Chứng khoán Mỹ “xanh” trở lại sau chuỗi phiên giảm, giá dầu đi xuống
Nhà đầu tư bớt lo lắng phần nào khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống trong phiên này, từ mức cao nhất 3 tháng ghi nhận trong phiên trước...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (24/10), đánh dấu phiên “xanh” đầu tiên sau chuỗi 3 phiên giảm vì áp lực từ lãi suất tăng. Giá dầu thô giảm vì những tia hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn cho Trung Đông.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,21%, đạt 5.809,86 điểm. Trước phiên này, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đã giảm liên tục từ đầu tuần.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,76%, đạt 18.415,49 điểm.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Riêng chỉ số Dow Jones giảm 140,59 điểm, tương đương giảm 0,33%, còn 42.374,36 điểm. Đây là phiên giảm thứ tư liên tiếp của chỉ số blue-chip, chuỗi dài nhất kể từ tháng 6.
Tesla là cổ phiếu có công lớn mang đến sự phục hồi cho S&P 500 phiên này. Sau khi hãng xe điện công bố kết quả kinh doanh quý 3 tốt hơn kỳ vọng, giá cổ phiếu của hãng tăng gần 22%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2013.
Trái lại, cổ phiếu Dow Jones bị kéo tụt một phần bởi IBM - cổ phiếu giảm hơn 6% sau khi công ty công bố doanh thu quý 3 chỉ xém đạt kỳ vọng của giới phân tích.
Mùa báo cáo tài chính đang diễn ra ở Phố Wall đang dần trở nên đuối hơn so với dự báo. Trong số 160 công ty thành viên S&P 500 đã công bố báo cáo tính đến thời điểm này, mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân quý 3 chỉ đạt 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt kỳ vọng mà các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, nhà đầu tư bớt lo lắng phần nào khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống trong phiên này, từ mức cao nhất 3 tháng ghi nhận trong phiên trước. Hôm thứ Tư, lợi suất của kỳ hạn 10 năm có lúc vượt mốc 4,25%. Cuối phiên ngày thứ Năm, lợi suất của kỳ hạn này giảm về 4,2%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã trong xu hướng tăng suốt những tuần gần đây, một phần vì loạt số liệu khả quan về kinh tế Mỹ, một phần vì giới đầu tư cho rằng dù ai đắc cử tổng thống Mỹ khóa tới, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ sẽ đều tăng lên - theo Giám đốc đầu tư Mark Malek của công ty SiebertNXT.
“Thâm hụt ngân sách tăng chắc chắn sẽ buộc Chính phủ Mỹ phải vay nợ nhiều hơn. Nguồn cung trái phiếu kho bạc tăng chắc chắn sẽ gây áp lực tăng đối với lợi suất, nhất là lợi suất của kỳ hạn 10 năm”, ông Malek nói với hãng tin Reuters.
Hôm thứ Tư, Dow Jones mất hơn 400 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10. S&P 500 giảm gần 1% và Nasdaq trượt 1,6%.
“Áp lực đối với thị trường gần đây chủ yếu đến từ yếu tố lãi suất. Điều đó làm suy giảm sự hưng phấn của nhà đầu tư cổ phiếu, trong khi tin tức về lợi nhuận quý 3 chưa đủ tốt để đưa thị trường lên đỉnh cao mới. Bởi vậy mà thị trường mất đi xung lực tăng đã có gần đây”, chiến lược gia cấp cao Rob Haworth của công ty US Bank Asset Management nhận định với hãng tin CNBC.
Ở một góc nhìn lạc quan hơn, CEO Michael Farr của công ty Farr, Miller & Washington cho rằng sự giảm điểm của thị trường là cần thiết sau một thời kỳ tăng kéo dài. “Các chỉ số vẫn đang giao dịch gần mức kỷ lục mọi thời đại. Có lẽ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không giảm lãi suất nhanh và mạnh như những gì nhà đầu tư hy vọng. Nhưng xét cho cùng, nền kinh tế đang tốt và mùa báo cáo tài chính cũng không đến nỗi nào”, ông Farr. Nói với Reuters.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng gần 97% Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 và khả năng hơn 3% Fed không giảm lãi suất trong lần họp này.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,58 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 74,38 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York trượt 0,58 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 70,19 USD/thùng.
Trong phiên, có lúc giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng vì mối lo tiếp diễn về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Nhưng ngay khi mối lo này dịu đi, giá dầu quay đầu giảm.
“Giá năng lượng đang diễn biến giằng co vì phần bù rủi ro Trung Đông liên tục co giãn mỗi ngày”, một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định.
Sau khi Iran tiến hành cuộc tấn công tên lửa vào Israel vào hôm1/10, giá dầu Brent đã tăng khoảng 8% trong tuần kết thúc vào ngày 4/10 do lo ngại Israel sẽ trả đũa bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran. Sau đó, giá dầu Brent giảm khoảng 8% trong tuần kết thúc vào ngày 18/10 do có thông tin rằng Israel sẽ không tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy Iran - một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - sản xuất khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2023. Theo các nhà phân tích và báo cáo của chính phủ Mỹ, Iran đang trên đà xuất khẩu dầu khoảng 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024, nhiều hơn so với mức ước tính 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Iran ủng hộ một số tổ chức phiến quân chống lại Israel, bao gồm Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza và Houthis ở Yemen.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn đang tiếp tục thúc đẩy hòa bình giữa Israel với Hezbollah và Hamas. Điều này giúp duy trì một vài tia hy vọng, dù mong manh, về một giải pháp hòa bình cho “chảo lửa” Trung Đông.