Các nhà mạng viễn thông khi nào thức tỉnh?

16:30, 04/10/2013

Vùng phủ sóng 3G và  sự phát triển thuê bao điện thoại di động của Việt Nam được coi là rộng và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và đáng tin cậy. Trên các đường phố ở Việt Nam có thể mua bất cứ thẻ SIM nào với chi phí ít hơn 10 USD, đủ dùng cho tải dữ liệu không giới hạn trong một tháng. Nếu bạn muốn nạp thẻ của bạn, điều đó còn dễ dàng hơn khi thẻ cào được bán khắp mọi nơi.

Các điểm cung cấp mà không phải là đại diện công ty viễn thông ở Việt Nam rất nhiều. Ai cũng có thể là một nhà cung cấp SIM và thẻ cào. Với thực tế này, các dịch vụ viễn thông phải được phân cấp mạnh. Nhưng thực tế là các quy định quản lý và kiểm soát khá ít. Đây được coi là một lý do chính tại sao phát triển thuê bao ở Việt Nam quá nhanh.

Điều đáng nói là, sự tăng trưởng đó là một chiều. Các công ty viễn thông nhà nước đang tập trung cạnh tranh về giá trong khi đó cạnh tranh khá yếu ớt về dịch vụ. Trái ngược hoàn toàn với cách làm của các công ty viễn thông của Thái Lan. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này phản ánh thị trường tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, khách hàng Việt Nam chủ yếu quan tâm đến giá cả, và nhu cầu đa số là nhắn tin và thoại.

Khi smartphones đã phổ cập

Theo thống kê mới nhất, Việt Nam có hơn 140 triệu thuê bao di động, và chỉ có 20 đến 30% trong số đó là sử dụng điện thoại thông minh. Nhưng đó chỉ là con số của “ngày hôm qua”. 

Như thực tế thị trường cho thấy, các “cơn bão“ điện thoại thông minh mới không ngừng đổ bộ vào Việt Nam, từ các thương hiệu lớn nhất cho đến thương hiệu mới; từ mức giá cao ngất ngưởng đến các mức giá dưới cả phổ thông. Nhận định của các chuyên gia thị trường viễn thông quốc tế, vào cuối năm 2014, Việt Nam sẽ có gần 40% lượng điện thoại thông minh xâm nhập vào thị trường, và năm 2015 con số đó sẽ là gần 50%.

Điều này có làm thức tỉnh các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Việt Nam?Các nhà mạng viễn thông Việt Nam cần tạo ra nhiều giá trị hơn trên nền dịch vụ đang cung cấp?


Những gì các công ty viễn thông Việt Nam cần làm là nhìn vào những gì các công ty viễn thông Thái Lan và Singapore đang làm. Tại Thái Lan, DTAC vừa phát hành ứng dụng Watchever, cho phép người dùng xem phim trực tuyến hiệu quả cùng các dịch vụ viễn thông của họ. Trong khi đó, Singtel đang hợp tác với các công ty như Shopify để cung cấp cho người dùng tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm thương mại điện tử. Ngoài ra còn có khả năng rất lớn trong việc hỗ trợ ứng dụng thông tin liên lạc VoIP cũng như lưu trữ trực tuyến. 

Đã có những tin đồn cho biết Việt Nam có thể cấm các ứng dụng chat OTT. Dù đây có phải là sự thật hay không, nhưng rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy các công ty viễn thông Việt Nam có thể đang mất cơ hội phát triển dịch vụ mà có thể tận dụng mạng lưới phủ sóng 3G của họ. Nên chăng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam cần thêm nhiều thời gian để suy nghĩ lại và bắt đầu đầu tư nghiêm túc theo bài học của các công ty viễn thông Thái Lan đã làm nếu không muốn kìm giữ lại một trong những thị trường điện thoại di động triển vọng nhất trong khu vực.

D.T (Theo www.techinasia.com)