Đề xuất tăng tần suất 3 đường bay lớn nhất cả nước
Ngày 17-10, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về đánh giá việc thực hiện quy định tạm thời và kế hoạch tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở hành khách.
- Đề xuất ban hành luật về tiếng Việt
- Xe buýt, taxi ở Hà Nội được đề xuất hoạt động trở lại
- Đề xuất mở lại đường bay nội địa đi và đến sân bay Nội Bài, Hà Nội
- Đề xuất nới thời hạn chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip
- Đề xuất mở lại 10 đường bay nội địa từ ngày 10/10
- Đề xuất quy tắc ứng xử của người làm nghệ thuật
Ảnh: minh họa
Theo Cục Hàng không Việt Nam, thống kê sơ bộ sau 5 ngày triển khai thực hiện thí điểm (từ ngày 10-14/10), 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã thực hiện 98 chuyến bay một chiều (trong tổng số 200 chuyến bay theo như kế hoạch đã được phê duyệt) trên 16 đường bay (trong 20 đường bay theo kế hoạch), đi/đến trên 16/22 cảng hàng không, sân bay và vận chuyển tổng số 5.924 hành khách .
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không cũng thừa nhận tỷ lệ chuyến bay đã thực hiện còn thấp (49%) do nhiều chuyến bay số lượng khách đặt chỗ rất thấp, thậm chí không có khách.
Nguyên nhân được phía Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra là do hãng hàng không chỉ có thể mở triển khai bán vé trên hệ thống kèm các điều kiện vận chuyển hành khách sau khi có các văn bản chính thức từ bộ và cục nên trong hai ngày đầu (ngày 10-11/10), hành khách chưa kịp tiếp cận thông tin chuyến bay nên không chủ động lập kế hoạch di chuyển.
Bên cạnh đó, nhiều đường bay có nhu cầu thấp nên hãng hàng không chưa thể khai thác hoặc hạn chế khai thác như đường bay Thanh Hóa - Liên Khương (Lâm Đồng); Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau/Rạch Giá (Kiên Giang), Đà Nẵng - Cần Thơ/Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), trong khi các đường bay đi/đến các địa phương khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… bị hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu hành khách giai đoạn hiện tại, chủ yếu được về địa phương sau giãn cách hoặc chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nhân cần đi lại giữa ba trung tâm để nối lại hoạt động kinh tế, đầu tư, kinh doanh.
Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của một số địa phương còn thấp nên hành khách chưa thể đáp ứng yêu cầu của địa phương, nhất là nhóm gia đình có trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm phòng vaccine nên không thể di chuyển dù có nhu cầu.
Ngoài ra, việc giãn cách ghế trên tàu bay cũng ảnh hưởng lớn đến doanh thu khiến hãng hàng không phải cân nhắc khi thực hiện chuyến bay; danh sách đường bay còn hạn chế, gây khó khăn cho hãng trong việc tổ chức khai thác.
Giai đoạn từ ngày 21-30/11, Cục Hàng không đề xuất Bộ GTVT kế hoạch khai thác các đường bay như sau: tăng tần suất khai thác 3 đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM và Đà Nẵng - TP.HCM lên 6 chuyến khứ hồi/ngày cho mỗi đường bay. Trong đó, Vietnam Airlines 2 chuyến; Vietjet Air 2 chuyến; Bamboo Airways 1 chuyến và Pacific Airlines 1 chuyến.
Các đường bay khác, tần suất không quá 1 chuyến khứ hồi/ngày đối với mỗi hãng.
Vietnam Airlines vừa cho biết từ 18/10 hãng chính thức khôi phục đường bay thường lệ giữa Hà Nội và Cần Thơ, mỗi ngày 1 chuyến bay và ngược lại.
Hãng hàng không Vietravel Airlines được xem xét khai thác với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày trên mỗi đường bay từ tháng 11/2021.
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày áp dụng (21/10), Cục Hàng không sẽ đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác phù hợp.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất khai thác lại 10 đường bay nội địa kể từ ngày 10/10. Các đường bay có thể thực hiện theo kế hoạch đã được Cục Hàng không Việt Nam xin ý kiến gồm 10 đường bay giữa TP. Hồ Chí Minh - Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An và giữa Thanh Hóa - Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc.
Hoàng Hằng (T/h)