Cuộc chiến "đốt tiền" của ví điện tử

14:28, 30/09/2020

Các ví điện tử đang kết hợp với nhiều hệ sinh thái khác, trong đó có sàn thương mại điện tử và app, trong cuộc chơi chung chi tiền "khủng"

Theo báo cáo của IDC năm 2020, trong 10 nước ở Châu Á TBD, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc và Hàn Quốc ở tốc độ phát triển ví điện tử (CAGR tăng trưởng ví điện tử giai đoạn 2017-2022 đạt 67%), và xếp thứ 3 sau Nhật và Malaysia về tốc độ phát triển debit card.

Ở Việt Nam việc các ví điện tử căng mình chạy đua khuyến mại, hoàn tiền, thậm chí chịu lỗ... để chiến thắng đối thủ, độc chiếm thị trường thể hiện cuộc đua khốc liệt của thanh toán điện tử.


Cuộc chiến ví điện tử trong cuộc đua khuyến mãi ở Việt Nam.

Đủ kiểu lôi kéo khách hàng

Buổi sáng khi chạy xe máy dọc đường Khánh Hội, quận 4, Tp.HCM, Vân dừng lại một quán bánh tráng trộn ven đường. 10.000 đồng/bịch, mua 5 tặng 1. Vân rút điện thoại quẹt mã QR code trên ví MoMo, chỉ vài thao tác đơn giản rồi chạy xe đi làm. 

Chị Ngọc Nga (ngụ quận 3, TP HCM) cần đi công việc gấp, mở ứng dụng Be trên điện thoại để đặt xe, không quên truy cập vào ví điện tử MoMo để lấy mã khuyến mại giảm giá tối đa 50.000 đồng/cuốc xe. "Từ khi Be thêm phương thức thanh toán là ví MoMo, tôi thường xuyên sử dụng các mã ưu đãi giảm giá để tiết kiệm chi phí. Mỗi khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ, tôi thường quan sát cửa hàng, siêu thị chấp nhận ví nào, có khuyến mại, hoàn tiền hay không rồi lựa chọn" - chị Ngọc Nga tiết lộ.


Ví điện tử ngày càng được phổ biến hiện nay.

Với ví điện tử ZaloPay, thông qua chương trình liên kết với ngân hàng, người dùng sẽ nhận được combo voucher trị giá 500.0000 đồng để trải nghiệm thanh toán các dịch vụ trên ví và thanh toán tại các đối tác của ZaloPay. Ngoài ra còn có chương trình chuyển 2.000 đồng, nhận hoàn tiền đến 2 triệu đồng nhằm thúc đẩy khách hàng sử dụng tính năng chuyển tiền ngay trong Zalo Chat và các chương trình ưu đãi khi thanh toán trên các trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada...

Cuộc đua ưu đãi, hoàn tiền... của ví điện tử với mục đích ban đầu là để tạo thói quen cho người dùng tiếp cận kênh thanh toán điện tử mới nhưng sau khi có được hàng triệu người dùng, các ví vẫn không ngừng chiết khấu, hoàn tiền, tặng mã giảm giá để "lấy lòng" khách hàng, chiếm lĩnh thị phần. Với hàng chục ví đang cạnh tranh ưu đãi, dễ hiểu vì sao lượng người biết đến và sử dụng ví đang tăng theo cấp số nhân. Đến tháng 9-2020, MoMo đã chạm mốc 20 triệu người dùng sau 10 năm ra mắt thị trường bằng cách xây dựng một hệ sinh thái đáp ứng hầu hết nhu cầu thiết yếu của khách hàng với hơn 20.000 đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực tài chính - tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, TMĐT, mua sắm, vận tải và dịch vụ ăn uống, quyên góp từ thiện... 

Không chỉ là bài toán lãi, lỗ

Đánh đổi không nhỏ để lôi kéo khách, các ví điện tử được cho là đang so kè quyết liệt trong cuộc chiến "đốt tiền" để giành thị phần, thậm chí thâu tóm đối thủ. Trong đó, chắc chắn sẽ có người chơi kiệt sức và bỏ cuộc.

Không giống như Trung Quốc, thị trường ví điện tử gần như được định hình sẵn cho ông lớn WeChat và Alipay, thị trường ví điện tử của Việt Nam còn phân mảnh, người dùng sử dụng ví khi nào có nhiều khuyến mại cho họ hơn là sử dụng như một sản phẩm thay thế tiền mặt thông thường. Do đó, cuộc chiến đốt tiền để giành thị phần của các ví điện tử dường như không có hồi kết.


Những ví điện tử được nhiều người dùng nhất tại thời điểm bây giờ.

Hiện nay đa phần các ví điện tử đều gắn với hệ sinh thái của những người khổng lồ. Ví dụ ZaloPay kết nối với hệ sinh thái Zalo của VNG, Airpay kết nối với hệ sinh thái Shopee và NOW, Moca nằm trong hệ sinh thái của Grab, chỉ có MoMo và Payoo là đơn thương độc mã.

MoMo mới đây công bố đã chạm mốc 20 triệu người dùng vào tháng 9/2020, ví điện tử này chỉ cần 1 năm để có thể đạt được con số khách hàng mà họ đã phải "cày cuốc" trong cả thập kỷ vừa qua. MoMo bứt phá thần tốc sau khi nhận được khoản đầu tư của Warburg Pincus vào đầu năm 2019, con số rót vốn không được tiết lộ nhưng đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam.

Trong 4 năm từ 2016-2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu của MoMo là 100%/năm, tức là năm sau doanh thu gấp đôi năm trước. Số liệu của chúng tôi có được, năm 2019 doanh thu của MoMo đạt hơn 4.233 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2018 là 2.368 tỷ đồng, năm 2017 đạt 1.434 tỷ đồng và năm 2016 chỉ đạt 889 tỷ đồng. 

Nhưng cái giá phải trả cho ngôi vương của MoMo là không nhỏ. Mặc dù dẫn đầu doanh thu, nhưng MoMo cũng là quán quân lỗ mới mức lợi nhuận sau thuế năm 2019 âm 854 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ 2019. Lỗ luỹ kế của MoMo tại thời điểm cuối năm 2019 là 1.860 tỷ.

Á quân lỗ là ZaloPay của VNG. Đơn vị sở hữu ZaloPay là Zion năm 2019 ghi nhận lỗ 390 tỷ đồng, luỹ kế lỗ đến 2019 là 572 tỷ đồng, dự kiến năm 2020, số lỗ của ZaloPay là 625 tỷ đồng, không hề kém cạnh nhiều so với MoMo. ZaloPay đang đi theo hướng của WeChat, tận dụng kho tàng 100 triệu người dùng của Zalo. 

Cuộc đua chưa có hồi kết

Theo IDC, ví di động sẽ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2022-2030 tại Việt Nam, đặc biệt là với các thế hệ trẻ thanh toán bằng điện thoại thông minh. Do đó để đón đầu xu hướng trong thời gian tới, các ví điện tử hiện nay đang chạy đua không ngừng để mở rộng khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ. 

Phó Chủ tịch kiêm đồng Tổng giám đốc MoMo ông Nguyễn Mạnh Tường trả lời câu hỏi của phóng viên về việc MoMo bị lỗ cho rằng: "Việc có lãi không phải quá khó, bài toán của thị trường công nghệ là bài toán về quy mô. MoMo đang đầu tư vào công nghệ, tạo ra sản phẩm mới như tài chính, bảo hiểm... thay đổi hành vi khách hàng và mở rộng ra. Đó là chi phí MoMo đang quyết tâm làm. Nguyên tắc là dừng đầu tư thì có lãi nhưng MoMo không muốn làm bé và nói vui là không muốn "ăn non".

Dưới góc độ chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh nhận định đối với các ví điện tử, câu chuyện kinh doanh không hẳn là lời hay lỗ mà quan trọng là mục tiêu chiến lược và khả năng tài chính của từng DN. Có ví đặt mục tiêu phát triển đến 1 hoặc vài triệu khách hàng rồi bán cho nhà đầu tư khác; có ví mở rộng mạng lưới đối tác, khách hàng để tạo điều kiện hỗ trợ DN trong hệ sinh thái của mình... "Thấy ví báo lỗ không hẳn là tiêu cực, bởi mục tiêu của họ có thể phát triển mạng lưới trong dài hạn rồi gọi vốn, bán cổ phần... sẽ hiệu quả hơn so với lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh hằng ngày" - TS Huỳnh Trung Minh phân tích. 

 

Thanh Thanh (T/h)