Đào tạo nhân lực bán dẫn: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên sẵn sàng nhưng cần thêm hỗ trợ

09:38, 21/10/2024

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) được ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn. Tuy nhiên, nhà trường cần thêm hỗ trợ về cơ chế, chính sách và kinh phí để thực hiện hiệu quả mục tiêu này.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn.

Đầu tư phòng thí nghiệm, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế

Đại diện nhà trường khẳng định việc đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở là cấp thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo. Trang thiết bị hiện đại sẽ giúp sinh viên, học viên thực hành các quy trình kỹ thuật, chế tạo linh kiện, phân tích vật liệu...

Tuy nhiên, hiện tại, các thiết bị của trường chưa đồng bộ, nhiều thiết bị đã xuống cấp. Do vậy, việc nâng cấp và đầu tư mới trang bị phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở sẽ giúp công tác đào tạo nhân lực ngành Công nghệ bán dẫn của Nhà trường hiệu quả hơn, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đào tạo quốc tế hiện nay.

Ngoài ra, các trang thiết bị trên sẽ nâng cao năng lực đào tạo về ngành Khoa học Vật liệu, Vật lý, Hóa Vật liệu, Toán-Cơ-Tin học, Kỹ thuật Điện tử và Tin học đang được triển khai giảng dạy trong những năm qua tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn.

Trong những năm qua, nhà trường đã chủ động hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến. Các giảng viên được cử đi đào tạo ở nước ngoài đã trở về và đóng góp tích cực cho công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Bên cạnh đó, trường cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các trường đại học hàng đầu về Công nghệ bán dẫn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, thu hút nhân lực chất lượng cao.

Kế hoạch đào tạo bài bản, dài hạn

Từ những năm 1970, trường đã tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu về vật lý bán dẫn và vật liệu. Năm 1998, trường mở thêm ngành Khoa học Vật liệu. Năm 2020, ngành Kỹ thuật Điện tử và Tin học ra đời. Từ năm 2019, trường phối hợp với Đại học Quốc lập Yang Ming Chiao Tung (Đài Loan, Trung Quốc) triển khai chương trình Thạc sĩ Công nghệ bán dẫn. Dự kiến năm 2025, chương trình cử nhân ngành này sẽ được triển khai.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã đề ra những kế hoạch cụ thể để phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn, bao gồm:

Thứ nhất, tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu vật liệu bán dẫn tiên tiến, công nghệ thiết kế chế tạo, năng lực phân tích trong/sau quá trình chế tạo và đóng gói chip bán dẫn.

Thứ hai, từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu và tăng cường đào tạo cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế chế tạo, đóng gói, kiểm thử vật liệu và chip bán dẫn.

Thứ ba, cập nhật các chương trình đào tạo đại học/sau đại học về Vật liệu và Công nghệ bán dẫn, chú trọng nâng cao năng lực thực hành trong phòng thí nghiệm để sinh viên có thể phát triển kỹ năng nghiên cứu độc lập và giải quyết vấn đề trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn.

Mục tiêu của nhà trường là đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ có trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu công việc của các công ty công nghệ bán dẫn tại Việt Nam và trên thế giới theo 2 định hướng sau:

Thứ nhất, tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo nhân lực chất lượng cao bậc đại học và sau đại học, xây dựng và trang bị cơ sở vật chất hiện đại, theo hướng nghiên cứu và giảng dạy chuyên sâu về thiết kế chế tạo, đóng gói, kiểm thử vật liệu và chip bán dẫn, đóng góp quan trọng vào định hướng phát triển trở thành cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu hàng đầu về Công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực giảng dạy/nghiên cứu chất lượng cao, các nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực vật liệu và chip bán dẫn phù hợp với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghiệp bán dẫn của Chính phủ đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Đại học Khoa học Tự nhiên đề ra các kế hoạch:

  • Nâng cao chất lượng đào tạo: Cải thiện chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế thiết kế chương trình tiên tiến, mời giảng viên quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại nước ngoài.

  • Hợp tác quốc tế: Xây dựng mạng lưới hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chia sẻ công nghệ, tiếp cận thiết bị hiện đại, xây dựng cộng đồng chuyên gia, thúc đẩy nghiên cứu hợp tác.

Đồng thời, nhà trường cũng kiến nghị:

  • Cơ chế riêng: Cần có cơ chế riêng và văn phòng điều hành để triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực hiệu quả hơn.

  • Đào tạo giảng viên: Cần có đề án và kinh phí để đào tạo ngắn hạn cho giảng viên ở nước ngoài.

  • Hỗ trợ tài chính: Cần sớm cấp kinh phí cho các trường đại học trọng điểm để thu hút học sinh giỏi và đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn.

  • Chính sách thu hút nhân lực: Cần có chính sách trả lương hấp dẫn để thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các trường đại học.

Nhà trường mong muốn Chính phủ sớm xem xét cung cấp kinh phí để đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn, phục vụ đào tạo đại học và sau đại học chuyên sâu về Công nghệ bán dẫn ngay trong năm học 2025.