Đào tạo vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo: Sinh viên thực học và thực hành
Nhiều trường ĐH tại khu vực ĐBSCL đang tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho 2 ngành công nghệ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều trường đại học tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho hai ngành này. Đặc biệt, các trường cũng chú trọng tăng cường kết nối giữa trường học và doanh nghiệp nhằm bắt kịp xu thế.
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ trong giờ thực hành. Ảnh: Q. Ngữ
Tiên phong trong công tác đào tạo
Tại TP Cần Thơ, các trường đại học đang tập trung nguồn lực để triển khai chương trình đào tạo ngành Vi mạch bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo. Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã - Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, nhà trường hướng tới mục tiêu trở thành trường đại học theo định hướng ứng dụng vào năm 2030.
Trường cam kết đóng vai trò tiên phong trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, phục vụ cho sự phát triển của TP Cần Thơ, ĐBSCL và cả nước. Hiện tại, trong 22 ngành đào tạo của trường có chuyên ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn, được mở vào năm 2024 với khoảng 50 sinh viên.
Để xây dựng chương trình đào tạo, TS Dương Ngọc Ðoàn - giảng viên Khoa Điện - Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết, nhà trường đã tham khảo các chương trình đào tạo từ các trường đại học trong và ngoài nước, đồng thời tiến hành khảo sát ý kiến từ doanh nghiệp. Các chuyên gia, doanh nghiệp cũng được mời hợp tác để xây dựng một chương trình đào tạo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đào tạo chuyên sâu và hợp tác quốc tế
Năm 2024, trong số 8 ngành mới được Trường Đại học Cần Thơ tuyển sinh, ngành Kỹ thuật máy tính với chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn là một trong những điểm sáng. Ngành học này do Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Bách khoa (Trường Đại học Cần Thơ) phụ trách.
Nhà trường đã có nền tảng vững chắc trong việc đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính từ năm 2008, với đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất được đầu tư bài bản. Ngoài ra, nhà trường ký kết hợp tác với một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, như Cadence và Synopsys, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Việc này giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận các công nghệ và công cụ thiết kế vi mạch hiện đại, qua đó nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo TS Lương Vinh Quốc Danh - Trưởng Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Bách khoa (Trường Đại học Cần Thơ) là một trong 18 cơ sở đào tạo trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tạo ra cơ hội cho sinh viên thực tập và làm việc tại các công ty điện tử, vi mạch ngay tại TP Cần Thơ. Các trường đại học trong khu vực cũng ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp ở Đài Loan, giúp tăng cường trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm giữa các giảng viên, cán bộ giảng dạy và sinh viên.
Ngoài Trường Đại học Cần Thơ, các trường đại học khác tại ĐBSCL như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng đã triển khai các chuyên ngành đào tạo về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Mở rộng đào tạo các ngành học này góp phần không nhỏ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao tại khu vực ĐBSCL và cả nước.
Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong đào nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Q. Ngữ
Tăng cường liên kết
Một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Các chuyên gia và lãnh đạo các trường đều cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và nghiên cứu. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các trường đại học trong và ngoài khu vực, cũng như tăng cường đầu tư nguồn lực từ cả Trung ương và địa phương.
TS Lương Vinh Quốc Danh cho biết thêm, Trường Đại học Cần Thơ mong muốn mở rộng quy mô đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất thông qua các đề án của Chính phủ về kinh phí mua sắm trang thiết bị. Đồng thời, trường sẽ nâng cao trình độ giảng viên để tiếp cận với công nghệ mới từ các quốc gia phát triển.
Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường hợp tác với các trường đại học khác trong vùng ĐBSCL để xây dựng mạng lưới đào tạo vi mạch bán dẫn, từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành công nghệ này.
Tăng cường liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp còn giúp hỗ trợ việc giảng dạy các học phần chuyên ngành, từ lý thuyết đến thực hành; hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đăng ký sở hữu trí tuệ các kết quả nghiên cứu; tư vấn xây dựng phòng thí nghiệm chuyên ngành và chia sẻ thông tin về tuyển dụng, việc làm cho sinh viên.
ThS Đoàn Hòa Minh - giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Nam Cần Thơ nhấn mạnh sự quan trọng của hợp tác giữa các trường đại học trong đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật điện, Điện tử và bán dẫn. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn giúp tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành Công nghiệp bán dẫn.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty CP TUMIKI, chia sẻ, công ty đã hợp tác với các đối tác Đài Loan để xây dựng chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn, phối hợp với trường đại học để triển khai giải pháp thiết bị và chương trình đào tạo. '
Công ty cũng đề xuất các giải pháp đào tạo bán dẫn tại Việt Nam, bao gồm chương trình đào tạo 2+2, 3+2 và 3+1, tương ứng với thời gian học tại Việt Nam và Đài Loan. Theo ông Tuấn, sinh viên học chuyên ngành vi mạch bán dẫn cần có nhiều thời gian thực hành, tuy nhiên, các trường đại học hiện nay gặp khó khăn trong đầu tư trang thiết bị thực hành do chi phí cao.
Vì vậy, công ty mong muốn xây dựng các giải pháp phần mềm mô phỏng giúp sinh viên thực hành tiếp cận với công nghệ mới, hiểu được nguyên lý, qua đó nâng cao hiệu quả đào tạo và giảm chi phí cho nhà trường.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty CP TUMIKI cho biết: “Bán dẫn là lĩnh vực mới và yêu cầu sự đầu tư rất lớn. Để không thể chậm chân so với thế giới, việc kết hợp giữa doanh nghiệp - nhà trường và các trường ở nước ngoài là xu hướng tất yếu. Qua đó, đảm bảo sinh viên học và được thực hành. Đồng thời, công tác đào tạo ở các trường sát hơn với yêu cầu thực tế. Như vậy không chỉ giúp xã hội phát triển, mà doanh nghiệp cũng tuyển được nhân sự phù hợp”. |

