Công nghiệp phần mềm Việt Nam – Vai trò của chính sách?
18:00, 06/12/2012
Ngày 25-6-2000, Chính phủ ban hành Nghị quyết 07/NQ-CP về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005. Nghị quyết nêu mục tiêu đến năm 2005, đạt giá trị sản lượng công nghiệp phần mềm khoảng 500 triệu USD. Năm 2007, khi mà mục tiêu nói trên còn thậm chí còn chưa đạt được, Chương trình công nghiêp phần mềm theo Quyết định 51/2007/QĐ-TTg đã đặt mục tiêu 800 triệu USD doanh thu năm 2010.
Những thăng trầm của ngành công nghiệp non trẻ
Hơn mười năm trước, chỉ thị 58/BCT và nghị quyết 07 đã thể hiện rõ ràng ý chí của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp phần mềm và ứng dụng CNTT. Vào thời điểm đó, khi mà khái niệm phần mềm dường như là một điều gì đó xa xôi với đa số người dân. Việt Nam chúng ta chưa có công ty phần mềm có tới 100 lập trình viên. Cả nước mới chỉ lác đác vài công ty có khoảng 70 - 80 lập trình viên. Lúc ấy, các công ty phần mềm chỉ tương đương với các nhóm làm việc nhỏ của các doanh nghiệp sau này. Sau đó, sự ra đời và phát triển của hàng loạt các thương hiệu như FPT Software, Misa, Vietsoftware… là một tín hiệu vui, đủ để chúng ta tin về một ngành công nghiệp thực thụ. Một mục tiêu đẹp đẽ 500 triệu USD doanh thu năm 2005 được chúng ta đặt ra và phấn đấu. Mặc dù vậy, sự bùng nổ của bong bóng dotcom đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp non trẻ này. Hàng loạt doanh nghiệp lao đao, mục tiêu nói trên không đạt được.
Trong khi các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp còn đang tranh luận về nguyên nhân không đạt được mục tiêu nói trên, nhiều ý kiến xuất hiện phải chăng chúng ta nên từ bỏ tham vọng phát triển ngành công nghiệp này thì Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn cho công nghiệp phần mềm, đạt doanh thu 800 triệu USD vào năm 2010. Đây không phải là mục tiêu vẽ ra cho đẹp, Chính phủ đã cho thấy sự quyết tâm giữ vững định hướng của mình với hàng loạt các giải pháp tổng thể được triển khai quyết liệt như: đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ xây dựng áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn quốc tế…
Sự quyết tâm của Chính phủ đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp phần mềm. Bất chấp thế giới đang phải vật lộn với khủng hoảng tài chính trầm trọng, công nghiệp phần mềm Việt Nam liên tục tăng trưởng với tốc độ 30-40%/năm. Mục tiêu 800 triệu USD doanh thu đạt được vào năm 2009, trước 1 năm so với kế hoạch. Năm 2010, công nghiệp phần mềm chính thức vượt mốc 1 tỷ USD, và dự kiến đạt 1,3 tỷ USD năm 2012. : Các công ty FPT,TMA, PSV, CMC, GLOBAL SYBERSOFT, MISA… tiếp tục là niềm tự hào của công nghiệp phần mềm Việt Nam
Vai trò của Chính sách
Vào thời điểm năm 2005, khi trả lời câu hỏi: Chính sách của Nhà nước có ý nghĩa như thế nào đối với sự thành công của các bạn? Giám đốc TMA, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung đều cho rằng: Nghị quyết 07 và Quyết định 128 là tuyệt vời đối với họ. Không có những chính sách ấy, họ không thể thành công như hôm nay. Vào thời điểm 2012, phát biểu tại một Hội thảo về CNTT, Ông Aru David Tổng giám đốc công ty tư vấn ECCI cho rằng, những gì mà Chính phủ Việt Nam đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp phần mềm là điều mà quốc gia trên thế giới cần phải học hỏi.
Thực tế cho thấy sự đầu tư của nhà nước cho công nghiệp phần mềm không lớn. Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để hình thành các tổng công ty, các tập đoàn lớn, trong khi vốn đầu tư cho công nghiệp phần mềm có thể nói là không đáng kể. Tuy nhiên đây là lĩnh vực đặc thù, các doanh nghiệp phần mềm vừa ra đời đã gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của hàng nghìn đối thủ trong và ngoài nước, nếu không có sản phẩm và trí tuệ thì cho dù được đầu tư rất lớn cũng không thể cạnh tranh được. Chính vì vậy, Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm đã lựa chọn hình thức hỗ trợ sáng tạo đó là tập trung vào nâng cao năng lực mà cụ thể là quy trình và nguồn nhân lực, vì đây là hai yếu tố chính mang lại sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Giai đoạn tới, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn: sự nổi lên của các quốc gia láng giềng, sự suy giảm của các thị trường truyền thống đặt yêu cầu cần bước đột phá hơn cho công nghiệp phần mềm. Chúng ta cùng hy vọng với sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về phần mềm trong tương lai.
Q.C