Hiện nay, dù phần lớn người dùng đều có điện thoại di động, nhưng ở nhà vẫn luôn có một máy để bàn túc trực. Thế nhưng, không phải ai cũng biết chăm sóc, bảo quản sao cho đúng cách…
Lưu ý pin
Tuổi thọ của những chiếc điện thoại chính hãng nhập khẩu nói chung sẽ kéo dài từ 3 đến 10 năm. Tuổi thọ của những chiếc điện thoại mang thương hiệu của Việt Nam cũng có thể từ 3 đến 5 năm. Tuổi thọ của điện thoại Trung Quốc và hàng secondhand thông thường khoảng từ 1 đến 3 năm. Những hỏng hóc cơ bản của điện thoại thường là hết pin và chai pin. Khi đó, người sử dụng lưu ý là thay pin thường xuyên trong quá trình sử dụng.
Đối với pin tiểu, gần hết đã phải thay pin mới để pin không bị “thối”, a xít có thể gây hỏng linh kiện. Đối với pin sạc, tốt nhất nên thay sau 6 tháng đến 1 năm sử dụng liên tục. Với sạc pin, lưu ý là hàng second hand hay sử dụng nguồn 110 volt nếu chưa được chuyển đổi, do vậy rất dễ cắm nhầm nguồn điện. Đặc biệt trong trường hợp chuyển nhà hoặc cho người lạ sử dụng điện thoại này.
Làm sạch phím bấm
Hỏng hóc đơn giản nữa mà người dùng cũng cần lưu ý đó là sự kém nhạy dần của các phím bấm. Khắc phục điều này rất đơn giản, sau khoảng 3 đến 6 tháng sử dụng, ta nên tháo vỏ điện thoại ra bằng vài động tác tháo vít rất đơn giản, lau chùi bằng vải ẩm phía bên trong cho sạch bụi bẩn. Việc này áp dụng cực kỳ hiệu quả đối với điện thoại để ở môi trường nhiều bụi bẩn.
Giắc cắm
Trong quá trình sử dụng, bạn thấy tín hiệu hay chập chờn, rè, ù cũng có thể nguyên nhân là do việc kết nối giữa giắc cắm từ đường truyền tín hiệu của nhà cung cấp đến điện thoại chưa chặt chẽ, hoặc bị ô xi hóa trong quá trình sử dụng. Khi đó cần có kiểm tra và khắc phục ngay. Đối với thiết kế bản mạch và linh kiện của hàng chính hãng bao giờ cũng đạt tiêu chuẩn cao hơn. Những hỏng hóc chỉ thường xảy ra sau khoảng từ 2 năm sử dụng trở đi và có thể sửa được, quan trọng là có linh kiện thay thế ở những nơi sửa chữa chuyên nghiệp.
Loại này thường ít có hỏng vặt như các loại điện thoại nguồn gốc xuất xứ khác, nếu có hỏng thì ngay khi mua đã có biểu hiện. Đối với bản mạch và linh kiện của các mặt hàng xuất xứ Việt Nam và Trung Quốc, thông thường thiết kế đơn giản với linh kiện tiêu chuẩn chưa cao. Do vậy sử dụng chỉ sau khoảng 1 năm trở đi là đã bắt đầu có những biểu hiện bất thường.
Và các yếu tố ngoại cảnh
Bạn cần lưu ý các yếu tố ngoại cảnh và người sử dụng khác. Điện thoại nên để ở nơi khô ráo thoáng mát, ít bụi bẩn ẩm thấp. Đặc biệt tránh những nơi mưa nắng có thể hắt tới như gần cửa sổ chẳng hạn. Tránh để va đập mạnh, tránh làm rơi, tránh nước đổ vào. Lau chùi điện thoại thường ngày bằng khăn ẩm, vừa để giảm bụi bẩn, vừa vệ sinh (bởi điện thoại là nơi nhiều người cầm vào nên rất nhiều vi trùng vi khuẩn lây bệnh). Tháo ra lau bàn phím, kiểm tra các giắc cắm và mối nối, kiểm tra nguồn điện và pin, kiểm tra chất lượng tín hiệu bằng cách thực hiện cuộc gọi ra/vào…
Điện thoại không dây không nên để quá gần vật cản hoặc các thiết bị điện tử khác dễ gây nhiễu sóng. Đặc biệt các khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều sét, khi có mưa gió thì rút ngay giắc cắm kết nối với tín hiệu điện thoại, tháo giắc kết nối giữa ăng ten ngoài trời và máy mẹ của điện thoại không dây.
Hoàng Mai Chung