Cuộc đua không đích

11:46, 28/07/2009

Thế giới đang chứng kiến “cuộc đua” khốc liệt, nghẹt thở giữa các nhà sản xuất thiết bị di động. Hầu như hãng nào cũng ra mắt những sản phẩm chủ chốt để tranh giành thị phần. Điện thoại di động sẽ phát triển theo xu hướng nào? Ai là người chiến thắng?

Có vuốt, chạm là ghi điểm

Sau sự ra mắt đầy ngoạn mục của iPhone, các hãng sản xuất thiết bị đua nhau cho ra đời những chiếc máy vuốt, chạm. Nếu như Apple có iPhone thì Samsung có Omnia, BlackBerry có Storm 9500, Sony Ericsson có X1… Và mới đây nhất, Nokia cũng ra mắt mẫu N97 – thiết bị di động thông minh được Nokia dồn “toàn lực” vào để giành giật thị phần với những mẫu máy “siêu di động” của các đối thủ.

Trong cuộc đua khốc liệt này, Palm công bố Palm pre, Apple ra mắt iPhone 3GS, HTC cũng vội vã đưa ra thị trường những mẫu máy Touch tuyệt đẹp như Touch HD, Touch Cruise… Dường như vuốt, chạm đã trở thành chuẩn mực của điện thoại tân kỳ.

Đặc điểm chung của các dòng máy mới là đều là các thiết bị sử dụng hệ điều hành thông minh như Symbian, Windowmobile, Palm… Ngoài khả năng đa phương tiện như quay phim, chụp ảnh, những chiếc máy còn hỗ trợ công việc văn phòng rất mạnh và khả năng xử lý đa nhiệm khác. Người sử dụng có thể duyệt web thoải mái, chạy những ứng dụng phục vụ công việc khác nhau, đọc và sửa chữa các file tài liệu, bảng biểu, tìm đường…

Hầu hết những chiếc máy này cũng được tích hợp các kết nối rất mạnh như wifi, bluetooth, một số có 3G, GPS. Những thế hệ sau luôn được cải tiến vượt trội so với thế hệ tiền nhiệm. Chẳng hạn iPhone 3GS có camera lên tới 3,2Mega pixel, la bàn điện tử, nâng cấp bộ nhớ…

Trào lưu màn hình cảm ứng rộng rãi bắt nguồn từ sau khi iPhone ra đời và được người dùng nồng nhiệt đón nhận. Có thể nói, hầu như các thiết bị ra sau này đều có phần bắt chước theo Apple trong thiết kế màn hình rộng, cảm ứng chạm vuốt. Đây là thiết kế hết sức mới mẻ, tạo sự trải nghiệm khác hẳn những thiết bị di động trước đó. Vậy nên RIM, một hãng sản xuất thiết bị được biết tới với những chiếc máy có bàn phím QWERTY nổi tiếng, cũng phải hòa theo trào lưu, sản xuất máy có màn hình cảm ứng rộng.

Hệ điều hành nào sẽ chiến thắng?

Mỗi hệ điều hành đều có điểm mạnh yếu khác nhau. Những kỹ sư phần mềm vẫn không ngừng cải tiến, nâng cấp các hệ điều hành cũ, cũng như tìm tòi những hệ điều hành hoàn toàn mới.

Năm 2008, Google lần đầu tiên trình diễn thiết bị di động thông minh chạy trên nền hệ điều hành Android nguồn mở. Sau đó, số lượng thành viên tham gia phát triển hệ điều hành này ngày càng nhiều. Có thể điểm ra những tên tuổi trong làng di động như  HTC, LG, Motorola, Samsung, Sony Ericsson. Nhiều hãng cũng cho biết, sẽ tiếp tục đưa ra thiết bị sử dụng hệ điều hành mở này.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, dù có những hệ điều hành mới ra đời như HĐH mở Android thì những hệ điều hành truyền thống như Symbian, Windowsmobile, hay Blackberry vẫn luôn đứng vững, bởi lượng người dùng thiết bị sử dụng những hệ điều hành này đã quá quen thuộc với cách mình đang dùng.

Thời của vẻ đẹp công nghệ

Nếu chiếc máy chỉ mạnh mẽ, tính năng tân kỳ, nhưng hình dáng cục mịch xấu xí thì chắc chắn sẽ không thể thu hút được người dùng. iPhone ra đời đã tạo nên một cuộc cách mạng về thiết kế. Làm sao để có thể hài hòa giữa thời trang và công nghệ. Các mẫu máy mới đều được thiết kế với vẻ ngoài hào nhoáng bóng bẩy, những đường nét vừa hiện đại lại vừa sành điệu, tinh tế. Không còn chỗ cho những chiếc máy lạc điệu.
 
Trong phân khúc cao cấp, các nhà sản xuất đã đi theo hai khuynh hướng rõ rệt. hoặc sản xuất những chiếc điện thoại có bàn phím truyền thống, hoặc sản xuất những chiếc máy chỉ có bàn phím cảm ứng. Khi iPhone mới ra đời, chiếc máy đã chịu nhiều điều tiếng vì chỉ có bàn phím cảm ứng. Nhưng thời gian cho thấy, bàn phím cảm ứng không phải là đồ bỏ. Bàn phím truyền thống và bàn phím cảm ứng vẫn song hành phát triển và đều được đón nhận như nhau.

Dù chiếc điện thoại của tương lai sử dụng hệ điều hành nào, bàn phím gì đi chăng nữa, thì tất cả cũng phải tuân thủ một chuẩn mực mới, do chính các nhà sản xuất tạo nên. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh công nghệ và vẻ đẹp thời trang. Đó là hai lĩnh vực không phải bất biến mà biến đổi từng ngày, từng giờ. Trong cuộc đua không đích này, có lẽ sẽ rất khó để tìm ra kẻ dẫn đầu, vượt lên trên tất cả các đối thủ khác. Nếu có, thì đó là tình yêu của người người sử dụng dành cho “dế yêu” của mình mà thôi.

Văn Khách

 

TIN LIÊN QUAN