Cổ phần hóa các mạng di động: Khách hàng được gì?

11:07, 09/04/2008

Trong khi ngành viễn thông lên cơn sốt cực điểm với sự tăng trưởng cực kỳ mạnh của các mạng di động GSM, kèm theo những khoản lợi nhuận khổng lồ mà các mạng này đem lại thì các chuyên gia kinh tế đang hướng mối quan tâm về một vấn đề khác: mô hình sở hữu. Mạng di động nào sẽ cổ phần hóa đầu tiên? Vào thời điểm hiện tại, cả 3 mạng dẫn đầu (MobiFone, VinaPhone, Viettel) đều thuộc sở hữu nhà nước 100%. Tuy nhiên, với việc đây là một ngành kinh doanh đang có siêu lợi nhuận và có tốc độ tăng trưởng cao, duy trì tỷ lệ sở hữu 100% nhà nước sẽ không tạo động lực lớn cho sự tăng trưởng bền vững, tính đột phá trong những quyết định kinh doanh. Trong số 3 mạng di động này, hiện tại, MobiFone - mạng di động đầu tiên tại Việt Nam, lại là doanh nghiệp được chọn làm mạng di động đầu tiên thực hiện cổ phần hoá. Ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc MobiFone tiết lộ, theo dự kiến, toàn bộ các quy trình và thủ tục cho tiến trình CPH đang được hoàn thành để thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng trong năm nay. Về tỷ lệ phát hành cổ phiếu ra công chúng, ông Minh cho biết: "Về lâu dài, mô hình tốt nhất sẽ là VNPT (đơn vị chủ quản MobiFone) chiếm 1/3, các cổ đông chiến lược chiếm 1/3 và công chúng bên ngoài chiếm 1/3 cổ phần. Tuy nhiên, thời gian đầu thì chúng tôi sẽ làm từ từ và theo lộ trình". Giới chuyên môn thì nhận định rằng, nếu thực hiện CPH nhanh và tận dụng được các thay đổi về cơ chế do tiến trình CPH đem lại, thị phần của MobiFone có thể tăng lên trên 50%. Việc chủ động hơn trong kinh doanh sẽ cho phép MobiFone thực hiện được điều này tận dụng được các cơ hội mới trên thị trường di động vốn đã nóng như hiện nay. Ông Hoàng Trung Hải, Giám đốc VinaPhone, cho biết hiện chưa có phương án cụ thể về việc CPH mạng di động này. VNPT đang tập trung cổ phần hóa MobiFone trước, khi công việc với mạng di động này hoàn thành mới tiến hành bước tiếp theo với VinaPhone. Lãnh đạo Viettel thì tiết lộ rằng, dự kiến, DN này sẽ cổ phần hóa các công ty hạch toán phụ thuộc trước. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel, cho biết trước mắt, Viettel sẽ tiến hành cổ phần hóa công ty chuyên kinh doanh dịch vụ, thay vì ngay lập tức cổ phần hóa Viettel Telecom. Như vậy, mạng di động đầu tiên được "thừ nghiệm" cổ phần hóa và đang được trông chờ vẫn là MobiFone. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với thị trường thông tin di động sau bước chuyển tập trung về cạnh tranh vào chất lượng và chuyển đổi mô hình sở hữu - bắt đầu bằng MobiFone? Có lẽ thời gian sẽ cho câu trả lời chính xác nhất, nhưng điều có thể thấy chắc chắn là người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng các dịch vụ tốt hơn với giá cước thấp hơn nhờ cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường thông tin di động. BCC đã lỗi thời? Thị trường viễn thông VN cũng được đánh giá cao về sức hút, và mức độ quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, việc hợp tác kinh doanh với đối tác quốc tế cũng đang được nhiều mạng di động chọn lựa. Năm 1995, MobiFone chính thức triển khai hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Comvik (Thuỵ Điển) trong việc xây dựng và khai thác mạng thông tin di động. Đây được coi là cái nôi đào tạo các chuyên gia cho ngành thông tin di động Việt Nam, nơi cung cấp kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng cũng như các mô hình kinh doanh dịch vụ… Trong lĩnh vực thông tin di động, đối với 2 BCC còn lại là S-Fone (với SK Telecom) và HT Mobile (với Hutchison) - hành trình đi đến sự thành công vẫn đang ở phía trước. S-Fone sau nhiều năm chật vật vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc và HT Mobile thì vừa mới phải chuyển đổi sang công nghệ GSM... Nhận định về sự tồn tại hợp đồng BCC trong thị trường sôi động hiện nay, nhiều chuyên gia dự đoán rằng, các mạng di động nên chuyển sang hình thức liên doanh, thay vì hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Điều này càng đặc biệt hợp lý khi VN vừa gia nhập sân chơi WTO được hơn 1 năm. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trần Đức Lai cho rằng "trước đây, chúng ta chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), nhưng theo cam kết lộ trình vào WTO, chúng ta sẽ áp dụng một số hình thức đầu tư mới đối với dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng. Hình thức hợp tác mới sẽ kích thích các đối tác tham gia và làm việc tốt hơn." Cũng theo Thứ trưởng Lai, để tạo sân chơi bình đẳng khi VN gia nhập WTO, từ đầu năm 2008 đến nay, Bộ TT-TT đã tạo điều kiện cho 3 mạng di động chiếm thị phần khống chế là MobiFone, Viettel và VinaPhone được phép giảm cước ngang bằng nhau. Mặt khác, giá cước thông tin di động đã liên tục giảm rất mạnh trong những năm gần đây đã khiến cho người tiêu dùng Việt Nam ý thức mạnh mẽ hơn về vấn đề chất lượng dịch vụ. Cuộc chạy đua về mặt giá cước của các mạng di động đã bước sang một ngã rẽ mới: cạnh tranh bằng chất lượng. Và đương nhiên, người được hưởng lợi sẽ chính là khách hàng. Theo: Hoàng Hùng _ vietnamnet
TIN LIÊN QUAN