Các nền tảng “Make in Vietnam” là giải pháp quan trọng đẩy nhanh chuyển đổi số
Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, Chương trình đã xác định việc phát triển các nền tảng “Make in Vietnam” là giải pháp hàng đầu để đẩy nhanh chuyển đổi số, đây cũng là mốc đánh dấu quan trọng của chuyển đổi số.
Ngày 12/6/2020, Bộ TT&TT tổ chức lễ ra mắt Nền tảng quản trị doanh nghiệp 1Office. Đây là một hoạt động trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Bộ TT&TT, chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đây cũng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể đưa ra được những quyết sách lớn một cách nhanh chóng và tập trung, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội.
Bộ TT&TT nhận thấy, để chuyển đổi số quốc gia cần một văn bản vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính kế hoạch hành động; các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào đó để xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị mình.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Trước đấy, ngày 3/6, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt. Chương trình nhằm giải quyết thách thức, tận dụng tối đa cơ hội, khai thác lợi thế đặc thù của Việt Nam để đi nhanh và đi đầu, thu hút nguồn lực, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện chuyển đổi số, thay đổi thứ hạng quốc gia trên thế giới.
Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, đơn vị được Bộ TT&TT giao chủ trì soạn thảo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cho biết, việc Chương trình được phê duyệt là một dấu mốc quan trọng. Đây là một cú huých để Việt Nam có thể thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh hơn bởi Chương trình xác định rất rõ quan điểm, mục tiêu và phương pháp tiếp cận.
Ông Dũng cho biết, một yếu tố được nhấn mạnh trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là khi chuyển đổi từ không gian truyền thống lên không gian mạng, nhận thức đóng vai trò quan trọng nhất, vì vậy nhận thức phải đi trước một bước. Trên cơ sở xác định nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã nêu rõ, chuyển đổi nhận thức là một trong 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tạo nền móng cho chuyển đổi số.
Trong đó, cần chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội, lan truyền từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao.
Triển khai nhiệm vụ này cần 4 giải pháp cụ thể là: Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; Duy trì hoạt động hiệu quả Liên minh Chuyển đổi số để truyền cảm hứng, đi tiên phong; Xây dựng bộ nhận diện chung cho Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; Mỗi địa phương chủ động lựa chọn một xã/phường để thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân.
Cũng theo phân tích của người đứng đầu Cục Tin học hóa, một yếu tố quan trọng nữa là Chương trình đã xác định việc phát triển và ra mắt các nền tảng số “Make in Vietnam” là giải pháp đột phá thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Lý giải rõ hơn về nhận định trên, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng cho hay, trước kia, các cơ quan, tổ chức muốn chuyển đổi số phải đầu tư hệ thống CNTT, có đội ngũ chuyên gia, quản trị mạng của riêng mình nên sẽ rất lâu và tốn kém. Còn hiện nay, với việc sử dụng các nền tảng số, các cơ quan, tổ chức chỉ đóng vai người dùng, không cần có kiến thức kỹ thuật sâu, không cần có đội ngũ CNTT, quản trị mạng mà vẫn tận dụng được những thành tựu mới nhất. Như vậy, chuyển đổi số sẽ diễn ra nhanh hơn.
Ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ thêm, Cục Tin học hóa đã xác định mục tiêu CNTT phải được ứng dụng vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, nhưng trước hết tập trung giải quyết những vấn đề nhức nhối của xã hội.
Đơn cử như để người dân được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất mà không phải đến bệnh viện, các bệnh viện không quá tải, Bộ TT&TT đã ra mắt nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Tương tự, lý do Bộ TT&TT giới thiệu nền tảng hỗ trợ quản lý dạy và học trực tuyến là để con em chúng ta học tập hiệu quả hơn, sự học không bị gián đoạn và có thể sử dụng tri thức của quốc tế ngay tại Việt Nam.
Hay việc làm sao cho các doanh nghiệp Việt Nam có ngay những hạ tầng hiện đại băng thông rộng, tốc độ xử lý tính toán cao nhất phục vụ cho công việc của mình là lý do Bộ TT&TT cho ra mắt nền tảng điện toán đám mây.
“Vì thế, Bộ TT&TT liên tục lựa chọn những nền tảng gốc rễ, cơ bản để thực hiện trước. Các nền tảng khác sẽ lần lượt được ra mắt và theo kế hoạch là mỗi tuần một nền tảng”, ông Dũng cho biết.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, từ trung tuần tháng 4/2020 đến nay, Bộ TT&TT đã liên tục giới thiệu các nền tảng Make in Vietnam như: Nền tảng phục vụ nhu cầu học tập, đào tạo trực tuyến; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến VOV Bacsi24; Nền tảng điện toán đám mây Việt; Nền tảng mã bưu chính Vpostcode; Các nền tảng hộ nghị truyền hình trực tuyến Zavi, Comeet; Nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office.
Thanh Tùng (T/h)