Dán thẻ thu phí ETC là thủ tục bắt buộc khi đăng kiểm xe
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc tăng cường dán thẻ định danh để tham gia dịch vụ thu phí không dừng (ETC).
Ảnh: minh họa
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để quy định việc dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; báo cáo Bộ trước ngày 30/8/2022.
Từ ngày 1/8 vừa qua, 10 cao tốc bắt đầu thu phí tự động không dừng toàn tuyến gồm Nội Bài-Lào Cai, Pháp Vân-Cầu Giẽ, Cầu Giẽ-Ninh Bình, Bắc Giang-Lạng Sơn, Hạ Long-Vân Đồn, Hà Nội-Hải Phòng, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Liên Khương-Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Trung Lương-Mỹ Thuận. Các trạm BOT trên quốc lộ sẽ chỉ còn một làn thu phí hỗn hợp.
Khi các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc chỉ thu phí không dừng, trường hợp xe không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ôtô sẽ có thể đối diện với mức phạt từ 1-2 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Trường hợp xe có dán thẻ thu phí ETC nhưng không đủ điều kiện như số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để trả phí khi qua làn ETC mà vẫn cố tình đi vào, người điều khiển ôtô sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng và còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước đã có hơn 3,52 triệu phương tiện trên toàn quốc dán thẻ đầu cuối (đạt tỷ lệ 75,9%), tăng 1,19 triệu xe so với thời điểm cuối năm 2021. Với tốc độ này, Tổng cục Đường bộ kỳ vọng việc đạt tỷ lệ xe dán thẻ và sử dụng ETC trên 80% vào cuối tháng 8 là rất khả thi.
Minh Thùy (T/h)