“Cú huých chính sách” chưa từng có khuyến khích sáng tạo, làm chủ công nghệ mạnh mẽ của Việt Nam

07:35, 28/05/2025

Theo các chuyên gia, đằng sau Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 là tinh thần hiện đại hóa, khuyến khích sáng tạo và làm chủ công nghệ mạnh mẽ của Việt Nam.

Sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy lãnh đạo

Tại Hội thảo “Gỡ nút thắt, tạo động lực để làm chủ công nghệ và phát triển đột phá” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn chuyển đổi số DX Summit 2025 diễn ra chiều ngày 27/5, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho biết trong 6 tháng qua, Việt Nam đã chứng kiến những bước cải cách chưa từng có, đánh dấu những thay đổi mang tính cách mạng trong tư duy và hành động của hệ thống chính trị.

Điểm nổi bật nhất chính là sự quyết liệt của Đảng, với vai trò tiên phong của Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết quan trọng - đặc biệt là Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68.

Ông Võ Trí Thành cho rằng bản chất của hai Nghị quyết này không chỉ dừng lại ở những chính sách hỗ trợ DN về thuế, phí hay nguồn vốn như trước đây, mà còn thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy lãnh đạo.

Ông Võ Trí Thành khẳng định Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy lãnh đạo.

Chẳng hạn, Nghị quyết 68 đã khẳng định khu vực tư nhân là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển. Đồng thời, một điểm quan trọng khác là cách thức chi ngân sách sẽ thay đổi, không chỉ tập trung thu hút nguồn lực mà còn áp dụng cơ chế thị trường linh hoạt, chấp nhận rủi ro trong phát triển công nghệ - một cách tiếp cận mới, thúc đẩy các sáng kiến từ startup, DN vừa và nhỏ đến các DN dẫn đầu.

Theo ông Thành, Nghị quyết 68 gồm ba nhóm chính sách cốt lõi: Thứ nhất là tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh và thuận lợi nhất; Thứ hai là cải thiện tương tác giữa Nhà nước và DN, hướng đến phục vụ DN, giảm thiểu can thiệp hành chính và chi phí giao dịch; Thứ ba là thiết kế các chính sách hỗ trợ toàn diện, từ hộ kinh doanh, startup, DN vừa và nhỏ cho đến các DN tiên phong trong nhiều lĩnh vực.

Đại diện DN, ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc công nghệ, Camera AI View, Tập đoàn Công nghệ BKAV, cho biết trước khi Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 ra đời, BKAV đã phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng văn bản chiến lược về AI. Tại thời điểm đó, tầm nhìn của BKAV đã nhận thấy rằng chỉ trong vài năm tới, AI sẽ trở thành động lực cốt lõi của thế giới. Hiện tại, BKAV đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ để thúc đẩy AI hiệu quả hơn.

BKAV hiện đã làm chủ ba nền tảng cốt lõi của hệ thống camera AI. Nền tảng thứ nhất là công nghệ AI, được tích hợp trực tiếp trên camera, đảm bảo khả năng xử lý tại biên (edge computing).

Nền tảng thứ hai là hệ thống quản lý camera và hệ thống quản lý AI trên camera (AI platform), cho phép vận hành và giám sát hiệu quả.

Nền tảng thứ ba là thiết bị, với 28 mẫu camera AI và hai mẫu AI box, được nghiên cứu, thiết kế và sản xuất hoàn toàn bởi BKAV. Sản phẩm có khả năng tùy chỉnh theo yêu cầu của khách hàng, từ thu thập dữ liệu, huấn luyện AI đến triển khai trên các nền tảng camera đặc thù.

Nghị quyết 68 đang huy động toàn bộ lực lượng DN “vào cuộc”

Về lợi thế cạnh tranh, BKAV đã chọn triết lý khác biệt: đưa AI lên biên một cách toàn diện, thay vì chỉ xử lý trên đám mây hoặc server. Việc xử lý tại biên giúp tiết kiệm đến 10 lần chi phí triển khai so với mô hình truyền thống, giảm tải tài nguyên truyền dữ liệu và tối ưu hóa chi phí đầu tư.

Ông Đoàn Mạnh Hà cho biết các giải pháp của BKAV được tối ưu hóa cho thị trường Việt Nam, sử dụng dữ liệu nội địa để huấn luyện AI, đáp ứng các bài toán thực tiễn như nhận diện biển số xe.

Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc công nghệ, Camera AI View, Tập đoàn Công nghệ BKAV

“Chẳng hạn, tại cửa khẩu Lạng Sơn, hệ thống camera AI của chúng tôi nhận diện chính xác biển số xe container di chuyển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hỗ trợ thống kê và kiểm soát giao thông hiệu quả. Hệ thống này cũng có khả năng tích hợp hầu hết các camera phổ thông trên thị trường, từ bến xe, trường học đến các vị trí công cộng, mang lại sự linh hoạt và tiết kiệm chi phí đáng kể”, ông Đoàn Mạnh Hà nói.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Khoa học Công nghệ, Nghị quyết 68 đang huy động toàn bộ lực lượng DN, từ startup, hộ kinh doanh, DN vừa và nhỏ đến các DN lớn “vào cuộc”. Đặc biệt, vai trò của DN tư nhân đang được nhấn mạnh, không phân biệt thành phần kinh tế, mà tập trung vào việc khơi dậy tiềm năng của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

“Chúng ta chào đón đầu tư nước ngoài, cạnh tranh công bằng, nhưng mục tiêu cốt lõi là huy động nội lực. Đằng sau Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 là tinh thần hiện đại hóa, khuyến khích sáng tạo và làm chủ công nghệ”, ông Trần Minh Tuấn nói. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng DN nhỏ và vừa, chiếm 97 - 98% tổng số DN tại Việt Nam, vẫn đối mặt với nhiều điểm yếu, như các hạn chế về công nghệ, nguồn lực.

Ông Đoàn Mạnh Hà của BKAV cũng thừa nhận trong hành trình phát triển từ năm 2019 đến nay, BKAV đã đối mặt với không ít khó khăn. “Chúng tôi nhận thấy kỹ sư Việt Nam có năng lực tốt, kể cả khi không xuất phát từ ngành AI. Tuy nhiên, để thúc đẩy ứng dụng AI, cần có các chính sách kích cầu mạnh mẽ hơn nữa”, ông Hà nói và cho biết ở Singapore, chính phủ hỗ trợ đến 70% chi phí triển khai AI cho DN; ở Nhật Bản, tỷ lệ này là 50 - 50 giữa chính phủ và DN. Điều này sẽ giúp DN tự tin đầu tư các giải pháp như camera AI kiểm soát nước thải.

Ngoài ra, DN cũng gặp khó trong tiếp cận dữ liệu huấn luyện. Đặc biệt, theo đại diện BKAV, cần có bộ tiêu chuẩn đánh giá AI, áp dụng cho cả giải pháp trong và ngoài nước, nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu và chủ quyền số.

Các startup thường khó tiếp cận tài nguyên tính toán. Vì thế, BKAV đề xuất hợp tác công - tư để tạo cơ chế cho DN thuê sử dụng hạ tầng AI.

Tư duy phát triển toàn diện, thúc đẩy cả “bên cầu và bên cung”

Theo ông Võ Trí Thành, dù các chính sách hiện nay có tính đột phá, nhưng vẫn còn thiếu hụt ở khía cạnh cầu - tức là tạo động lực từ phía thị trường để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.

“Hiện nay, chính sách chủ yếu vẫn thiên về bên cung: hỗ trợ DN về vốn, công nghệ, lao động kỹ năng cao hay thu hút nhân tài. Trong khi đó, bên cầu - nơi DN và người tiêu dùng tương tác - vẫn chưa được chú trọng đúng mức”, ông Võ Trí Thành nói.

Theo ông, tạo áp lực và động lực từ phía cầu là yếu tố then chốt để làm mạnh thêm nguồn cung, từ đó tạo nên hệ sinh thái phát triển bền vững.

Các chuyên gia tham gia trong phiên thảo luận tại Hội thảo

Ông Trần Minh Tuấn cho rằng về mặt chính sách, có thể có hai định hướng quan trọng. Thứ nhất là nâng cao năng lực của DN vừa và nhỏ, khuyến khích họ “máu lửa” và năng động hơn.

Thực tế, các DN nhỏ và vừa có hai lợi thế lớn. Thứ nhất, họ là động lực của cạnh tranh, bởi cạnh tranh thúc đẩy sáng tạo và đột phá. Không có DN vừa và nhỏ, thị trường sẽ mất đi sức sống cạnh tranh.

Thứ hai, sáng tạo bắt nguồn từ cá nhân, và DN vừa và nhỏ là nơi thể hiện sự năng động, linh hoạt, phản ánh tiềm năng của con người Việt Nam.

Đề xuất chính sách thứ hai được ông Tuấn đưa ra là hỗ trợ các DN, nhưng không phải bằng cách “chọn người thắng” (picking the winner) mà là “hỗ trợ người thắng” (supporting the winner).

“Nhà nước không chọn sẵn DN nào sẽ thành công, mà tạo điều kiện để những DN có hiệu quả được phát triển, qua đó lan tỏa lợi ích đến các DN vừa và nhỏ thông qua các dự án, mua sắm công và kết nối thị trường”, ông Trần Minh Tuấn nhấn mạnh.

“Đây là tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68, nhằm tạo động lực để DN vừa và nhỏ không chỉ tham gia mà còn dẫn dắt trong một số lĩnh vực”.

Trong vai trò là người điều phối phiên Fireside chat với chủ đề “Đề án Chuyển đổi số DN - Kích cầu để đẩy nhanh chuyển đổi số DN”, ông Lâm Quang Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân lực VINASA, Phó Chủ tịch VINASA cho rằng từ câu chuyện của BKAV, có thể thấy rằng các DN Việt Nam có năng lực để vượt lên, phát triển và cạnh tranh.

Tuy vậy, DN vẫn gặp những khó khăn, rào cản nhất định mà câu trả lời cho những thách thức này “không chỉ nằm ở chính sách, mà còn ở tư duy phát triển toàn diện, trong đó bên cầu và bên cung cùng được thúc đẩy, kết nối bằng một hệ sinh thái công nghệ mở, linh hoạt và đủ sức bứt phá”, ông Lâm Quang Nam nói./.