Đề xuất phạt nguội vi phạm giao thông không cần lập biên bản
Cục cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết đang báo cáo Bộ Công an đề xuất Chính phủ tiến tới cho thí điểm xử phạt mà phát hiện qua hệ thống giám sát (phạt nguội) sẽ không phải lập biên bản. Đề xuất của Cục CSGT nhằm tạo thuận lợi cho người vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để triển khai thực hiện cần có cơ sở pháp lý rõ ràng. Cụ thể, một số ý kiến cho rằng, CSGT ra quyết định xử phạt cần thông báo trước cho chủ xe và dành thời gian nhất định để chủ xe xác nhận, phản hồi về vi phạm rồi mới ra quyết định xử phạt.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT - Cục CSGT, đề xuất Chính phủ cho xử phạt vi phạm giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát mà không cần phải lập biên bản vi phạm xuất phát từ xu hướng của thế giới cũng như thực tiễn việc xử lý vi phạm giao thông hiện nay.
Việc xử lý không qua khâu đoạn lập biên bản là rút ngắn các giai đoạn và giúp tiết kiệm thời gian đi lại của người dân. Trừ trường hợp lỗi vi phạm mà mức phạt tiền lớn hoặc buộc tước giấy phép lái xe, giữ xe thì buộc người vi phạm giải trình và ra quyết định xử phạt sau.
Hiện nay, đề xuất này mới chỉ là quan điểm của Cục CSGT, Bộ Công an còn nghiên cứu, cân nhắc kỹ mới đề xuất cụ thể lên Chính phủ, bởi việc xử lý vi phạm là quy định pháp luật phải được xem xét chặt chẽ, đúng trình tự.
Hình ảnh vi phạm ghi nhận qua hệ thống giám sát chính là chứng cứ trực tiếp để phạt nguội người vi phạm. Khi đó, cơ quan thẩm quyền chỉ cần căn cứ vào chứng cứ trực tiếp này, và xác minh ai là người điều khiển xe lúc đó cùng các tình tiết khác để xử phạt, không cần lập biên bản. Bởi việc lập biên bản chỉ là ghi nhận việc vi phạm rồi xác minh các bước tiếp theo để xử phạt.
Theo quy trình, khi người có thẩm quyền xử lý vi phạm sẽ gửi vé phạt về đúng địa chỉ chủ xe. Chủ xe có trách nhiệm, ý kiến vào vé phạt và xác định thời điểm đó ai là người điều khiển xe và chủ xe phải chịu trách nhiệm lỗi nếu xe cho mượn. Từ đó, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Nếu người bị xử phạt không đồng ý thì có quyền khởi kiện ra tòa.
Thùy Chi (T/h)