Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số tại tỉnh Bình Dương

14:44, 25/06/2024

Thuật ngữ “chính quyền số” bắt nguồn từ thuật ngữ “chính phủ số” - một trong ba trụ cột của chuyển đổi số quốc gia cùng với kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, chính phủ số được xác định là khâu then chốt, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, quản lý và phát triển kinh tế số, xã hội số. Vai trò này của chính phủ xuất phát từ vai trò của nhà nước đối với xã hội. Trong bất cứ xã hội nào có nhà nước, nhà nước đều lãnh nhận vai trò “không thể chuyển nhượng” là định hướng, quản lý, phát triển xã hội. Do đó, sự phát triển, thịnh vượng hay kiệt quệ đói nghèo của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều bắt nguồn từ hiệu quả quản trị của nhà nước, của chính quyền. Theo cách tiếp cận này, trong kỷ nguyên số, chính phủ số đóng vai trò trung tâm, định hướng, dẫn dắt, quản lý và phát triển kinh tế số, xã hội số như một tất yếu.

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tại buổi làm việc ngày 20/3/2024.

Chính phủ số là khái niệm dùng để chỉ phương thức hoạt động của Chính phủ (rộng ra là toàn bộ các cơ quan công quyền) dựa trên việc ứng dụng các công nghệ số, giải pháp thông minh trong các hoạt động quản trị của mình trên môi trường số. Theo nghĩa khác, chính phủ số cũng dần được sử dụng để nói về một chính phủ (hay một chính quyền) được tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả chủ yếu dựa vào việc ứng dụng công nghệ số, các giải pháp thông minh; tương tác, lắng nghe hiệu quả, nhịp nhàng với người dân và doanh nghiệp. Từ thuật ngữ chính phủ số, chính quyền số có thể được hiểu là chính quyền hoạt động chủ yếu dựa vào việc ứng dụng công nghệ số để không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động quản trị của mình.

Chính quyền số có các đặc điểm cơ bản: Một là, công nghệ số, các giải pháp thông minh dần hiện hữu trên hầu hết các hoạt động của chính quyền. Hai là, phần lớn thông tin trong hoạt động quản lý của chính quyền tồn tại dưới dạng kỹ thuật số (tín hiệu số). Ba là, “môi trường tác nghiệp” chính của chính quyền số là internet, các nền tảng của chính phủ số. Bốn là, chính quyền số giúp cho hoạt động của chính quyền thực chất, hiệu quả hơn. Năm là, mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp gắn kết hơn.

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) rộng rãi, có hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong hoạt động của doanh nghiệp và người dân; hạ tầng kỹ thuật CNTT được đầu tư, kết nối hoàn thiện; việc xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực như: Chỉ số xếp hạng ứng dụng CNTT của Bình Dương 02 năm liền (2019, 2020) xếp hạng cao trong 63 tỉnh, thành phố; năm 2022, Bình Dương lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. Việc xây dựng thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương đã được đưa vào nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các chương trình đột phá của tỉnh để định hướng phát triển trong thời gian tới.

Khánh thành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thị xã Bến Cát.

Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bình Dương đã triển khai được dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử được triển khai dùng chung cho tất cả 19 sở ngành, 09 UBND cấp huyện và 91 UBND cấp xã. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đơn vị, liên thông bốn cấp, có tích hợp ký số trên hệ thống. Nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước, các cơ quan đảng, đoàn thể, chính trị - xã hội cơ bản được duy trì ổn định qua các năm. Chỉ số và xếp hạng nguồn nhân lực ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước của tỉnh trong các năm gần đây luôn nằm trong Tốp cao của cả nước. Việc ứng dụng CNTT trong nhân dân, doanh nghiệp có nhiều thay đổi, đã có nhiều chuyển biến tích cực như việc tiếp cận thông tin trên môi trường mạng.

Ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở TTTT tỉnh Bình Dương cho biết: Đến nay, tỉnh đã phát triển hạ tầng số với độ phủ cáp quang tới khu phố, ấp; 100% xã, phường, thị trấn có mạng truyền số liệu chuyên dùng; 3.666 trạm BTS phát sóng 4G phủ 100% toàn tỉnh phục vụ 4 triệu thuê bao. Tỉnh hiện có 100% hồ sơ xử lý trên môi trường mạng, 1,2 triệu dân đã kích hoạt tài khoản định danh mức độ 2; 70% đối tượng an sinh xã hội được chi trả qua tài khoản. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp 1.586/1.887 thủ tục hành chính trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76%; eForm đã triển khai 100%. Tỉnh có khoảng 65.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 45.000 doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số và có hơn 6.500 doanh nghiệp cung cấp, kinh doanh điện - điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ số đang hoạt động. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 92%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đạt 75%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 86,3%...

Công bố cơ sở dữ liệu HĐND các cấp tỉnh Bình Dương.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, đánh giá và hoàn thiện Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh liên thông toàn trình với các cơ sở dữ liệu và phần mềm nghiệp vụ, cung cấp 65% dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo hướng đơn giản hóa, tối giản thủ tục để tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng. Tỉnh cũng triển khai mở rộng kho dữ liệu phục vụ lưu trữ kết quả hồ sơ số hóa cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung triển khai hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và các dự án về đô thị thông minh, chuyển đổi số. Thực hiện triển khai Khu Công nghệ thông tin tập trung tại Bình Dương nhằm phát triển công nghiệp ICT và phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp, công nghệ thông tin tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Tạp chí in số 2 tháng 6/2024