Nóng 'cuộc đua' đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn

10:57, 30/11/2023

Nhu cầu nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn ngày càng cao khiến các trường đại học bắt tay vào “cuộc đua” đào tạo.

Số lượng kỹ sư vi mạch không đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh họa: INT

Khát nhân lực

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch cần 10 nghìn kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%. Còn theo khảo sát của Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TPHCM (HSIA), từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1 nghìn kỹ sư ngành thiết kế vi mạch. Trong đó, TPHCM chiếm khoảng 53% nhu cầu tuyển dụng.

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM diễn ra ngày 22/9, ThS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HSIA cung cấp thông tin, số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn khá nhiều, nhân lực tập trung chủ yếu tại TPHCM. Tổng số kỹ sư vi mạch bán dẫn ước tính gần 9 nghìn. Số lượng đăng tuyển hằng năm tại các công ty thuộc lĩnh vực này khoảng 400 người, dự báo tăng lên hơn 500 người từ 2022.

Ngoài ra, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhân lực ngành thiết kế vi mạch là 1 trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tại TPHCM giai đoạn 2020 – 2025. Đến năm 2030, nhu cầu nhân lực cao nhất, mỗi năm tăng trưởng hơn 15% và đến năm 2025 Việt Nam cần tới 10 nghìn kỹ sư phục vụ trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.

PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) nhìn nhận, chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, sản xuất, đóng gói - kiểm tra và chế tạo thiết bị. Việt Nam có lợi thế để tham gia sâu vào khâu thiết kế - chiếm 53% giá trị gia tăng của một sản phẩm vi mạch. Hiện có khá nhiều công ty thiết kế vi mạch lớn trên thế giới có mặt ở Việt Nam, tạo ra cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao. PGS.TS Mai Thanh Phong cũng cho biết muốn phát triển công nghệ vi mạch bằng chính nội lực trong nước thì bài toán đầu tiên phải giải là đào tạo nhân lực và có chiến lược cụ thể tầm quốc gia.

Theo các chuyên gia lĩnh vực công nghệ thông tin, thời gian tới sẽ “khát” nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn chất lượng cao ở lĩnh vực này. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đúng tầm về thiết kế vi mạch là vấn đề quan trọng, cấp thiết, đặc biệt thời gian gần đây, khi vi mạch liên tục nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ, doanh nghiệp cũng như cơ sở đào tạo.

Trước những yêu cầu mang tính đặc thù của ngành vi mạch bán dẫn, việc đào tạo nhân lực đòi hỏi cơ sở đào tạo phải có năng lực và tiềm lực mạnh mẽ về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng dạy, mạng lưới hợp tác...

Một buổi học thiết kế vi mạch của sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: UIT

Một buổi học thiết kế vi mạch của sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: UIT

Đón đầu xu hướng đào tạo

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, hiện đại học này đào tạo khoảng 6 nghìn sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Giai đoạn 2023 - 2030, Đại học Quốc gia TPHCM đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới. Các trường đại học thành viên Đại học Quốc gia TPHCM sẽ triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch.

Nằm trong số đơn vị tiên phong lĩnh vực vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM đã triển khai chương trình đào tạo liên quan đến vi mạch từ hơn 20 năm trước. Các môn học thiết kế vi mạch được tích hợp trong 3 ngành trình độ đại học gồm: Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông; Kỹ thuật Viễn thông (Việt Pháp); Hệ thống mạch - Phần cứng (Chương trình tiên tiến) và 1 ngành trình độ sau đại học là Kỹ thuật điện tử - Kỹ thuật viễn thông. Theo cơ sở dữ liệu về đào tạo, mỗi năm Trường Đại học Bách khoa cung cấp khoảng 300 sinh viên có liên quan đến vi mạch.

Trước nhu cầu cấp thiết về nhân lực vi mạch, Trường Đại học Bách khoa tiếp tục phát triển 2 ngành đào tạo: Thiết kế vi mạch (bậc đại học) và ngành vi mạch bán dẫn (sau đại học) với mã ngành mới. Dự kiến, chương trình thiết kế vi mạch (với 132 tín chỉ) giúp người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay tại hầu hết công ty thiết kế vi mạch trong nước và khu vực. Trong khi đó, chương trình thạc sĩ vi mạch bán dẫn (60 tín chỉ) tiếp tục cung cấp các kiến thức và kỹ năng thiết kế và chế tạo vi mạch (số, hỗn hợp, tương tự và cao tần) nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đúng tầm cho nền công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa cho biết, chương trình đào tạo được đưa vào vận hành năm học 2023 - 2024 thông qua việc phân ngành sinh viên đang học năm hai và chính thức tuyển sinh với mã ngành mới năm học 2024 - 2025.

Còn tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM, theo PGS.TS Vũ Thị Hạnh Thu - giảng viên Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật thông tin, kế hoạch phát triển của khoa những năm sắp tới sẽ đẩy mạnh đào tạo công nghệ bán dẫn. Ba nội dung được Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật chú trọng là xây dựng chương trình đào tạo ngành công nghệ bán dẫn, chuẩn bị phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn và nano quang tử, đồng thời tăng cường hợp tác, thu hút nhân lực trình độ cao tốt nghiệp từ nước ngoài đúng chuyên môn cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM), từ năm 2006, chuyên ngành thiết kế vi mạch được tuyển sinh. Trong năm học 2024 - 2025, trường dự kiến tuyển sinh đào tạo ngành thiết kế vi mạch bảo đảm kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà trường sẽ lên phương án cho chính sách hỗ trợ học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu.

Trong mạng lưới phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục trong nước với nước ngoài, các doanh nghiệp được xem là yếu tố then chốt để thúc đẩy tiềm lực nghiên cứu, đào tạo đôi bên.

Chẳng hạn, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM thiết lập mối quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn với nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới và tổ chức, doanh nghiệp lớn như: Khu Công nghệ cao TPHCM, Công viên phần mềm Quang Trung, VNPT, Viettel, Synopsys, Cadence, Keysight Technology, IMEC, NXP, Marvell, Ampere Computing, Faraday Technologies, Realtek, Synapse, Queen’s University in Belfast, Memorial University…

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

(https://giaoducthoidai.vn/nong-cuoc-dua-dao-tao-nhan-luc-nganh-vi-mach-ban-dan-post662800.html)