Chuyển đổi số để thích nghi trạng thái “bình thường mới”

15:08, 14/09/2021

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều chuyên gia cho rằng, những DN sớm triển khai chuyển đổi số (CĐS) là tiền đề quan trọng để thích nghi, tận dụng cơ hội bứt phá khi thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Đại diện các doanh nghiệp tìm hiểu quy trình chuyển đổi số được trưng bày tại hội thảo “Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP Hồ Chí Minh”. Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Cao Tân

Mới đây, tại hội thảo trực tuyến “CĐS góp phần tăng trưởng thị trường của DN sau đại dịch” do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh phối hợp Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổ chức, Giám đốc khối tư vấn công nghệ số FPT Digital Vương Quân Ngọc cho biết, đại dịch Covid-19 đã kéo theo sự thay đổi lớn trong cách thức kinh doanh của các công ty ở mọi lĩnh vực. Các ngành nghề đẩy mạnh CĐS để đáp ứng với tình hình dịch Covid-19 là các công ty công nghệ, năng lượng, y tế, xây dựng, bán lẻ. Việc CĐS tập trung vào nâng cao khả năng vận hành (tăng cường khả năng cộng tác và làm việc từ xa, ứng dụng công nghệ mới tự động hóa hoạt động vận hành...), nâng cao trải nghiệm khách hàng và nâng cao năng lực bảo mật hệ thống thông tin.

Hiện, có tám xu hướng CĐS chung mà các DN hướng đến là: Nhà máy vận hành tối ưu và liên tục; siêu ứng dụng quản lý khách hàng của công ty; quản lý kho tự động và thông minh dễ dàng kiểm soát bằng thiết bị cầm tay; gắn kết và trải nghiệm nhân viên, giữ chân nguồn nhân lực cấp cao; bán hàng trải nghiệm đa kênh, nhất là kênh online; kết nối mạng lưới nhà cung cấp và đại lý chung trong một hệ thống; Covid-19 không làm ảnh hưởng đến vận hành và bán hàng; mục tiêu tăng trưởng đột biến về kinh doanh.

Ông Vương Quân Ngọc cũng cho biết, CĐS bản chất không phải là một việc dễ dàng. Khoảng hơn 70% DN gặp thất bại khi thực hiện CĐS. Có hai lý do chính khiến CĐS thất bại, đó là: Không đạt được sự thống nhất, đồng thuận về tầm nhìn và mục tiêu cho CĐS; thiếu sự liên kết và hoạch định nguồn lực giữa các giai đoạn thử nghiệm và mở rộng quy mô.

CĐS là một quá trình, cần dựa trên một kế hoạch rõ ràng, đầu tiên phải khơi dậy quyết tâm của chính người lãnh đạo, người đứng đầu DN. Các yếu tố dẫn đến thành công trong CĐS trước hết là bảo đảm CĐS đúng định hướng và chiến lược kinh doanh chung, phù hợp với thị trường và tạo vị thế dẫn đầu công nghệ. CĐS phải bảo đảm tính khả thi trong giai đoạn triển khai, đạt được sự ủng hộ của đội ngũ trong DN, đồng thời xác định rõ mục tiêu ở từng giai đoạn, hoạch định và chuẩn bị nguồn nhân lực thực hiện...

Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, trong đó, cộng đồng DN bị tác động rất lớn. Các DN quy mô lớn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Dự báo, số DN ngừng sản xuất hoặc phá sản sẽ tăng cao khó lường trong thời gian tới, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ. Để DN thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, các chuyên gia đưa ra mô hình thực hiện CĐS dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa kinh doanh, công nghệ và con người. Điều này sẽ giúp cho DN tạo ra những hướng đi mới, đột phá và nhanh hơn.

Trưởng phòng bán hàng kênh kỹ thuật số CitiBank Việt Nam Nguyễn Thị Yến Ngọc chia sẻ, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, có hai yếu tố liên quan trực tiếp đến các DN dù là DN lớn hay nhỏ, đó là Internet vạn vật (Internet of Things) và công nghệ di động (Mobile technologies). Xu hướng người tiêu dùng hiện nay sử dụng điện thoại để mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, nhất là trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Cùng với đó, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng sử dụng internet nhiều hơn để mua sắm, quản lý tài chính, sức khỏe, giải trí và học tập. Mức độ sẵn sàng mua hàng trực tuyến sẽ được mở rộng cho các ngành hàng trong và cả sau giai đoạn dịch Covid-19. Điều này thúc đẩy các ngành công nghiệp truyền thống cần nhanh chóng tận dụng kỹ thuật số để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Đối với ngành ngân hàng, trước những bất ổn về kinh tế mà dịch Covid-19 gây ra, mối lo về tài chính ngày càng gia tăng. Người tiêu dùng truy cập internet để tìm các giải pháp tài chính ngày càng nhiều. Gần đây, số lượng tìm kiếm liên quan đến vay trực tuyến tăng 20%; thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử tăng 40%; “app vay tiền online” tăng 300%. Khi nắm được các thông tin nhu cầu khách hàng, việc CĐS trong ngành ngân hàng là rất cấp thiết để đáp ứng yêu cầu của khánh hàng.

Nhiều chuyên gia lưu ý: CĐS trong giai đoạn kỷ nguyên số hiện nay, nhất là khi dịch bệnh kéo dài, được xem là vấn đề sống còn đối với DN. Do đó, khi thực hiện phương án CĐS, DN phải hướng đến những công nghệ mới, thuận tiện để bắt kịp xu hướng của thị trường. Nếu triển khai chậm, DN luôn đuổi theo xu hướng mới trong khi hiệu quả sản xuất, kinh doanh thu về không đạt được như kỳ vọng. Để có thể áp dụng CĐS thành công, DN cần có kế hoạch cụ thể và thực hiện triển khai triệt để.

Theo nhandan.com.vn