TPHCM: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công tác quản trị, giám sát các hoạt động xã hội
TPHCM đang đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ (KH-CN) trong công tác quản trị, giám sát các hoạt động xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số các lĩnh vực; tăng cường ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực quản trị công.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết, đổi mới sáng tạo trong khu vực công là cần thiết bởi đây là động lực thúc đẩy mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hơn nữa, thế giới ngày nay nhiều biến động nên cũng có nhiều thách thức. Đây là 2 yêu cầu đòi hỏi khu vực công phải nỗ lực không ngừng trong đổi mới sáng tạo.
Từ tháng 5-2022, Sở KH-CN và Sở Y tế công bố cùng triển khai Chương trình phối hợp hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế TPHCM giai đoạn 2022-2025. Qua đó, Sở KH-CN làm đầu mối kết nối Sở Y tế với khu vực nghiên cứu, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo để tìm ra kết quả nghiên cứu tốt nhất, phù hợp nhất nhằm giải quyết vấn đề mà Sở Y tế đặt hàng; ngoài ra còn có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, phục hồi và chăm sóc sức khỏe người dân.
Trước đó, Sở KH-CN tổ chức hội nghị "Tìm kiếm giải pháp hỗ trợ quận, huyện trong quản lý, điều hành" nhằm thúc đẩy hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo trong khu vực công. Đồng thời khuyến khích các viện, trường, doanh nghiệp, startup phối hợp cùng quận, huyện triển khai thử nghiệm các giải pháp khả thi vừa đẩy nhanh hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công, vừa hỗ trợ kinh doanh, nghiên cứu…
Số liệu tại hội thảo tham vấn khung chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC - Bộ KH-ĐT) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức tháng 8 vừa qua cho thấy, đổi mới sáng tạo mang đến những tác động tích cực, như đóng góp tới 95% đối với mức độ cạnh tranh của nền kinh tế; 91% đối với nền kinh tế xanh; 88% trong các công việc mới; 86% đối với quan hệ hợp tác; 87% với việc mang lại giá trị cho toàn xã hội và 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân… Theo bà Phạm Thị Thu Trang, chuyên gia NIC, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã có khung đo lường đổi mới sáng tạo cho khu vực công nên Việt Nam cũng cần có khung đo lường về lĩnh vực này nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về khái niệm và đo lường đổi mới sáng tạo trong khu vực công.
Nhân viên y tế Bệnh viện Thống Nhất hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ điện tử tại cổng ra vào.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công, Sở KH-CN TPHCM đồng hành, hỗ trợ các đơn vị ngay giai đoạn đầu để làm quen, kết nối với các thành phần trong hệ sinh thái, đảm bảo nhận được thông tin từ chuyên gia, tương tác với vấn đề muốn giải quyết, tìm giải pháp hoàn thiện. Hiện sở đang cùng các sở ngành, TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện triển khai thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công ở 3 nội dung gồm: Inno-Coffee, R&D và Sandbox.
Inno-Coffee được tổ chức dưới dạng sự kiện kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đây là cơ hội để các đơn vị có chung nhu cầu trình bày vấn đề cần giải quyết, nhận tư vấn từ chuyên gia (viện - trường, doanh nghiệp) nhằm tìm hướng đổi mới sáng tạo phù hợp để triển khai. R&D là chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển giải pháp; áp dụng sau khi đơn vị tìm được hướng giải quyết vấn đề. Với Sandbox, tập trung chính sách hỗ trợ thử nghiệm để các bên hoàn thiện giải pháp giải quyết vấn đề. "Phát hiện vấn đề và xác định vấn đề ưu tiên là khâu quan trọng trong triển khai xây dựng các bài toán lớn về hoạt động đổi mới sáng tạo ở khu vực công (cho một số lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể). Phát hiện vấn đề và xác định vấn đề gồm 5 bước: xây dựng nội dung các bài toán lớn (khảo sát, đánh giá, phát hiện vấn đề, phân loại vấn đề, mô tả vấn đề để xây dựng nội dung bài toán); công bố rộng rãi cho cộng đồng nội dung bài toán lớn; tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện; tổ chức phối hợp thực hiện; triển khai ứng dụng các nội dung của bài toán lớn và đánh giá kết quả", ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, dẫn giải.
Theo ông Lê Thanh Minh, 5 bước nói trên cần có sự cam kết của lãnh đạo để cung cấp nguồn lực, đưa vào ứng dụng. Sự tương tác giữa đơn vị cung cấp giải pháp với đơn vị nhận chuyển giao cần liên tục để đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất.
Trong tháng 10-2022, Sở KH-CN TPHCM sẽ tổ chức khóa tập huấn cho các thành viên tổ công tác thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo khu vực công của các đơn vị để tiếp tục thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo khu vực công… "Sở KH-CN sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch chung về đổi mới sáng tạo trong khu vực công; các sở ngành, địa phương phối hợp với sở để xây dựng các bài toán lớn từng lĩnh vực được phân công. Kết quả đo lường và đánh giá dựa trên sự hài lòng và mức độ cải thiện chất lượng cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố", ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
Minh Thuỳ (T/h)