Cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về AI

11:26, 24/11/2024

Theo Ủy ban KHCN&MT, tại thời điểm này, Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về AI để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.

Sáng 23/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (CNS).

Cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về AI để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI.

Theo đó, dự án Luật được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp CNS trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số.

Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế lớn

Bố cục của dự án Luật Công nghiệp CNS gồm 8 Chương, 73 Điều. Dự thảo Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp CNS bao gồm: Nghiên cứu và phát triển CNS; Hạ tầng cho công nghiệp CNS; Hệ sinh thái công nghiệp CNS; DN CNS; Sản phẩm, dịch vụ CNS; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nhân lực cho công nghiệp CNS.

Đề cập về mục đích ban hành, quan điểm xây dựng dự án Luật Công nghiệp CNS, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định: Dự án Luật được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp CNS trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển DN CNS.

Phát triển ngành công nghiệp CNS với trọng tâm là các DN CNS Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số; Khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp CNS; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp CNS.

Luật Công nghiệp CNS thay thế các nội dung về công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT trong Luật CNTT và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long: Dự án Luật được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp CNS trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước.

Quan điểm xây dựng Luật tập trung vào 5 nội dung chính:

Một là, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp CNS, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, …

Hai là, khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng thực thi các quy định pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ CNTT theo pháp luật hiện hành. Đồng thời, đề xuất chính sách khả thi nhằm quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt cho các sản phẩm, dịch vụ CNS để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNS; tạo cơ chế ưu đãi cho công nghiệp CNS, trong đó có một số đặc biệt ưu đãi đầu tư; và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

Ba là, Luật Công nghiệp CNS được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định còn phù hợp của Luật CNTT và các văn bản hướng dẫn thi hành về công nghiệp CNTT; thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ …, đồng bộ với các dự thảo luật có liên quan đang trong quá trình soạn thảo (Luật Thuế thu nhập DN, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Dữ liệu, …), sửa đổi bổ sung một số nội dung trong các Luật (Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, …) để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho thực thi, áp dụng.

Bốn là, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm quốc tế để vận dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của công nghiệp 4.0 và kinh tế số nói riêng, đặc biệt là tham khảo, học tập quy định quản lý những công nghệ mới tại các đạo luật của châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ,…

Năm là, xây dựng Luật với các cơ chế, chính sách ưu đãi, quy trình, thủ tục thuận lợi nhất cho ngành công nghiệp CNS, hỗ trợ DN CNS khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số, thúc đẩy Make in Viet Nam nhưng vẫn bảo đảm không làm thay đổi trách nhiệm, không chồng lấn chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành theo lĩnh vực được phân công.

Băn khoăn về tài sản số

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Lê Quang Huy khẳng định: Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp CNS. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng ban hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, tránh chồng chéo với các luật có liên quan, nâng cao tính quy phạm của các chế định trong dự thảo Luật, bảo đảm khả thi, đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy: Dự thảo Luật Công nghiệp CNS cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Ủy ban KHCN&MT nhận thấy, dự thảo Luật Công nghiệp CNS cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật, tương thích với với điều ước quốc tế có liên quan. Tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật còn chậm, chưa bảo đảm theo quy định.

Về tài sản số, Ủy ban KHCN&MT nhận thấy, việc quy định về tài sản số trong Luật công nghiệp CNS là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.

Về nhân lực công nghệ số, Ủy ban KHCN&MT cơ bản tán thành và đề nghị làm rõ nội hàm, bổ sung một số quy định về phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, phát triển cơ sở đào tạo nhân lực CNS, thu hút nhân lực CNS chất lượng cao, khung năng lực CNS.

Về nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp CNS, Ủy ban KHCN&MT đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách tài chính đồng bộ và mạnh mẽ hơn để phát triển công nghiệp CNS, hỗ trợ DN sản xuất trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy để các sản phẩm công nghiệp CNS của các DN Việt được đưa vào khai thác, sử dụng tại thị trường trong nước, tiến tới hoàn thiện sản phẩm và xuất khẩu.

Về khu CNS, đề nghị cần đánh giá tác động của việc thành lập khu CNS; làm rõ khác biệt giữa khu CNS với khu CNTT hiện có theo Luật CNTT; việc chuyển đổi mô hình các khu CNTT tập trung thành các khu CNS; rà soát các quy định về ưu đãi đối với khu CNS, quản lý vận hành, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin khu CNS để bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư cũng như quản lý chặt chẽ tài sản công.

Về phát triển DN CNS, Ủy ban KHCN&MT nhất trí với sự cần thiết phải có những quy định về hỗ trợ, ưu đãi cho DN CNS. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách cụ thể, có tính vượt trội, khả thi; nghiên cứu ban hành chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, vốn, ưu đãi thuế hợp lý; nghiên cứu bổ sung quy định cơ chế phân bổ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đối với các DN nhà nước có đủ năng lực được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm CNS trọng điểm của quốc gia.

Về trí tuệ nhân tạo (AI), một số ý kiến cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện (cả những vấn đề về sở hữu và các quyền tài sản và quyền nhân thân đối với dữ liệu; vấn đề tôn trọng quyền tác giả;…) để xây dựng một đạo luật riêng về AI của Việt Nam.

Ủy ban KHCN&MT thấy rằng, tại thời điểm này, Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về AI để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI. Do đó, cơ bản tán thành sự cần thiết và phạm vi, mức độ quy định về các hệ thống AI trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các DN có dự án nghiên cứu về AI được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do DN trong nước làm chủ (nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường)./.