Cẩn trọng những ‘chuyên gia tự phong’ tràn lan trên TikTok

14:10, 07/03/2025

TikTok với hàng triệu người dùng đã trở thành nơi lý tưởng cho các “chuyên gia” tự phong trong nhiều lĩnh vực. Chỉ cần một chiếc điện thoại và kịch bản hấp dẫn, ai cũng có thể tạo dựng hình ảnh chuyên gia. Nhưng liệu kiến thức họ chia sẻ có đáng tin cậy hay chỉ là chiêu trò câu view, bán hàng?

Tràn lan "chuyên gia"

Trên TikTok, “chuyên gia tự phong” là thuật ngữ dùng để chỉ những cá nhân tự nhận mình là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó dù không có bằng cấp, kinh nghiệm hoặc chứng nhận chính thức. Những người này thường tận dụng nền tảng này để xây dựng hình ảnh cá nhân, chia sẻ kiến thức hoặc đưa ra lời khuyên, nhưng độ tin cậy của thông tin mà họ cung cấp thường bị đặt dấu hỏi lớn.

Chỉ cần nhập từ khóa về một lĩnh vực bất kỳ trên TikTok, hàng loạt “chuyên gia” sẽ xuất hiện. Nếu bạn quan tâm đến cách làm giàu, chỉ cần tìm kiếm “làm giàu”, ngay lập tức sẽ có vô số kết quả. Không ít người tự nhận là chuyên gia tài chính, dạy cách kiếm thu nhập khủng, nhưng mục đích chính là bán các khóa học với mức phí cao. Điều đáng nói là họ không hề cung cấp thông tin về bằng cấp hay chuyên môn của mình.

Một "thầy" dạy làm giàu đang "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội.

Chẳng hạn, một tài khoản TikTok có tên “Phương Thảo” thu hút đông đảo người theo dõi nhờ những video hướng dẫn đầu tư, chi tiêu, thậm chí dạy cách trở thành tỷ phú từ con số không. Đặc biệt, cô này còn có những “câu thần chú” mà nhiều người xem như bí quyết thu hút tiền tài, chẳng hạn: “Tiền bị thu hút bởi tôi” hay “Tôi vô cùng biết ơn và hạnh phúc với số tiền 500 triệu này đến với tôi với số lượng rất lớn, thông qua nhiều nguồn khác nhau, liên tục, liên tục và liên tục”.

Không ít người khác cũng tuyên bố mình là tỷ phú, có kinh nghiệm tài chính hàng chục năm hoặc là giảng viên của các trường đại học danh tiếng, dù trông họ còn rất trẻ. Họ liên tục khoe những khoản thu nhập khủng, khẳng định chỉ lên TikTok để giúp đỡ người khác làm giàu. Những nội dung họ chia sẻ rất đa dạng, từ đầu tư chứng khoán, tiền mã hóa, quản lý vốn đến kinh doanh hiệu quả.

Không chỉ có chuyên gia tài chính tự phong, TikTok còn xuất hiện nhiều bác sĩ, chuyên gia sức khỏe không có chuyên môn. Chỉ cần tìm kiếm các từ khóa như “chữa đau dạ dày”, “trị mụn”, “giảm cân”,… hàng loạt video tư vấn xuất hiện với hàng triệu lượt xem. Điều đáng lo ngại là nhiều nội dung này không dựa trên cơ sở khoa học, mà chỉ là trải nghiệm cá nhân hoặc quảng cáo sản phẩm.

Ví dụ, tài khoản “Sức khỏe của bạn” với 24.000 người theo dõi thường xuyên đăng tải video về lợi ích của việc nhịn ăn, thậm chí còn hướng dẫn điều trị ung thư bằng phương pháp này. Video thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ, nhưng theo GS.TS Nguyễn Bá Đức (Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam), quan điểm này hoàn toàn phản khoa học. Ông khẳng định, nhịn ăn không thể giết chết tế bào ung thư mà còn khiến bệnh nhân suy kiệt, giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho ung thư phát triển nhanh hơn.

Một "chuyên gia" về sức khoẻ đang hướng dẫn cách cấp cứu người bị đột quỵ.

Tương tự, tài khoản “H. Gym” cũng gây tranh cãi khi khuyên người tập gym không nên uống nước lọc vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cơ bắp. Tuy nhiên, ngay dưới video, người này lại gắn link bán nước uống dành cho dân tập gym, cho thấy mục đích chính là tiếp thị sản phẩm.

Một ví dụ khác là tài khoản “Trò chuyện sức khỏe”, nơi đăng tải nhiều video hướng dẫn sơ cấp cứu đột quỵ. Một cá nhân tự nhận là bác sĩ chuyên khoa tim mạch đã hướng dẫn chích máu ở đầu ngón tay để cứu người đột quỵ. Tuy nhiên, theo BS.CKI Nguyễn Phương Trang (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM), phương pháp này không chỉ vô tác dụng mà còn có thể làm mất đi thời gian vàng cấp cứu, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Không chỉ tài chính và sức khỏe, TikTok còn tràn ngập những “chuyên gia tâm lý” tự phong. Chẳng hạn, tài khoản N.T.V.A với hàng trăm nghìn người theo dõi thường xuyên chia sẻ triết lý sống được tổng hợp từ nhiều nguồn trên mạng. Khi kênh đạt lượng tương tác lớn, người này bắt đầu kinh doanh các sản phẩm như thuốc vệ sinh phụ nữ.

Những “chuyên gia tự phong” này đang tận dụng mạng xã hội để tạo dựng hình ảnh, nhưng thực tế, không phải ai trong số họ cũng thực sự có chuyên môn hay mong muốn giúp đỡ người khác. Người dùng cần tỉnh táo và chọn lọc thông tin trước khi tin tưởng và làm theo bất kỳ lời khuyên nào trên TikTok.

Hậu quả khi nghe thầy lởm

Việc dễ dàng tiếp cận các “chuyên gia” chia sẻ bí quyết thành công đã khiến không ít người phải trả giá đắt vì quá tin tưởng. Anh Nguyễn Văn Hưng (30 tuổi, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng làm nhân viên văn phòng với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Mong muốn thoát khỏi cảnh làm công ăn lương, anh quyết định tham gia một khóa học kinh doanh online trị giá 15 triệu đồng sau khi xem quảng cáo trên TikTok của một “chuyên gia khởi nghiệp”.

Anh Hưng chia sẻ: “Thầy giảng rất thuyết phục, hứa hẹn chỉ cần áp dụng đúng công thức là có thể kiếm 50 triệu mỗi tháng. Nhưng khi vào học, tôi nhận ra nội dung chủ yếu chỉ là những lời động viên chung chung, kiến thức thì hời hợt, không thể áp dụng thực tế. Kết quả là tôi mất 15 triệu học phí mà chẳng học được gì”.

Một lớp học làm giàu thu hút rất nhiều người tham gia.

Không chỉ bị lừa tiền bởi các “thầy dạy làm giàu”, nhiều người còn chịu hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe khi tin vào những “bác sĩ TikTok”, “bác sĩ Facebook”. Chị Nguyễn Thị Lan Anh (35 tuổi, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) đã có một trải nghiệm đáng quên khi nghe theo lời khuyên của một TikToker tự xưng là bác sĩ. Chị xem một video hướng dẫn chữa viêm dạ dày bằng nước ép cần tây trộn mật ong – được quảng bá như một “thần dược”. Sau hai tuần áp dụng, bệnh tình không những không thuyên giảm mà chị còn bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng.

“Tôi liên tục đau bụng, người mệt mỏi. Khi đi khám, bác sĩ kết luận tôi bị viêm loét dạ dày. Sau một thời gian điều trị bằng thuốc, tình trạng của tôi mới cải thiện”, chị Lan Anh kể lại.

Gần đây, khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) tiếp nhận một ca tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng. Bệnh nhân M.T.N (31 tuổi, Tây Ninh) bị biến chứng sau khi nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ được quảng bá trên TikTok. Trước đó, chị theo dõi tài khoản của một người tự xưng là bác sĩ thẩm mỹ có hàng nghìn người theo dõi.

Ngày 8/2, chị N tìm đến một thẩm mỹ viện trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM) để gặp “bác sĩ TikTok” này và đồng ý nâng mũi cấu trúc với giá 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện, chị bị chuyển đến một bệnh viện thẩm mỹ khác.

Chỉ vì nghe theo "bác sĩ Tiktok" cô gái này đã phải chịu hậu quả nặng nề về sức khoẻ.

Sau ca phẫu thuật, mũi chị có dấu hiệu co rút nặng, hai cánh mũi lõm vào. Người thực hiện phẫu thuật trấn an rằng đó chỉ là “tăng sinh mô” và đề nghị tiêm collagen để cải thiện. Nhưng ngay sau khi tiêm, mũi chị N không chỉ sưng đỏ mà còn chuyển sang màu tím đen, có nguy cơ hoại tử.

Không chỉ có các trường hợp trên, gần đây, mạng xã hội còn lan truyền cách cấp cứu đột quỵ phản khoa học: “Dùng kim chích vào đầu ngón tay, ngón chân để nặn máu giúp người bệnh tỉnh lại”.

Nhiều người tin theo phương pháp này đã phải trả giá đắt. Ngày 20/1, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận một bệnh nhân 60 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não. Do tin vào hướng dẫn trên mạng, vợ bệnh nhân đã chích máu ở các ngón tay, ngón chân chồng với hy vọng giúp ông hồi phục.

Hậu quả là bệnh nhân đến viện muộn, làm giảm cơ hội phục hồi. Các bác sĩ khẳng định đây là hành động không cần thiết và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Trên TikTok, ai cũng có thể tạo dựng hình ảnh và trở thành người có ảnh hưởng. Tuy nhiên, để tránh bị lừa bởi những “chuyên gia tự phong”, người dùng cần giữ thái độ tỉnh táo, kiểm chứng thông tin và ưu tiên tham khảo nguồn đáng tin cậy. TikTok có thể là nơi để giải trí và học hỏi, nhưng không phải mọi nội dung trên đó đều chính xác và an toàn.