Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

07:10, 23/11/2021

Theo khảo sát của một tổ chức thanh toán quốc tế, người Việt Nam đang cố gắng chuyển đổi các giao dịch sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, khoảng 84% số người tiêu dùng đã lên kế hoạch hạn chế dùng tiền mặt và sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên hơn.

Người dân đang dần chuyển đổi phương thức tanh toán

Hơn 75% số người được khảo sát cho biết họ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn một lần mỗi tuần; hơn 70% số người tiêu dùng đã trải nghiệm phương thức thanh toán này và sử dụng các hình thức thanh toán số; hơn 20% số người có thể thanh toán không dùng tiền mặt trong ít nhất một tháng. Nhiều thói quen mới đã được hình thành sau đại dịch Covid-19, trong đó nổi bật là mua sắm trực tuyến và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, trong chín tháng năm 2021, giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch thanh toán qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng và 139,8% về giá trị. Bên cạnh đó, thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; thanh toán qua internet cũng tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, xây dựng nhiều quy định pháp lý, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ như: Quy định hướng dẫn các ngân hàng mở tài khoản thanh toán thông qua xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); trình Chính phủ ký Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán (mã QR code, thẻ Chíp nội địa...), tạo thuận lợi cho kết nối thanh toán liên thông, giảm chi phí chấp nhận thanh toán…

Bên cạnh đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đã tích cực nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật... Nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và giá trị thiết thực cho khách hàng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoạt động thông suốt, an toàn, bảo đảm sự kết nối và liên thông giữa các ngân hàng; đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán điện tử của người dân, doanh nghiệp…

Nhờ đó, thanh toán qua thiết bị di động hằng năm tăng trưởng khoảng 90% về số lượng và 150% về giá trị. Ở nhiều ngân hàng, kênh số chiếm hơn 90% tổng giá trị giao dịch…

Mua hàng và thanh toán trực tuyến ngày càng quen thuộc với người dân.

Nhanh chóng hoàn thiện chuyển đổi số hoạt động ngân hàng

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ; tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ... Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”; thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24 giờ trong tuần cho mọi đối tượng và người dân. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng, bảo đảm hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đúng quy định, thông suốt, an toàn.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tích cực phối hợp các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục bám sát, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ quyền chính đáng và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Tiếp tục chủ động triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền và giáo dục tài chính để người dân, doanh nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và yên tâm sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; trong đó, xác định ngân hàng là lĩnh vực ưu tiên cần chuyển đổi số trước. Thời gian qua, việc chuyển đổi số của ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, đặt mục tiêu đưa phương thức thanh toán này trở thành thói quen của người dân.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tế, triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới.

PV (T/h)