực. Mỗi chỉ sổ chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí.
Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định: "Từ năm sau, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sử dụng bộ chỉ số chuyển đổi số này để theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương".
Thanh Tùng – Nguyệt Hằng