Bùng phát nạn mạo danh khách sạn, resort để lừa đảo đặt phòng trực tuyến

15:56, 19/07/2025

Dù đã có nhiều cảnh báo, tình trạng lừa đảo qua hình thức mạo danh khách sạn, resort, công ty du lịch vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong dịp cao điểm du lịch hè. Hàng loạt fanpage giả mạo được lập ra để chiếm đoạt tiền cọc từ người dân bằng thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại tài chính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch nghỉ dưỡng của nhiều gia đình.

Không ít người dùng mạng xã hội cho biết, đã bị lừa từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng chỉ vì đặt phòng thông qua những fanpage có tên gọi, hình ảnh, nội dung giống hệt khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng thật. Các trang giả mạo này thường xuất hiện với lượt theo dõi cao, hình ảnh sắc nét, video trải nghiệm thực tế, thậm chí có cả “tích xanh” khiến người xem khó phân biệt thật - giả. Sau khi trao đổi qua tin nhắn, đối tượng sẽ gửi thông tin đặt phòng kèm hình ảnh phòng ở, biên lai đặt cọc được thiết kế chuyên nghiệp để lấy lòng tin.

Ảnh minh họa.

Khi người dùng chuyển khoản tiền đặt cọc, kẻ gian thường viện lý do như “nội dung chuyển khoản không đúng mẫu” hoặc yêu cầu chuyển lại lần nữa và hứa hoàn tiền, hoặc gửi link giả mạo để dụ khách nhập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng. Nếu khách hàng làm theo, hậu quả không chỉ dừng lại ở mất tiền đặt cọc mà còn có thể bị đánh cắp thông tin tài chính.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của công nghệ, kẻ lừa đảo có thể tạo ra những fanpage rất khó phân biệt với fanpage chính thức. Chúng thường mua lại các fanpage cũ đã có sẵn lượt theo dõi, đổi tên theo tên khách sạn thật rồi chạy quảng cáo rầm rộ trên Facebook, TikTok... Sau khi lừa được khách chuyển khoản, fanpage sẽ khóa tin nhắn hoặc biến mất hoàn toàn. Trong nhiều trường hợp, khách đến nơi mới phát hiện mình không hề có tên trong danh sách đặt phòng, trong khi tiền cọc đã chuyển vào tài khoản cá nhân của kẻ gian.

Các hình thức lừa đảo này không chỉ xảy ra khi đặt phòng khách sạn mà còn lan sang các dịch vụ như đặt tour, vé máy bay. Một số đối tượng đưa ra mức giá siêu rẻ, chẳng hạn tour du lịch nước ngoài chỉ vài triệu đồng, kèm theo lời quảng cáo hấp dẫn “giá ưu đãi giờ vàng”, “số lượng có hạn”, yêu cầu khách đặt cọc gấp để giữ chỗ. Sau khi nhận tiền, chúng lập tức “bốc hơi”, chặn liên lạc, để lại khách hàng hoang mang và bức xúc.

Hiện nay, tình trạng fanpage giả, tài khoản mạng xã hội mạo danh các doanh nghiệp du lịch, khách sạn đang tràn lan, trở thành một vấn nạn thực sự. Nhiều fanpage giả còn đầu tư bài bản hơn fanpage chính thức: Đăng bài đều đặn, cập nhật hình ảnh thực tế, trả lời khách hàng nhanh chóng, dùng từ ngữ chuyên nghiệp. Đáng lo ngại, có fanpage giả có lượng theo dõi cao gấp nhiều lần trang thật, khiến khách hàng lầm tưởng đây là trang chính thống.

Theo cảnh báo từ lực lượng an ninh mạng, kẻ lừa đảo thường vận hành từ nước ngoài, lợi dụng các kẽ hở trong xác minh thông tin trên nền tảng mạng xã hội. Một số fanpage mạo danh có dấu hiệu được quản lý từ các quốc gia khác, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Bên cạnh đó, các khách sạn và doanh nghiệp du lịch chính thống cũng chịu nhiều thiệt hại khi khách bị lừa thường quay lại phản ánh với họ, dù họ không hề liên quan đến fanpage giả. Không chỉ mất uy tín, nhiều cơ sở còn phải bỏ thời gian giải thích, đăng cảnh báo nhưng không thể kiểm soát hết lượng fanpage giả đang phát tán trên mạng.

Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, người dân cần cẩn trọng hơn khi đặt phòng hoặc mua dịch vụ du lịch trực tuyến. Không nên chuyển tiền đặt cọc qua tài khoản cá nhân nếu chưa xác minh rõ ràng. Chỉ nên liên hệ qua website chính thức, ứng dụng đặt phòng uy tín hoặc gọi trực tiếp đến số điện thoại được công bố công khai của khách sạn. Đừng tin tưởng tuyệt đối vào dấu “tích xanh”, bởi hiện nay công nghệ có thể làm giả dễ dàng.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên kiểm tra tính minh bạch của fanpage bằng cách xem lịch sử đổi tên, nơi đăng ký quản trị và các bài đăng gần đây. Nếu nghi ngờ lừa đảo, cần lưu lại toàn bộ bằng chứng: hóa đơn, tin nhắn, số tài khoản và fanpage liên quan, đồng thời trình báo cơ quan công an để hỗ trợ điều tra.

Về lâu dài, nhiều ý kiến đề xuất cần có một nền tảng minh bạch, nơi người dùng có thể đánh giá các dịch vụ du lịch và xác thực độ tin cậy. Chỉ khi mọi giao dịch được minh bạch hóa, những fanpage giả mạo mới bị loại bỏ khỏi hệ sinh thái số.