Chính phủ số là con đường đúng đắn phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

12:10, 19/08/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần thúc đẩy kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội.

Sáng ngày 19/8, tại Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chính đã thức được diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng và thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các đối tác, doanh nghiệp. Buổi lễ không chỉ được tổ chức trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ mà còn trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và một số điểm cầu trải nghiệm thực tế tại Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Trung tâm Điều hành ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hệ thống nền tảng về Chính phủ điện tử (CPĐT), phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây được coi là điểm nhấn quan trọng mang tính đổi mới, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”. Chính vì vậy, trong xây dựng, triển khai CPĐT thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động và đã đạt được một số kết quả bước đầu rất tích cực trên nhiều phương diện, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Điểm nổi bật là chúng ta đã thiết lập được cơ chế chỉ đạo tập trung, tháo gỡ điểm nghẽn trong tổ chức, triển khai và hoàn thiện hệ thống thể chế nền tảng cho phát triển CPĐT.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: "Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương sẽ là điểm nhấn quan trọng trong chặng đường xây dựng, phát triển CPĐT. Đồng thời thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu trong buổi Lễ.

Ngoài ra, lợi ích của Hệ thống và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành khi thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số thông qua các hệ thống thông tin báo cáo giúp bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả; thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo…

Cũng trong ngày 19/8, VPCP sẽ công bố tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến được người dân và doanh nghiệp quan tâm trên Cổng DVCQG. Đó là dịch vụ công thứ 998: Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động và dịch vụ công thứ 1000: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến.

Cổng DVCQG sau hơn 8 tháng vận hành đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63 tỉnh, thành phố và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử; chuẩn bị tích hợp, cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến; có gần 56,4 triệu lượt truy cập, hơn 220.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 260.000 hồ sơ được thực hiện.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỷ đồng/năm, trong đó, Cổng DVCQG đóng góp trên 6.700 tỷ đồng/năm.


Nghi thức khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc và chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo một số địa phương, cơ quan tại các điểm cầu: Bình Phước, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế và Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương sự nỗ lực của Văn phòng Chính phủ, trong đó có những đóng góp quan trọng của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các bộ, các cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp triển khai. Đồng thời, Thủ tướng gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ, đóng góp của các đơn vị quốc tế như: Đại sứ quán Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Công ty Sam Sung Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là các Tập đoàn VNPT, Viettel và các chuyên gia đã đồng hành cùng nhau nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn các chức năng, tính năng và cách tiếp cận thông tin báo cáo quốc gia. DVCQG đã thể hiện vai trò thiết yếu trong phục vụ người dân, doanh nghiệp, là cơ sở để hình thành doanh nghiệp, công dân điện tử, góp phần tạo dựng kinh thế số và xã hội số.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng chúng ta vẫn cần cố gắng và các bộ, các cơ quan chức năng, các địa phương phải kết nối với cổng quốc gia nhiều hơn nữa. Cổng phải thân thiện và thuận lợi cho người dân. Cần đổi mới trong kiểm tra xây dựng Chính phủ điện tử, gắn kết bởi Dịch vụ công với chính phủ số trong hoạt động cơ quan nhà nước.

Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trải nghiệm Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tại Lễ Khai trương.

Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ kết nối, liên thông tương tác và cung cấp các dịch vụ công một cách có hiệu quả của Chính phủ cho các bộ, ngành, cơ quan hành chính các cấp, tổ chức chính trị liên quan. Thông tin dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất. Thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ công chức làm việc trên môi trường mạng. Tiến hành đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng và thích ứng với môi trường làm việc trên mạng”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng đây là một dịch vụ công thiết yếu cho doanh nghiệp, là cơ sở để hình thành doanh nghiệp. Có thể nói xây dựng và phát triển Chính phủ số, Chính phủ điện tử nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần thúc đẩy kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội là con đường đúng đắn để phát triển của đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Mặc dù vậy, việc khai trương Hệ thống và Trung tâm mới chỉ là bước đầu của quá trình đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, có rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài cần phải thực hiện, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc cập nhật, kết nối, chia sẻ để hình thành và làm giàu kho dữ liệu tổng hợp về kinh tế - dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động xã hội phục vụ hoạt động quản lý, điều hành.

Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia được hình thành từ Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp và hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhờ biểu đồ trực quan, tính năng phân tích, dự báo số liệu chuyên sâu; đồng thời, cho phép theo dõi, giám sát các mục tiêu về kinh tế - xã hội Quốc hội giao Chính phủ; các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương.

Đến nay đã có 16 bộ, cơ quan kết nối với Hệ thống; 20 chế độ báo cáo và 61/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên Hệ thống. Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua Hệ thống, ước tính tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước 460 tỷ đồng/năm.

Để làm được điều này, các bộ, cơ quan, các địa phương đã có quyết tâm rất lớn trong quá trình phối hợp, rà soát lại báo cáo, thực hiện chuẩn hóa chế độ báo cáo.

Thùy Dung - Việt Anh