Đài Loan cáo buộc một số công ty sản xuất chip Trung Quốc lôi kéo kỹ sư của mình

15:00, 05/09/2024

Đài Loan cho biết 8 công ty bán dẫn Trung Quốc đang tăng cường chiêu mộ kỹ sư của họ để thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn…

Đài Loan cáo buộc 8 công ty Trung Quốc lôi kéo nhân tài và đánh cắp bí mật thương mại của họ

Cục Điều tra của Bộ Tư pháp Đài Loan cho biết trong một tuyên bố trên trang web rằng qua điều tra, cơ quan này nghi ngờ 8 công ty Trung Quốc đang gia sức lôi kéo nhân tài của Đài Loan và đánh cắp bí mật thương mại của họ. Điều này "ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp công nghệ cao của Đài Loan".

HẦU HẾT CÁC CÔNG TY BÁN DẪN TRUNG QUỐC GIỮ IM LẶNG TRƯỚC CÁO BUỘC CỦA ĐÀI LOAN 

Trong số 8 công ty có sự xuất hiện của Naura Technology, một công ty hàng đầu Trung Quốc trong sản xuất các công cụ khắc, lắng đọng và làm sạch, cũng như các thiết bị làm chip của Trung Quốc. 

Báo cáo không tiết lộ liệu công ty này có thuê các chuyên gia khắc hay in thạch bản hay không. Tuy nhiên, nhìn chung, để giành được lợi thế cạnh tranh trong ngành bán dẫn, Naura đang tăng cường chiêu mộ các kỹ sư giàu kinh nghiệm từ các công ty Đài Loan.

Naura đã phủ nhận thông tin này và tuyên bố hoạt động của công ty tại Đài Loan tuân thủ mọi luật pháp và quy định của địa phương. 

Một số công ty khác được các nhà điều tra Đài Loan nêu tên, bao gồm iCommsemi và New Vision Microelectronics, chuyên về thiết kế chip; Emotibot phát triển các nền tảng trí tuệ nhân tạo tự động hóa dựa trên các công nghệ như xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học sâu. Ba công ty đã không trả lời yêu cầu bình luận của Đài Loan. 

Theo thông tin từ SCMP, một số công ty bị Đài Loan cáo buộc nhận được nhiều hỗ trợ trong phát triển hoạt động từ chính phủ Trung Quốc. Cụ thể, Hestia Power, một nhà phát triển vật liệu chip có trụ sở tại Thượng Hải từng nhận được khoản hỗ trợ lớn từ Chính phủ Trung Quốc để phát triển công nghệ. 

Hay Tongfang, trước đây được gọi là Tsinghua Tongfang, được thành lập bởi Đại học Thanh Hoa danh tiếng vào năm 1997, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng, năng lượng và môi trường hiện thuộc sở hữu Chính phủ Trung Quốc. 

Các nhà chức trách Đài Loan không thể liên lạc với Tongfang và Hestia Power để bình luận thêm về vấn đề này. 

ĐÀI LOAN TỪNG NHIỀU LẦN CÁO BUỘC TRUNG QUỐC CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN BÁN DẪN 

Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan chức năng và công ty Đài Loan cáo buộc các các công ty Trung Quốc cố gắng chiêu mộ các kỹ sư giàu kinh nghiệm của họ. Các nhà sản xuất chip có trụ sở tại Trung Quốc như SMIC, HSMC và QXIC đều săn đón nhân sự từ TSMC và UMC để phát triển các công nghệ quy trình tiên tiến. 

Đầu năm nay, đại sứ Đài Loan tại Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc cố gắng cạnh tranh với ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan thông qua các hoạt động phi đạo đức, bao gồm cả đánh cắp tài sản trí tuệ. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đã phủ nhận những cáo buộc này, khẳng định rằng các công ty Trung Quốc không làm gì sai trái.

Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, đã bị kết tội đánh cắp quy trình chế tạo của TSMC hai lần vào đầu những năm 2000. Hay công ty bán dẫn của Trung Quốc UMC từng bị kết tội đánh cắp công nghệ xử lý DRAM từ Micron, vì vậy các công ty và chính quyền Đài Loan có lẽ có lý do để lo lắng.

Để tăng cường năng lực trong ngành công nghiệp chip, Trung Quốc đang chi rất nhiều tiền để thúc đẩy phát triển các công ty trong ngành, thông qua thành lập các quỹ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn hay tăng cường nhập khẩu thiết bị bán dẫn,...