Cần thiết ban hành Luật nhằm đảm bảo tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng

13:20, 14/05/2025

Đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay thành 2 cấp, đảm bảo tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 14/5.

Sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới

Thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh việc triển khai, thi hành Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức chính quyền địa phương thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước củng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. 

Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, yêu cầu một bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả đòi hỏi phải xem xét các yếu tố mang tính vĩ mô, dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, nhất là việc sáp nhập, giảm đầu mối, giải thể.

Đại biểu Trần Quang Minh đồng tình với Điều 110 về việc bỏ nội dung “phải lấy ý kiến Nhân dân" khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính vì có những việc không phù hợp với thực tế và đa số Nhân dân cho rằng đây là việc làm hình thức, tốn kém kinh phí và thời gian, tạo tâm lý không thoải mái cho cử tri và Nhân dân khi thực hiện quyền làm chủ… 

Nội dung này do Quốc hội quy định tiêu chí đối với thành lập, giải thể, nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là phù hợp. "Nhân dân thấy được rằng quyền làm chủ của mình thực sự được phát huy, chính kiến được ghi nhận từ đó sẽ tích cực tham gia xây dựng đất nước", đại biểu phát biểu ý kiến.

Tại Mục 3, Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có quy định “Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”. 

Theo đại biểu Trần Quang Minh, đối với cấp tỉnh là phù hợp vì các tỉnh nhập lại là ngang cấp còn đối với cấp xã không nên quy định là trường hợp đặc biệt vì trong tình hình thực tế hiện nay việc bố trí cán bộ chủ chốt của Đảng giữ chức danh chủ tịch HĐND mà không là đại biểu HĐND của một trong những đơn vị cấp xã sáp nhập sẽ là phổ biến, vì theo quy định của các địa phương trong cả nước hiện nay đa số chức danh Bí thư và Phó Bí thư (dự kiến kiêm Chủ tịch HĐND) là nhân sự ở huyện về, thâm chí ở cả tỉnh về thì không thể là đại biểu HĐND của một hay một trong số các xã sáp nhập được. 

Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bỏ từ “Trường hợp đặc biệt” đối với các xã, phường sau sáp nhập và có thể dùng từ “cho phép”, “được phép “ hoặc “có quyền chỉ định các chức danh lãnh đạo HĐND cấp xã hình thành sau sáp nhập mà nhân sự không phải là đại biểu HĐND" là phù hợp hơn trong thực tế hiện nay.

Tại Mục 4, Điều 11 của Luật tổ chức chinh quyền địa phương về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương có nêu bổ sung đó là “Trường hợp cần thiết UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã”.

Để địa phương chủ động giải quyết nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) phân tích: Tại điểm G khoản 2 điều 11 dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương: Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp cơ sở trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh, những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác.

Theo đại biểu, trên thực tế có 2 xã giáp nhau, thuộc địa giới của 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh, có những vấn đề liên quan đến nhau như khói bụi bay từ xã này sang xã kia, kè sông xã này gây sạt lở bờ sông xã kia, nếu những vụ việc như thế phải đưa lên các cơ quan Trung ương giải quyết theo quy định của dự thảo luật, sẽ rất phức tạp, tốn kém về thời gian, phải huy động nhiều cơ quan tổ chức tham gia, trong khi những việc này thì chính quyền hai xã, hai tỉnh có thể giải quyết được. 

Ở góc độ khác, quy định như dự thảo luật sẽ tạo ra việc chính quyền cấp xã đẩy việc lên chính quyền cấp tỉnh, cấp tỉnh lại đẩy lên Trung ương, mà không chịu giải quyết ngay từ đầu, không phát huy được tính chủ động trong phục vụ nhân dân, không thể hiện mục tiêu của luật là xây dựng chính quyền gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân. 

Do đó, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị biện pháp giải quyết đơn giản hơn với trường hợp này theo phương châm địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm. 

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất bổ sung trường hợp loại trừ trong vấn đề này là: “trừ trường hợp các địa phương liên quan tự giải quyết được vấn đề đó”.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng cho ý kiến liên quan đến điểm c, khoản 2 điều 8 dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về Nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính và điều kiện thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, quy định việc thành lập đặc khu ở hải đảo phải đảm bảo sự bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, hải đảo. 

Đại biểu đề nghị bổ sung yêu cầu về tính thống nhất, sau yêu cầu về độc lập chủ quyền vì tại điều 1 Hiến pháp năm 2013 đã quy định, Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Do đó, cần bổ sung tính thống nhất đối với đơn vị hành chính đặc khu cho tương thích với Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng cho biết, về quy định nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp xã, có quy định, Chủ tịch UBND chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo, thì tôi đề nghị bổ sung về vấn đề giải quyết kiến nghị phản ánh, vì trong luật tiếp công dân, các nghị quyết về tiếp xúc cử tri, đều có ghi nhận việc giải quyết kiến nghị phản ánh. 

"Mặt khác trong cuộc sống, có nhiều loại việc công dân phản ánh kiến nghị tới chính quyền mà không phải khiếu nại tố cáo, do đó, cần bổ sung nội dung này vào khoản 14, Điều 17 và khoản 13 điều 23 của dự thảo luật cho phù hợp", Đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu ý kiến.