Gojek lấn sân sang thị trường ví điện tử
Gojek được cho là đã mua lại cổ phần với tỉ lệ chi phối ví điện tử WePay trong mục tiêu tiến đến hoàn thiện hệ sinh thái ở Việt Nam, trong đó có việc triển khai ví điện tử.
Gojek đang tiến thêm một bước nữa vào thị trường Việt Nam. Ảnh: (minh họa)
Theo Dealstreetasia, Gojek đã mua lại phần lớn cổ phần tại WePay để thúc đẩy nỗ lực triển khai ví điện tử tại Việt Nam. Công cụ thanh toán điện tử WePay (tiền thân là SohaPay), một sản phẩm của VCCorp, đã chính thức có được giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3-2017.
Cụ thể, Văn phòng làm việc của ứng dụng thanh toán WePay hiện đã về cùng tòa nhà với văn phòng của Gojek Việt Nam tại Cầu Giấy, Hà Nội. Trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp cũng ghi nhận Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dịch vụ Thanh toán WePay vừa thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh liên quan đến chủ sở hữu và lãnh đạo quản lý.
Theo đó, ông Pablo Malay và ông Phùng Tuấn Đức đã trở thành người đại diện theo pháp luật, đồng thời là Chủ tịch và Tổng giám đốc mới của WePay. Ông Phùng Tuấn Đức hiện là Tổng giám đốc Gojek Việt Nam. Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, ông Đức đại diện phần vốn góp 50 tỉ đồng tại WePay.
Ví điện tử Wepay. Ảnh: (minh họa)
Trước đó, đại diện của Gojek từng chia sẻ về tham vọng tại thị trường Việt Nam. Gojek Việt Nam chọn phát triển 3 dịch vụ xoay quanh xe 2 bánh. Cụ thể, 3 nền tảng cốt lõi, tam giác vàng của Gojek xoay quanh các dịch vụ di chuyển, giao vận và thanh toán. Tại Việt Nam, thanh toán là mảng còn lại đang thiếu trong hệ sinh thái và sẽ là trọng tâm phát triển trong thời gian tới, đại diện Gojek chia sẻ.
Nếu thương vụ này thành công, Gojek sẽ là cái tên tiếp theo tham gia vào thị trường ví điện tử bên cạnh những cái tên đã định vị trên thị trường. Gojek sẽ tiếp bước con đường mà Grab đã thực hiện tại Việt Nam với ví điện tử Moca.
Với vai trò là giải pháp thanh toán di động, nếu mua thành công Wepay, Gojek sẽ có điều kiện hoàn thiện hệ sinh thái ở Việt Nam, giải quyết những hạn chế của thanh toán bằng tiền mặt hiện nay mà khách hàng đang sử dụng dịch vụ này gặp phải. Nhiều người tiêu dùng than phiền họ gặp trở ngại khi thanh toán cho các cuốc xe hãng này, đặc biệt là những cuốc xe giá trị nhỏ.
Với Wepay, người dùng có thể thanh toán không tiền mặt cho các dịch vụ đặt xe, giao nhận thức ăn và tiến tới một loạt dịch vụ khác mà Gojek đang có kế hoạch triển khai ở Việt Nam thời gian tới.
Thị trường ví điện tử Việt Nam được định giá vào khoảng 8 tỉ USD năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 16,4% mỗi năm lên mức gần 15 tỉ USD vào năm 2024 theo số liệu từ Statista.
Hiện có 37 doanh nghiệp được cấp phép vận hành ví điện tử tại Việt Nam. Nếu thâu tóm thành công WePay, Gojek sẽ đặt chân vào thị trường ví điện tử, vốn là tham vọng của hãng ngay từ ngày đầu gia nhập thị trường Việt Nam.
Ngọc Thanh (T/h)