Các nhà sản xuất công nghệ trong xu thế: Tìm hướng đi mới
06:09, 03/07/2009
Trong thời khủng hoảng, khách hàng trở nên kỹ tính và kén chọn hơn nhiều khi chọn mua sản phẩm công nghệ. Không chỉ đòi giá hấp dẫn, họ còn thích sản phẩm phải đa dạng phong phú hơn nữa. Họ cũng có xu hướng so sánh sản phẩm hãng này và hãng kia chứ không theo cảm tính hay sự hâm mộ với một dòng sản phẩm nhất định.
Trước tình thế đó, các nhà sản xuất công nghệ đã tìm lối đi mới, cơ hội mới bằng cách làm mới thương hiệu thương hiệu đã quá quen thuộc của mình thông qua sự kết hợp với hãng này hãng nọ để tung sản phẩm lạ hoặc đưa ra dòng sản phẩm vốn không phải đã làm nên tên tuổi của mình.
Kết hợp để tăng sức mạnh
Kết hợp để tăng sức mạnh
Để dòng sản phẩm của mình thu hút khách hàng, nhiều hãng không ngần ngại kết hợp với các hãng bạn để tung hàng: LG kết hợp với hãng thời trang Prada để tung ra sản phẩm chiến lược được dánh giá là có sức cạnh tranh mạnh mẽ với Iphone.
Và mới đay nhất là phiên bản Levi's Reb tab với vỏ bọc màu đỏ bên trên, hoa văn đặc trưng của Levi's ở sau nắp máy và chỉ có 100 chiếc được bán ra. Đó là ở lĩnh vực thời trang, còn trong ngành sản xuất xe hơi, sự kết hợp này cũng diễn ra hết sức sôi động. Hãng Asus mạnh mẽ tung ra bộ đôi điện thoại và Laptop chiến lược từ ý tưởng của nhà sản xuất xe hơi Lamborghini.
Theo đó, Vertu cũng có mẫu điện thoại xe hơi Ferrari để cạnh tranh. Hay Motorola cũng có dòng sản phẩm V9 Ferrari mang tên sức mạnh ngựa chiến gây sức hút. Và không chỉ có điện thoại, hãng máy tính Acer cũng nhanh chóng tạo ra dòng sản phẩm mới lạ cho mình là Acer Ferrari đã một thời gian là tâm điểm của dân chơi công nghệ.
Không dừng lại ở đó, các hãng còn liên kết với nhau để tạo nên một sức mạnh hấp dẫn người tiêu dùng. Asus thế hệ mới là sự kết hợp giữa Asus và hãng Garmin (hãng sản xuất các thiết bị định vị toàn cầu GPS) nhằm tăng tính năng GPS vốn rất được ưa chuộng nhưng vẫn bị xem là hơi kém so với Eten hay Mio. Một sản phẩm cực độc khác vừa có mặt tại thị trường TP HCM là Samsung Bang&Olufsen. Mối lương duyên giữa Samsung và Bang&Olufsen không chỉ tạo ra một dòng sản phẩm độc kiểu dáng nhờ màn hình nằm bên dưới và phím xoay đa chiều bằng kim loại bên trên. Trên hết, Samsung muốn sản phẩm của mình có được bộ âm thanh cơ độc đáo nghe “nhức tai”. Ở một khía cạnh nào đó, sự kết hợp đã phần nào phát huy tác dụng. Các sản phẩm vừa tung ra đều bán chạy như tôm tươi dù kinh tế tại thời điểm đó đang gặp khó khăn. Điều này đã là động lực để các nhà sản xuất mạnh dạn tạo bước đi mới cho chính mình, một cách làm mới thương hiệu mang tính đột phá.
Thương hiệu mang tính đột phá
Đột phá mạnh mẽ nhất và gặp hái ngay thành công ngoài sức mong đợi chính là Apple. Khó có thể tin rằng dù có mặt đã gần 2 năm với giá bán khá cao, Iphone vẫn là mẫu điện thoại mơ ước của nhiều người. Từ đơn vị sản xuất máy nghe nhạc, máy tính, Apple bước sang lĩnh vực sản xuất điện thoại Iphone một cách nhẹ nhàng với doanh số bán sản phẩm khiến nhiều hãng công nghệ khác phải ganh tỵ. Và cũng từ đây, các hãng đua nhau sản xuất thêm nhiều sản phẩm vốn không phải là thế mạnh của mình như một cách đi mới nhằm bước qua thời kỳ khủng hoảng và ghi dấu ấn vào lòng người tiêu dùng.
Hãng kế tiếp tạo bước đột phá đó chính là nhà cung cấp các công cụ tìm kiếm trên mạng Google với sản phẩm Google G1 dựa trên thế mạnh là hệ điều hành Android. Một hệ điều hành mới, mã nguồn mở thích hợp cho người chơi vọc vạch. Cũng trên hệ điều hành này, Panasonic nhảy vào thị trường điện thoại khi tung ra con dế Panasonic Android như một cách nhắc nhớ rằng Panasonic vẫn luôn sát cánh cùng người tiêu dùng.
Vừa có mặt tại thị trường Việt Nam, bộ tứ PDA của Acer góp thêm tên tuổi vào danh sách những mẫu điện thoại gây chú ý trong năm 2009. Bộ tứ này, bao gồm: X960. M960, DX900, F900 là kết quả của việc Acer mua lại hãng Eten từ cuối năm 2008. Trong đó, F900 được ngợi ca là mẫu điện thoại sexy đầy gợi cảm với giao diện là icon giống như các thiệt bị trên bàn làm việc.
Trong khi các hãng Laptop “đá sân” làm điện thoại thì các hãng điện thoại cũng “ăn miếng trả miếng” với sản phẩm Laptop. Samsung sản xuất mẫu netbook N110 và N120 mang phong cách thiết kế sang trọng của các thiết bị điện tử của mình. N120 có bàn phím rộng cùng công nghệ kháng khuẩn (vốn được ứng dụng trong các sản phẩm máy giặt) độc đáo. Dàn loa được bố trí 2 bên màn hình tương tự như vị trí loa trên các mẫu LCD của Samsung.
Ngay lập tức, LG vội vã tung hàng là netbook X120 với chuẩn kết nối không dây 3G HSPA. Thêm vào đó là công nghệ smart -on cho phép khởi động cực nhanh chỉ mất 5 giây và công nghệ smart-link chỉ cần 1 card USB là có thể kết nối đơn giản với các máy tính thông thường khác. Kế đến là Sharp với Mebius NJ70A là chiếc Netbook 2 màn hình, màn hình thứ 2 là cảm ứng đồng thời là bàn di chuột trackpad. Nhưng độc đáo hơn cả có lẽ là sự tham gia của những tên tuổi chẳng mấy liên quan gì đến công nghệ.
Người ta nghe nói nhiều đến điện thoại, Laptop mang tên xe hơi như Ferrari chứ mấy ai lại nghĩ trung tâm design của hãng xe đua Porsche giới thiệu mẫu điện thoại Porsche P9522: đẹp kiểu dáng, âm thanh hay với cái giá cũng rất đáng “quan tâm”: 1350USD.
Tìm kiếm một hướng đi mới bằng những dòng sản phẩm kết hợp hay sản xuất nhiều mặt hàng của các hãng đang là xu hướng công nghệ hiện nay. Xu hướng này không chỉ tạo cho thị trường nguồn sản phẩm phong phú mà còn mang lại nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại. Đây là điều mà cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng đều mong muốn hướng đến.