Cuộc đua đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn

09:37, 18/03/2024

Công nghiệp vi mạch bán dẫn cung cấp nền tảng kỹ thuật cho nhiều lĩnh vực, là phần quan trọng của sự phát triển công nghệ và kinh tế toàn cầu.

Học sinh lớp 12 đến tìm hiểu về chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano ở ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngành này ngày càng trở nên cấp thiết tại Việt Nam khiến các trường đại học bắt tay vào cuộc đua đào tạo.

Nhu cầu cao

Theo nghiên cứu của tổ công tác thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, nền công nghiệp vi mạch bán dẫn trên thế giới bao gồm các công ty hoạt động trong 4 lĩnh vực: Thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm tra, sản xuất thiết bị chế tạo vi mạch. Trong đó, lĩnh vực thiết kế vi mạch đóng vai trò quan trọng và tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho các sản phẩm vi mạch hiện đại. Nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy, tỷ lệ giá trị gia tăng của một sản phẩm vi mạch từ khâu thiết kế là lớn nhất đạt 53%; trong khi khâu sản xuất vi mạch đạt 24%, sản xuất thiết bị đạt 11% và phần còn lại bao gồm đóng gói và kiểm thử đạt 12%.

Năm 2024, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu vào ngành Thiết kế vi mạch bậc đại học và 20 học viên cao học vi mạch bán dẫn. Mỗi năm, trường có khoảng 300 sinh viên học các ngành có liên quan đến vi mạch tốt nghiệp.

Vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chuỗi cung ứng bán dẫn trên thế giới dần được sắp xếp lại. Nhiều công ty thiết kế vi mạch trên thế giới đã đến Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty này chỉ thực hiện khâu gia công như kiểm tra và kiểm thử.

Trong khi đó, một trong những vấn đề lớn nhất mà các công ty thiết kế vi mạch quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam là nguồn nhân lực. Đối với họ, phần mềm thiết kế hoặc những lõi vi mạch mềm (lõi IP) đắt tiền có sẵn không quan trọng bằng nguồn nhân lực.

TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) dẫn các dự báo của chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn cho thấy, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần 50 nghìn kỹ sư tham gia vào ngành này, trong đó số lượng kỹ sư về thiết kế vi mạch là 12 – 15 nghìn người.

Theo khảo sát của cộng đồng vi mạch Việt Nam, mức lương khởi điểm của kỹ sư mới tốt nghiệp ngành này có thể nhận từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Cũng theo khảo sát này, doanh nghiệp phải mất tầm 6 tháng mới có thể tìm kiếm được những kỹ sư có 6 - 15 năm kinh nghiệm. Với kỹ sư từ 10 - 15 năm kinh nghiệm, doanh nghiệp có thể đãi ngộ với thu nhập khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng/năm.

Sản phẩm vi mạch được giới thiệu tại Hội thảo quốc tế về Kỹ thuật Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), tháng 10/2023. Ảnh: HCMUT

Sản phẩm vi mạch được giới thiệu tại Hội thảo quốc tế về Kỹ thuật Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), tháng 10/2023. Ảnh: HCMUT

Tăng tốc đào tạo

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhân lực ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn là 1 trong 4 nhóm ngành trọng điểm của TPHCM vào năm 2030. Trong thời gian tới sẽ rất “khát”, do đó, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đúng tầm về thiết kế vi mạch là vấn đề quan trọng và cấp thiết.

Trong Đề án “Phát triển Đại học Quốc gia TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á” có thành phần quan trọng là Chương trình Phát triển Đại học Quốc gia TPHCM trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn giai đoạn 2023 - 2030.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, hiện các trường thành viên đã đào tạo khoảng 6 nghìn sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong giai đoạn 2023 - 2030, Đại học Quốc gia TPHCM đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch bán dẫn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới. Các trường đại học thành viên sẽ triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành Thiết kế vi mạch.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đã triển khai chương trình đào tạo liên quan đến công nghệ vi mạch từ hơn 20 năm trước. Trước nhu cầu cấp thiết về nhân lực vi mạch, nhà trường tiếp tục phát triển 2 ngành đào tạo: Thiết kế vi mạch (bậc đại học) và ngành Vi mạch bán dẫn (sau đại học) với mã ngành mới.

Cũng thuộc khối Đại học Quốc gia TPHCM, từ năm 2006, Trường Đại học Công nghệ Thông tin đã đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch thuộc ngành Kỹ thuật máy tính. Trong năm học 2024 - 2025, trường chính thức tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch.

Chương trình sẽ chuyên sâu hơn, cung cấp thêm các kiến thức về công nghệ bán dẫn, quy trình thiết kế vi mạch từ “front-end” đến “back-end”, kiến thức đồng thiết kế phần cứng và phần mềm (Hardware/Software CoDesign), kiến thức chuyên sâu vào công nghệ thiết kế vi mạch hệ thống trên chip (System-on-Chip Design); cung cấp thêm kỹ năng thiết kế vi mạch theo công nghệ CMOS dựa trên công cụ EDA công nghiệp và kỹ năng thiết kế vi mạch hệ thống trên chip dựa trên thiết bị FPGA/SoC mới nhất của Intel và AMD được nhà trường đầu tư trong năm 2023.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) đang xây dựng đề án mở ngành đào tạo về Thiết kế vi mạch tại Khoa Điện tử - Viễn thông và ngành Công nghệ bán dẫn tại Khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật. Dù là hai ngành mới, song đây là hướng nghiên cứu và chuyên ngành đào tạo truyền thống của trường.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Cần chính sách hỗ trợ

Ngoài các trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, trong năm học 2023 - 2024, khoảng 10 trường đại học thông báo mở chuyên ngành, ngành liên quan đến công nghiệp vi mạch bán dẫn, đón đầu nhu cầu nhân lực như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU)…

ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, với hơn 3.300 sinh viên. PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Trưởng khoa Điện tử, phụ trách phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch cho hay, từ năm học 2023 – 2024, đơn vị bắt đầu mở chương trình đào tạo kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano.

Dự kiến, đây là chương trình đào tạo đầu tiên của ĐH Bách khoa Hà Nội trang bị cho người học đầy đủ kiến thức, kỹ năng của quy trình sản xuất vi điện tử từ thiết kế, chế tạo, đóng gói đến kiểm chuẩn, phát triển các thiết bị điện tử sử dụng công nghệ nano.

Với kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo một số ngành gần như: Khoa học Vật liệu tiên tiến & Công nghệ nano, Vật lý kỹ thuật và Điện tử; từ năm học 2024 - 2025, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội triển khai chương trình đào tạo công nghệ vi mạch bán dẫn.

PGS.TS Nguyễn Văn Quỳnh - đồng Trưởng khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano nhấn mạnh, chương trình trang bị cho người học khối kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo, đóng gói, kiểm thử các vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano được đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm đồng bộ từ thiết kế, chế tạo đến kiểm tra đo đạc, đánh giá đặc tính của vật liệu hiện đại như: Các phòng thí nghiệm chế tạo vật liệu bằng phương pháp bốc bay vật liệu màng mỏng, hệ quang khắc bằng chùm tia UV, hệ hàn dán tự động, tay robot gắp linh kiện, kiểm tra mạch và điều khiển hoàn toàn đảm bảo và phù hợp với ngành đào tạo về công nghệ vi mạch bán dẫn...

Bên cạnh đó, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhận được sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn (hệ thống phòng sạch tại Viện Khoa học Vật liệu; máy đo đạc đánh giá đặc tính chất điện – quang tại Viện Vật lý).

Hơn thế nữa, các chương trình đào tạo còn nhận được sự tham gia tích cực và sâu rộng của giáo sư, giảng viên, chuyên gia người Pháp đến từ các trường đại học trong và ngoài nước.

Ngoài ra, nhà trường còn có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm. Vì vậy, nội dung chương trình đào tạo luôn được đảm bảo cập nhật các tri thức khoa học mới nhất. Công tác giảng dạy đảm bảo đạt chuẩn quốc tế. “Đây là những cơ sở vững chắc đảm bảo chất lượng đào tạo về khoa học công nghệ tại nhà trường”, PGS.TS Nguyễn Văn Quỳnh khẳng định.

Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn trong giai đoạn 2003 - 2023 là 10%/năm, PGS.TS Nguyễn Đức Minh cho hay. Để đạt tốc độ 25%/năm, chuyên gia này đề xuất một số việc cần làm là: Xây dựng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất (phần mềm, máy móc thiết bị kiểm thử, chế tạo thử), chương trình và học liệu số (bài giảng, bài thí nghiệm); Khuyến khích người học: Ưu đãi tín dụng, học phí, học bổng (trong và ngoài nước), thuế, vốn, chi phí, tín dụng doanh nghiệp trong hợp tác đào tạo, tuyển dụng, nghiên cứu…

Từ phía Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đề xuất 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ, khuyến khích người học để nâng cao số và chất lượng tuyển sinh đầu vào (bao gồm cả tuyển sinh học theo các chương trình đào tạo chuyên sâu, chuyển đổi) như: Chính sách học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi… nhất là để thu hút ít nhất 1 nghìn người theo học sau đại học. Hiện, tỷ lệ học sau đại học các ngành này chỉ khoảng 4%.

Tiếp đó là nhóm chính sách hỗ trợ, đầu tư đột phá để tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu; trước hết là năng lực đội ngũ giảng viên, trang thiết bị thí nghiệm và công cụ phần mềm thực hành, thí nghiệm và mô phỏng. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy hợp tác đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp, trong và ngoài nước, nhất là các trường đại học, doanh nghiệp đối tác của Hoa Kỳ có tiềm năng đầu tư tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế (ĐH Fulbright), 5 năm tới cần khoảng 20 nghìn và 10 năm tới khoảng 50 nghìn nhân sự từ trình độ đại học trở lên. Hiện, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5 nghìn người.

Theo chuyên gia đến từ các trường đại học kỹ thuật, nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3 nghìn người/năm; trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

(https://giaoducthoidai.vn/cuoc-dua-dao-tao-nguon-nhan-luc-nganh-vi-mach-ban-dan-post675577.html)