Chuyển đổi số trong quản trị khu vực công tại Việt Nam: Đánh giá thực tiễn và phân tích theo mô hình ma trận Swot

08:51, 29/12/2024

Chuyển đổi số là việc áp dụng công nghệ và dữ liệu số để thay đổi cách sống, làm việc, và tương tác trong xã hội. Chính phủ Việt Nam coi chuyển đổi số là chiến lược quan trọng để nâng cao hiệu suất dịch vụ công và cải cách quản lý.

Tóm tắt:

- Chuyển đổi số là việc áp dụng công nghệ và dữ liệu số để thay đổi cách sống, làm việc, và tương tác trong xã hội.

- Chính phủ Việt Nam coi chuyển đổi số là chiến lược quan trọng để nâng cao hiệu suất dịch vụ công và cải cách

quản lý.

- Thể chế số: Việt Nam đã ban hành nhiều nghị định, chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn những

hạn chế về đồng bộ và thực thi.

- Dữ liệu số: Đã hình thành 7 cơ sở dữ liệu quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong quản lý và cung cấp dịch vụ công

trực tuyến.

- Phân tích SWOT:

+ Điểm mạnh: Hạ tầng công nghệ phát triển, cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, cải thiện quản lý công.

+ Điểm yếu: Thiếu đồng bộ giữa các Bộ, ngành, và địa phương; hạn chế về nhân lực và kỹ thuật số.

+ Cơ hội: Hợp tác quốc tế, tăng cường tính minh bạch và sự tham gia của người dân.

+ Thách thức: Nguy cơ an ninh mạng, sự e ngại thay đổi từ các hệ thống truyền thống

Chuyển đổi số (CĐS) (Digital Transformation) là quá trình áp dụng dữ liệu và công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, tái cấu trúc cách chúng ta sống, làm việc và tương tác. Nói cách khác, CĐS là việc sử dụng công nghệ số trong đời sống xã hội để tác động và thay đổi một cách toàn diện các phương thức sinh hoạt, làm việc và sản xuất của cả cá nhân và tổ chức [1].

Trong bối cảnh kinh tế số hiện đại nơi mà các trải nghiệm trực tuyến và hướng tới người dùng được ưu tiên, người dân kỳ vọng các dịch vụ công phải luôn sẵn sàng, hiệu quả và linh hoạt. Chính phủ các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, coi chuyển đổi số là một chiến lược thiết yếu nhằm nâng cao hiệu suất dịch vụ công, tối ưu hóa quy trình và tạo nền tảng cho những mô hình quản lý mới [2, 3].

Công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, cần trở thành một cuộc cách mạng ứng dụng khoa học và công nghệ để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực phát triển mới [3]. CĐS không chỉ là việc áp dụng công nghệ số trong kinh tế - xã hội, mà còn là việc thiết lập một “phương thức sản xuất số” tiên tiến, nơi lực lượng sản xuất kết hợp giữa con người và trí tuệ nhân tạo, và dữ liệu trở thành nguồn tư liệu sản xuất quan trọng. Điều này cũng làm thay đổi sâu sắc quan hệ sản xuất, đặc biệt trong sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.

Tuy nhiên, gần đây những khó khăn trong việc áp dụng CĐS vào khu vực công cho thấy sự phức tạp của quy trình này, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về công nghệ, cách thức quản lý thông tin, bối cảnh tổ chức và các yếu tố thể chế [4, 5]. Để có cái nhìn toàn diện về những lợi thế và thách thức của chuyển đổi số trong quản trị nhà nước tại Việt Nam, bài viết này sẽ sử dụng phương pháp phân tích SWOT [1] - tập trung vào các điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và thách thức (Threats) của quá trình chuyển đổi số.

Bên trong trung tâm hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế

Quá trình xây dựng thể chế số và dữ liệu số

Thế chế số

Quá trình xây dựng thể chế số tại Việt Nam đã được khởi động sớm, nhằm nắm bắt xu hướng chuyển đổi số toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong quản trị khu vực công. Bước đầu tiên có thể được đánh dấu từ Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên các trang thông tin điện tử (TTĐT) hoặc cổng TTĐT của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, sau 10 năm thực thi, Nghị định 43 đã bộc lộ nhiều hạn chế, như thiếu đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành [2].

Để đáp ứng yêu cầu CĐS, việc thiết lập trang TTĐT cho các đơn vị cấp xã và thị trấn trở nên cần thiết. Một số vấn đề còn tồn đọng gồm: quy trình xử lý văn bản chưa được quy định chi tiết, sự thiếu linh hoạt trong cung cấp DVCTT qua các kênh số khác nhau, thiếu chuẩn hóa dịch vụ công và mức độ cung cấp DVCTT chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, cơ chế định danh, xác thực điện tử, liên thông dữ liệu và sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước vẫn còn nhiều bất cập [6].

Hình 1. Một số mốc về văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến chuyển đối số, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và xây dựng Chính phủ số

Mặc dù vậy, xuyên suốt một thập kỷ qua, các cấp lãnh đạo đã không ngừng xây dựng nền tảng pháp lý quan trọng để thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số trong nước. Năm 2014, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, đánh dấu giai đoạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ yêu cầu phát triển quốc gia. Tiếp theo, Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 đã thiết lập các chủ trương và chính sách lớn, định hướng Việt Nam tham gia tích cực vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Những định hướng này được cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cùng với các chiến lược và chương trình quốc gia quan trọng như Chiến lược phát triển Chính phủ số, Chiến lược kinh tế số và xã hội số, và Chiến lược quốc gia về dữ liệu số.

Song song với đó, Đề án 06 và nhiều nghị quyết khác của Quốc hội và Chính phủ đã củng cố thêm khung pháp lý, hỗ trợ triển khai hệ sinh thái số tại mọi cấp chính quyền, tạo tiền đề cho thể chế số phát triển toàn diện và hiệu quả. Hình 1 tóm tắt lại dòng thời gian về các mốc văn bản pháp lý quan trọng trên.

Đề án Trục liên thông văn bản quốc gia, được phê chuẩn bởi Văn phòng Chính phủ trong Quyết định số 626/QĐ-VPCP ngày 1/8/2019 đã giúp quá trình nhận, gửi, tích hợp, chia sẻ dữ liệu văn bản điện tử quốc gia ngày càng tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong xử lý văn bản. Hình 2, cung cấp bởi Cổng TTĐT Chính phủ, vạch ra sơ đồ kết nối về việc chia sẻ dữ liệu, thông tin, văn bản điện tử giữa các Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin cấp Bộ, ngành và địa phương.

Hình 2. Sơ đồ Trục liên thông văn bản quốc gia. Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Cụ thể hơn, từ năm 2020 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 chiến lược quốc gia bao gồm: (1) Chiến lược chuyển đổi số quốc gia; (2) Chính phủ số; (3) Kinh tế số và xã hội số; (4) An toàn an ninh mạng; (5) Bưu chính và CĐS báo chí. Dự kiến, trong giai đoạn 2024 - 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tiếp tục trình Thủ tướng thêm 4 chiến lược quốc gia mới về: (1) dữ liệu số, (2) blockchain, (3) công nghiệp bán dẫn, và (4) phát triển hạ tầng số.

Về phía Quốc hội, riêng năm 2023 đã có 2 Luật được thông qua là Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông, đều cùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, các đại biểu cũng đang thảo luận về dự án Luật Dữ liệu, trong đó cần rà soát, đối chiếu với các Luật liên quan như: Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ, ... để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, nhất là về định nghĩa dữ liệu và phân loại dữ liệu cho phù hợp.

Quá trình xây dựng thể chế số tại Việt Nam thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc hội nhập xu hướng số hóa toàn cầu và cải cách quản trị khu vực công, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Việc ban hành hàng loạt nghị quyết và chiến lược quốc gia cho thấy sự đồng thuận cao của lãnh đạo trong việc phát triển hạ tầng số và mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ vào quản lý công. Tuy nhiên, tiến trình này đối mặt với một số vấn đề về đồng bộ và thực thi. Việc tích hợp công nghệ vào hệ thống công vụ truyền thống gặp trở ngại do thiếu sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và các cấp địa phương, dẫn đến sự chồng chéo, không nhất quán. Ngoài ra, những yêu cầu kỹ thuật và nhân lực chuyên môn để triển khai các dự án số hóa đòi hỏi phải có các chính sách đào tạo và hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

1. SWOT viết tắt tiếng Anh của Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội), và Threats (Thách thức).

2. Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ hiện thiếu đồng bộ với một số văn bản pháp luật hiện hành sau: (i) Luật Tiếp cận Thông tin, (ii) Luật An toàn Thông tin Mạng, (iii) Luật Ngân sách Nhà

nước, (iv) Luật Khoa học và Công nghệ, (v) Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, và (vi) Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thủ

tục hành chính trên môi trường điện tử, đều quy định về cung cấp DVCTT

Dữ liệu số - nền tảng của chuyển đổi số

Trên cơ sở các khung pháp lý đã và đang được xây dựng, củng cố trong thời gian qua, Việt Nam đã hình thành được 7 cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng cấp quốc gia, đóng góp cho việc số hóa các thông tin từ: (1) dân cư, (2) đăng ký doanh nghiệp, (3) bảo hiểm xã hội, (4) tài chính, và (5) quản lý công chức, (6) đến đất đai, (7) cán bộ, công chức, viên chức toàn quốc. Tiến độ xây dựng các CSDL số cấp quốc gia và cấp cơ sở đang trở thành ưu tiên trọng tâm trong chiến lược CĐS của Việt Nam. Việc phát triển các CSDL này không chỉ giúp tăng cường quản lý thông tin mà còn tạo điều kiện cho việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, minh bạch hơn. Bảng 1 tóm tắt tiến độ thực hiện của 7 CSDL quốc gia này.

 Bảng 1. Các cơ sở dữ liệu quốc gia đã và đang được xây dựng, hoạt động tại Việt Nam

Theo thống kê của Bộ TT&TT, đến hết Quý I năm 2024 đã có 10 Bộ, ngành và 52 địa phương ban hành danh mục CSDL, đạt 73% (tăng 8% so với năm 2023) [7]. Trong số đó, 10 Bộ, ngành và 41 địa phương đã ban hành danh mục và kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, chiếm 59% (tăng 7% so với năm 2023). Hiện tổng số cơ sở dữ liệu thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau là 2.398, tăng 311 cơ sở dữ liệu (14,5%) so với năm 2023 [7].

Phân tích từ góc độ SWOT

Về điểm mạnh của chuyển đổi số liên quan tới quản trị khu vực công tại Việt Nam, như đã trình bày bên trên về quá trình xây dựng khung pháp lý, thể chế số và dữ liệu số, điểm mạnh rõ ràng của Việt Nam nằm ở cam kết mạnh mẽ từ Đảng và Chính phủ trong sự phát triển hạ tầng công nghệ và triển khai ứng dụng số hóa trong quản lý nhà nước. Cam kết từ các cấp lãnh đạo, thể hiện qua những nghị quyết và chiến lược quốc gia, đã thúc đẩy chuyển đổi số trở thành một trong những ưu tiên phát triển [8]. Các hệ thống cơ sở hạ tầng mạng, điện toán đám mây và an toàn thông tin đã được đầu tư đáng kể. Chính phủ đã phê duyệt và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia, đặc biệt tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, nhằm đảm bảo dữ liệu được lưu trữ và quản lý an toàn, hiệu quả. Tính đến nay, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sở hữu 8 trung tâm dữ liệu tại các tỉnh, thành phố lớn, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, và tất cả các trung tâm này đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe trong nước và quốc tế [9].

Ngoài ra, ta cũng có thể kể đến sự hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số của Chính phủ. Ví dụ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương triển khai Chương trình SMEdx 2022, thành lập mạng lưới tư vấn và tổ công nghệ số cộng đồng. Điểm mới của chương trình là bộ công cụ đánh giá mức độ CĐS của doanh nghiệp (DBI), áp dụng cho 3 nhóm doanh nghiệp: nhỏ và vừa, lớn và tập đoàn. SMEdx 2022 đã công bố 23 nền tảng số “make in Viet Nam” trên trang web Smedx.vn. Những dịch vụ sản phẩm số đang được sử dụng nhiều nhất rơi vào lĩnh vực tài chính với nền tảng kế toán dịch vụ số MISA ASP với 4.965 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ triển khai. Theo khảo sát gần đây, năm 2021, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về CĐS [10].

Về điểm yếu, các nghiên cứu và báo cáo của chuyên gia đã chỉ ra những điểm hạn chế sau: sự thiếu đồng bộ giữa các hệ thống công nghệ của các Bộ, ngành và địa phương, dẫn đến khó khăn trong tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Ngoài ra, còn tồn tại khoảng cách về năng lực kỹ thuật giữa các đơn vị, khi nhiều cán bộ chưa được đào tạo đủ về kỹ năng số. Những hạn chế này làm chậm tiến độ chuyển đổi số và tăng nguy cơ mất an toàn thông tin.

Về cơ hội, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều cơ hội trong quá trình CĐS trong quản trị khu vực công. Hợp tác quốc tế mở ra tiềm năng trao đổi công nghệ, kinh nghiệm, và nguồn lực để hỗ trợ phát triển hạ tầng và năng lực kỹ thuật trong nước. Trong những năm gần đây, ở các cấp, các ngành, các cơ quan chính quyền tại Việt Nam đã có nhiều hoạt động trao đổi chuyên môn, hợp tác nâng cao năng lực, cũng như khảo sát tính khả thi trong đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như siêu máy tính [11], công nghệ AI tính toán lớn, công nghệ sinh học tiên tiến, lượng tử [12] với nhiều đối tác như Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan, Thụy Điển, Australia, v.v. Đồng thời, chuyển đổi số giúp tăng cường sự tham gia của người dân vào quản trị công, thông qua các kênh thông tin minh bạch và dễ tiếp cận.

Song hành với cơ hội, có không ít thách thức. Vấn đề an ninh mạng trở nên cấp bách khi hệ thống quản lý công trực tuyến đối mặt với nguy cơ tấn công mạng tinh vi [13]. Ngoài ra, việc triển khai công nghệ mới có thể sẽ gặp phải khó khăn khi chuyển dịch từ các hệ thống quản lý truyền thống và thiếu quy định rõ ràng về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân [14]. Việc thích nghi và tiếp biến văn hóa số (digital acculturation) cũng có sẵn những khó khăn do sự thiếu tương thích giữa các giá trị mới mà môi trường số - văn hóa số đem lại với các giá trị tồn tại sẵn có trong môi trường thực. Do vậy, các nghiên cứu về tiếp biến văn hóa số đã chỉ ra 3 yếu tố giúp việc thích nghi, tiếp biến văn hóa số thành công thường là [5, 15]:

1.          Có chiến lược tương đối rõ ràng trong việc tiếp biến văn hóa số (thường bao gồm bốn chiến lược chính như: chia nhỏ, tách biệt, đồng hóa và tích hợp);

2.          Tiếp tục duy trì mối kết nối với những di sản, bản sắc, và các giá trị cốt lõi của mình;

3.          Có kết nối và chuyển biến cụ thể về giá trị khi tương tác với chuẩn mực mới trong điều kiện số.

Kết luận

Chuyển đổi số trong quản trị khu vực công của Việt Nam đã cho thấy nhiều tiềm năng lớn, nhưng cũng đi kèm với những thách thức. Cam kết mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ và cơ sở hạ tầng số đang phát triển tạo nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ và thích nghi với môi trường, văn hóa số. Tuy nhiên, giữa các cấp, các ngành, giữa các nhóm xã hội, còn nhiều khoảng cách kỹ năng số, hệ sinh thái số vẫn còn phân mảnh và khả năng tạo ra bất bình đẳng số. Đây là những rào cản đáng kể mà công tác quản trị khu vực công trong kỷ nguyên số cần phải giải quyết.

Cơ hội của CĐS vượt qua các hệ thống cũ và cải thiện hiệu quả cũng như tính minh bạch của quản trị khu vực công song hành cùng với rủi ro an ninh mạng và thiếu thích nghi do tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng. CĐS cũng là xu hướng chung trên thế giới, giúp mở ra những cơ hội hợp tác với nhiều đối tác thế giới. Để thành công, Việt Nam cần tập trung vào việc triển khai CĐS có tính bao trùm, thu hẹp khoảng cách kỹ năng và tăng cường các biện pháp an ninh mạng. Bằng cách tận dụng điểm mạnh và cơ hội đồng thời hạn chế điểm yếu và mối đe dọa, Việt Nam có thể hướng tới quản trị số hiệu quả, và cùng trao đổi kiến thức về mô hình quản trị số với các quốc gia đang phát triển khác.

Tài liệu tham khảo:

1. Đặng, M.C. Một số thành tựu của CĐS trong cơ quan

nhà nước hiện nay [Some current achievements in digital

transformation in state management). 2024 [cited 2024

29 tháng 10]; Available from: https://www.quanlynhanuoc.

vn/2024/06/27/mot-so-thanh-tuu-cua-chuyen-doi-so-trong

co-quan-nha-nuoc-hien-nay/.

2. Nguyễn, M.P. Chuyển đổi số tại Việt Nam - 4 năm nhìn lại

và triển vọng [Digital Transformation in Vietnam - a 4-year

review and prospect]. 2024 [cited 2024 29 tháng 10];

Available from: https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-tai-viet

nam-4-nam-nhin-lai-va-trien-vong-66694.html.

3. Tô, L. Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực

lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nướcbước vào kỷ nguyên mới [Digital transformation- a crucial

driving force in developing productive forces and improving

production relations, propelling the country into a new

era]. 2024 [cited 2024 29 tháng 10]; Available from: https://

www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/

V8hhp4dK31Gf/content/chuyen-doi-so-dong-luc-quan

trong-phat-trien-luc-luong-san-xuat-hoan-thien-quan-he

san-xuat-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi.

4. Ho, M.-T. and Q.-H. Vuong, Five premises to understand

human–computer interactions as AI is changing the world. AI

& SOCIETY, 2024.

5. Durampart, M., P. Bonfils, and M. Romero, Digital

Acculturation in the Era of Artificial Intelligence, in Creative

Applications of Artificial Intelligence in Education. 2024,

Springer Nature Switzerland Cham. p. 45-56.

6. N/A. Thực tiễn áp dung Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày

13/6/2011 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông

tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử

hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước [The

implementation of Decree No. 43/2011/ND-CP dated June

13, 2011, issued by the Government, regarding the provision

of information and online public services on electronic

information pages or portals of state agencies.]. Chính

sách, pháp luật 2021 [cited 2024 29 tháng 10]; Available

from: https://cspl.mic.gov.vn/Pages/TinTuc/tinchitiet.

aspx?tintucid=138381.

7. Minh, N. Bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản khai thác

và sử dụng dữ liệu phát triển KT-XH [Ministries, Departments,

and Localities work on plans to utilize and use data resources

for socioeconomic development]. 2024 [cited 2024 29 tháng

10]; Available from: https://congan.thaibinh.gov.vn/tin-hoat

dong-cua-catp/cai-cach-hanh-chinh/tai-lieu-tuyen-truyen

du-an-luat-du-lieu.html.

8. Nguyen Dinh Chuc and Dao Tung Anh, Digital

Transformation in Vietnam

Policies, Results and Recommendations. Journal of Southeast

Asian Economies, 2023. 40(1): p. 127-144.

9. Minh, H. Khai trương trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam

[Inauguration of Vietnam’s biggest data center]. 2023 [cited

2024 29 tháng 10]; Available from: https://baochinhphu.

vn/khai-truong-trung-tam-du-lieu-lon-nhat-viet

nam-102231025110633111.htm.

10. Vũ Văn Phúc and H.K. Hương., Chuyển đổi số trong các

doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam Tạp Chí Cộng Sản, 2024:

p. 10-3-2024.

11. Bộ Công An Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự

Xã hội. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Tin

Tức, 2023 [cited 2024 November 1,]; Available from: https://

canhsatquanlyhanhchinh.gov.vn/tin-tuc/tang-cuong-hop

tac-quoc-te-trong-chuyen-doi-so-2483.

12. Khánh Vân (TTXVN). Việt Nam - Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác

trong chuyển đổi số và phát triển AI. 2024 [cited 2024 Nov 1];

Available from: https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-han

quoc-thuc-day-hop-tac-trong-chuyen-doi-so-va-phat-trien

ai-20240803220039599.htm.

13. Vương, Q.H., et al., Một số vấn đề an ninh thông tin trọng

yếu trong kỷ nguyên AI. Trang Thông tin Điện tử Hội đồng Lý

luận Trung ương, 2024(3/2024).

14. Nguyễn Tiến Dũng, AI và sự tác động đến vấn đề nhân

quyền. Tạp chí Xây dựng Đảng, 2023 (Tháng 12).

15. Vuong, Q.H. and N.K. Napier, Acculturation and global

mindsponge: an emerging market perspective. International

Journal of Intercultural Relations, 2015. 49: p. 354-367.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2024)

 

TS. Hồ Mạnh Tùng, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam