Đại học Duy Tân thương mại hóa và chuyển giao sản phẩm công nghệ Máy huấn luyện kỹ năng hồi sức tim phổi eCPR
Ngày 07/03, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing tổ chức Bàn giao 10 máy huấn luyện kỹ năng hồi sức tim phổi (eCPR) - Ký kết thương mại hóa và chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật giữa trường Đại học Duy Tân và Tổ chức giáo dục sức khỏe Wellbeing.
Trường đại học Duy Tân chính thức bàn giao đơn hàng đầu tiên gồm 10 máy eCPR cho Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng xử lý sơ cấp cứu trong cộng đồng, trường Đại học Duy Tân đã nghiên cứu, chế tạo và cho ra đời Máy hỗ trợ kỹ năng hồi sinh tim phổi (Cardiopulmonary Resuscitation - eCPR). Sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng Sáng chế vào năm 2023 và nhận được sự quan tâm, ứng dụng từ nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sơ cấp cứu, đào tạo Y khoa. Trong đó, Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing là đơn vị đầu tiên đặt 10 máy eCPR, cho thấy tiềm năng và giá trị của sản phẩm trong việc cải thiện kỹ năng sơ cấp cứu trong cộng đồng.
Lãnh đạo trường Đại học Duy Tân và Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing thực hiện ký kết thương mại hóa và chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật.
Sản phẩm máy huấn luyện kỹ năng hồi sức tim phổi eCPR do các cán bộ Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa (CVS) của Trường Khoa học Máy tính, thuộc Đại học Duy Tân Đà Nẵng nghiên cứu và chế tạo. Sản phẩm chính là một sáng kiến, một phương pháp mới, kết hợp giữa phần cứng và phần mềm, tích hợp công nghệ IoT (Internet vạn vật) và thực tế ảo, với các cảm biến xử lý thông minh trên mô hình theo thời gian thực, giúp người sử dụng tăng cường sự tương tác và cảm nhận được các thay đổi từ những tác động đó.
Hệ thống của Máy hỗ trợ kỹ năng hồi sinh tim phổi eCPR gồm một mô hình mẫu gắn kết với bộ công nghệ mô phỏng 3D. Phần huấn luyện và thực hành thành công chỉ diễn ra trong vài phút gồm video hướng dẫn lý thuyết và nội dung thực hành cấp cứu tim phổi với các bước ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, cấp cứu thành công với thang điểm chấm cuối cùng.
Phát biểu tại buổi Lễ, TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân chia sẻ: “Từ một ý tưởng rất thực tế và hữu nghiệm, khi tôi truyền đạt ý tưởng này lại cho các bạn trường ĐH Duy Tân, tôi cũng chỉ nghĩ đây là một đề xuất vui thôi, còn làm được hay không lại là một chuyện lớn hơn. Sau đó trung tâm CVS đã liên hệ với bác sỹ Nguyễn Văn Công – Giám đốc Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing, đã làm công tác về CPR này ở rất nhiều tỉnh thành. Ý tưởng sau đó được quan tâm hơn, rất nhiều đơn vị liên quan của trường Duy Tân bắt đầu bắt tay vào hỗ trợ để tạo sản phẩm như hiện nay. Sau nhiều năm cố gắng đã cho ra mắt sản phẩm và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng Sáng chế”.
TS. Lê Nguyên Bảo bày tỏ mong muốn sản phẩm sẽ ngày càng được phổ quát nhiều hơn nữa trong cộng thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing.
Là sản phẩm hướng đến cộng đồng, nên sự ra đời của máy eCPR đã được tối ưu, đơn giản và dễ hiểu nhất có thể, để có thể huấn luyện và thực hành kỹ năng sơ cấp cứu, cũng như kỹ năng hồi sức tim phổi một cách hiệu quả và đáng tin cậy cho người dân thuộc mọi lứa tuổi.
ThS.Bs. Nguyễn Văn Công – Giám đốc Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing cho biết: Ở Việt Nam hiện chỉ có khoảng 8,7% người Việt Nam biết đến và có thể sử dụng được CPR, trong khi các nước bên cạnh như Thái Lan, Singapore tỷ lệ đó lên tới 40% đến gần 60%. Một năm, Wellbeing chỉ có thể tập huấn cho khoảng 1.000 học viên, vì không thể đủ bác sỹ để có thể tập huấn cho hàng triệu người Việt Nam được. Vậy giải pháp là gì khi chúng ta không đủ bác sỹ để có thể đi giải quyết hết được, và không có cách nào để truyền tải hết được thông điệp này, thì giải pháp chính là chúng ta phải sử dụng công nghệ CPR này.
ThS.Bs. Nguyễn Văn Công – Giám đốc Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing trình bày tham luận.
Cũng tại buổi Lễ, Đại học Duy Tân đã trao tặng một máy eCPR cho trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing tặng toàn bộ tài khoản học lý thuyết về sơ cấp cứu cho học sinh lớp 12, nhằm hỗ trợ họ tiếp thu các kỹ năng sơ cấp cứu, hồi sức tim phổi một cách hiệu quả nhất.
Thực hành thao tác ép tim ngoài lồng ngực kết hợp mô phỏng qua màn hình bằng máy eCPR.
Cùng với nhiều khối ngành đào tạo trọng điểm và chương trình đào tạo chất lượng, lĩnh vực Máy tính và Công nghệ Thông tin của trường Đại học Duy Tân nhiều năm qua luôn được xã hội tín nhiệm. Nhà trường đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cộng đồng. Một số sản phẩm tiêu biểu được nghiên cứu bởi cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Khoa học máy tính, Đại học Duy Tân trước đó gồm: Ứng dụng 3D Giải phẫu Người trong y học, Máy huấn luyện kỹ năng sốc tim, hồi sức tim phổi AED-302 Trainer, máy thở dtu-VENT,… Tổ chức Giáo dục Sức khoẻ Wellbeing thành lập năm 2014, là thành viên chính thức của Hội đồng An toàn Anh quốc, được chứng nhận doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Sau nhiều năm hoạt động và phát triển, Wellbeing là tổ chức hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp an toàn toàn diện cho cá nhân, tổ chức và cộng đồng. |
PV (Theo Tạp chí Tin học và Đời sống)