Chính phủ yêu cầu triển khai tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19
Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai tiêm vắc-xin mũi 3 cho các đối tượng, bảo đảm khoa học, hợp lý, an toàn, hiệu quả.
Chính phủ yêu cầu triển khai tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19.
Đây là nội dung trong Nghị quyết 155/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2021.
Theo đó, để tiếp tục phát huy kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu đã đề ra của năm 2021, đồng thời tạo nền tảng cho phát triển của năm 2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Khẩn trương hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; kịp thời phát hiện, chỉ đạo bãi bỏ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền bãi bỏ ngay những biện pháp phòng, chống dịch của địa phương trái với với chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, gây cản trở quá trình khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Tổng hợp, xác định rõ nhu cầu, thời hạn, thời gian cụ thể cho từng loại vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19 đối với từng địa phương và cả nước. Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai tiêm vắc-xin mũi 3 cho các đối tượng, bảo đảm khoa học, hợp lý, an toàn, hiệu quả.
Theo Công văn 10225/BYT-DP ngày 01/12/2021, các đối tượng sau đây được tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại:
- Tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19:
Người từ 18 tuổi trở lên.
Ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…
- Tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19:
Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, địa phương để có phương án, kịch bản ứng phó phòng, chống dịch, trong đó có phương án phối hợp, chi viện, hỗ trợ, điều phối chỉ huy phòng, chống dịch trong trường hợp cần thiết, nhất là đối với các địa phương có diễn biến dịch bùng phát phức tạp. Chủ động giám sát, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp cần thiết, hiệu quả để hạn chế nguy cơ của sự xuất hiện biến chủng mới Omicron.
- Quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất bằng được vắc-xin, thuốc điều trị trong nước theo nguyên tắc nội dung, phạm vi thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề xuất cấp đó tháo gỡ. Chủ động tìm kiếm các nguồn cung ứng trong và ngoài nước về vắc-xin, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. Rút gọn tối đa các thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp phép nghiên cứu, sản xuất trong nước đối với thuốc điều trị, vắc-xin phòng COVID-19, bảo đảm tính khoa học, an toàn, hiệu quả.
- Tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Nghị quyết nêu trên trong tháng 12 năm 2021.
Nghị quyết 155/NQ-CP được ban hành vào 08/12/2021.
PV