Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

18:56, 17/02/2023

Sáng 17/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)  - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn.

Tham dự cuộc làm việc có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Liên minh HTX Việt Nam, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết theo đề nghị của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang họp với các cơ quan để nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Buổi làm việc lần này tiếp tục thể hiện tinh thần từ sớm, từ xa và chủ động, không chờ đến ngày trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức mà trong quá trình thực hiện nếu thấy cần thiết lãnh đạo Quốc hội phụ trách sẽ nghe và cho ý kiến sơ bộ để có cơ sở tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện các nội dung theo quy trình. 

Dự kiến dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2023 trước khi trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) tới.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu; nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu Quốc hội vì luật không chỉ tác động đến các hợp tác xã (HTX) mà còn tác động sâu, rộng đến nhiều thành phần kinh tế, các loại hình hoạt động và các lĩnh vực hoạt động khác. Tuy tỉ trọng đóng góp cho GDP của HTX không quá lớn nhưng đây là thành phần kinh tế rất quan trọng, gắn liền với sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, nhất là phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng như củng cố thành phần kinh tế hợp tác của đất nước.

Về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số vấn đề đã được các bên rà soát và thống nhất. Đó là các nội dung liên quan tới hoạt động tín dụng nội bộ, kiểm toán HTX. Bên cạnh đó còn một số vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, như tên gọi của dự án Luật (hiện nay có các ý kiến đề nghị tên gọi dự án là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác, Luật Hợp tác xã (sửa đổi); về Liên đoàn HTX; về tổ chức đại diện, Liên minh HTX…

Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, các đại biểu thống nhất cao giữ nguyên tên gọi là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); nhất trí quy định về tín dụng nội bộ không vì mục tiêu lợi nhuận và để bảo toàn vốn. Các đại biểu cũng nhất trí cao với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Vấn đề quan trọng nhất là chính sách khuyến khích phát triển HTX phải khả thi, dễ tiếp cận, dễ đi vào cuộc sống, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, về thuế, bảo hiểm xã hội… Quy định về tỉ lệ cung ứng dịch vụ cần theo nguyên tắc trước hết phải bảo đảm cung ứng cho thành viên HTX. Chính sách để HTX thành lập doanh nghiệp trên nguyên tắc không doanh nghiệp hóa HTX, không chuyển HTX thành doanh nghiệp là đúng nhưng hiện nay rất khó thực hiện.

Về kiểm toán, cần cân nhắc quy định thành lập kiểm toán nội bộ hay theo kinh nghiệm thế giới là mô hình kiểm toán độc lập thuộc Liên minh Hợp tác xã. Việc thành lập kiểm toán nội bộ sẽ tạo thêm khó khăn, gánh nặng cho các HTX, vì riêng thành lập Ban Kiểm soát của Hợp tác xã đã rất khó khăn khi triển khai thực hiện trong thực tế.

Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)  - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp - Ảnh: quochoi.vn.

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế cùng Bộ KH&ĐT, các cơ quan, tổ chức hữu quan cố gắng thống nhất một phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tổ chức xin ý kiến lại Chính phủ để sớm thống nhất các vấn đề lớn được nêu ra tại cuộc làm việc này./.

Theo quochoi.vn/TTXVN