CMC chính thức lên tiếng về vụ bị mã độc tống tiền tấn công
Đại diện CMC cho biết, một dịch vụ chuyên biệt với phạm vi triển khai hạn chế, do một công ty thành viên quy mô nhỏ của CMC cung cấp cho một số lượng nhỏ khách hàng, đã ghi nhận dấu hiệu bị tấn công có chủ đích.
CMC khẳng định, toàn bộ hệ thống và dịch vụ của các đơn vị chủ lực thuộc Tập đoàn CMC không bị ảnh hưởng, vẫn vận hành an toàn và ổn định.
Sáng 15/4, đại diện CMC đã chính thức lên tiếng về vụ bị mã độc tống tiền tấn công. Đại diện CMC cho biết, một dịch vụ chuyên biệt với phạm vi triển khai hạn chế, do một công ty thành viên quy mô nhỏ của CMC cung cấp cho một số lượng nhỏ khách hàng, đã ghi nhận dấu hiệu bị tấn công có chủ đích.
“Toàn bộ hệ thống và dịch vụ của các đơn vị chủ lực thuộc Tập đoàn CMC không bị ảnh hưởng, vẫn vận hành an toàn và ổn định. Ngay khi phát hiện sự cố, CMC đã kịp thời kích hoạt quy trình ứng cứu an ninh mạng, nhanh chóng cô lập nguồn tấn công và kiểm soát hoàn toàn hệ thống trong vòng 24 giờ. Việc cung cấp dịch vụ chỉ bị gián đoạn trong thời gian rất ngắn và đã được khôi phục hoàn toàn, không ghi nhận bất kỳ ảnh hưởng nào đến trải nghiệm khách hàng”, đại diện CMC cho hay.
Ngay sau khi xử lý xong sự cố, CMC đã chủ động gửi email thông báo tới các khách hàng bị ảnh hưởng và đối tác liên quan, cung cấp đầy đủ thông tin về vụ việc và kết quả khắc phục, đồng thời tái khẳng định cam kết đảm bảo an toàn cho tất cả các dịch vụ do các công ty thành viên CMC đang triển khai. Hiện nay, mọi hoạt động kỹ thuật đang được đảm bảo ổn định. CMC đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ vụ việc.
“Sau khi có kết luận chính thức và được phê duyệt, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin đầy đủ tới các cơ quan báo chí, khách hàng và đối tác”, đại diện CMC nói.
Các cuộc tấn công mã hóa dữ liệu nhằm vào các doanh nghiệp Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Từ cuối tháng 3/2024 đến nay, hàng loạt vụ tấn công bằng mã độc tống tiền nhằm vào các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam như: Vietnam Post, VNDIRECT, PVOIL, một số ngân hàng và nhà bán lẻ… gây thiệt hại lớn.
Hiệp hội An ninh mạng cho hay, không loại trừ khả năng mã độc tống tiền đã được cài cắm sâu trong các hệ thống thông tin của các cơ quan trọng yếu, các tổ chức kinh tế, tài chính, năng lượng Việt Nam.
Cụ thể thời gian qua, các ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong công tác điều hành, sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị to lớn cho xã hội và phục vụ tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, đây cũng chính là những mục tiêu hàng đầu của các nhóm tội phạm, tin tặc quốc tế và trong nước để thực hiện các hoạt động tấn công mạng với nhiều mục đích khác nhau, có tính chất và quy mô ngày càng lớn, nhằm vào các cơ quan, doanh nghiệp như: hệ thống thông tin của điện lực, ngân hàng, chứng khoán, trung gian thanh toán, viễn thông, dầu khí và y tế...
Việc tấn công hệ thống có thể gây ngừng toàn bộ hoạt động, giao dịch và khó có thể thu hồi được dữ liệu nhạy cảm đã rơi vào tay tin tặc.
Trong đó, dữ liệu của các đơn vị này đóng vai trò hết sức quan trọng, mang tính chất quyết định trong hoạt động của tổ chức; phải duy trì, bảo đảm tính sẵn sàng cao.
Hiện nay, sáng kiến quốc tế về chống mã độc tống tiền - Counter Ransomware Initiative (CRI) do Mỹ khởi xướng đã đưa ra một tuyên bố chính sách chung giữa các nước, trong đó kêu gọi các nạn nhân không trả tiền chuộc cho tin tặc, nếu không sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, đặc biệt nguy hiểm.
Hiệp hội An ninh mạng quốc gia dự báo thời gian tới, các nhóm tin tặc gia tăng tấn công mạng bằng mã độc tống tiền, nhằm vào các cơ quan trọng yếu, các tổ chức kinh tế, tài chính, năng lượng tiếp tục diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng hoạt động tấn công mã độc đã được cài cắm sâu trong các hệ thống thông tin.
Năm ngoái, CEO Công ty An ninh mạng Viettel Nguyễn Sơn Hải dự báo công theo kiểu mã độc tống tiền ransomware vẫn là vấn đề rất lớn và ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, doanh nghiệp trong vài năm tới. Đây là những chuyện gần như không thể đảo ngược, nếu không chuẩn bị sớm giải pháp đối phó trước xu hướng này. Trước đây, câu chuyện mã độc tống tiền không hiếm, nhưng khi động cơ kiếm tiền trở nên mạnh mẽ thì vấn đề kỹ thuật xưa cũ này trở nên sống động hơn bao giờ hết. Ông Nguyễn Sơn Hải phân tích, mô hình kinh doanh đã chi phối tất cả, dẫn dắt hành động của đối tượng xấu. Hiện tại, ransomware hay DDoS đều có thể là một dịch vụ. Có một nhóm phát hành công cụ chuyên nghiệp, có nhóm mua lại rồi tấn công để kiếm tiền. Khi được bình dân hóa, số lượng người tham gia tấn công, kiếm tiền sẽ tăng lên rất nhiều, giống như phổ cập tấn công.
Đồng tình với những nhận định trên, CEO Công ty CyRadar Nguyễn Minh Đức, cho rằng những xu hướng tấn công mạng nổi bật tại Việt Nam thời gian tới có thể bao gồm tấn công ransomware nhằm mã hóa dữ liệu của nạn nhân và đòi tiền chuộc để giải mã. Tấn công ransomware có thể gây thiệt hại lớn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hoặc cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và tăng cường sử dụng điện toán đám mây.