Đề xuất tích hợp thẻ BHYT với căn cước công dân gắn chip
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định sẽ đề xuất sửa luật theo hướng tích hợp thẻ bảo hiểm y tế với thẻ căn cước công dân gắn chip.
“Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ tham gia quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHXH và Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó góp ý dự luật theo hướng tích hợp thẻ BHYT với căn cước công dân gắn chip. Từ đó, giúp người dân khi đi khám bệnh không cần mang thẻ BHYT”. Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, khẳng định như vậy tại hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề mẫu thẻ BHYT mới diễn ra sáng 24/3.
Tuy nhiên, theo phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, việc tích hợp thẻ BHYT trên cần có lộ trình, chưa thể làm ngay. “Muốn làm được như một số nước, trước tiên chúng ta phải sửa luật”- ông Trần Đình Liệu nói thêm.
Khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
Về việc đổi thẻ BHYT theo mẫu mới từ ngày 1/4, lãnh đạo BHXH Việt Nam khẳng định việc cấp đổi thẻ theo mẫu mới không gây lãng phí. Vì hằng năm vẫn phải in thẻ, trong khi chuyển sang in phôi mẫu mới không phát sinh chi phí. Thậm chí mẫu mới có kích thước nhỏ hơn (8,56 cm) so với mẫu cũ (9,8 cm), tiết kiệm chi phí in và có thể bỏ gọn vào ví như thẻ ngân hàng, căn cước công dân.
Mẫu thẻ mới chỉ in 10 ký tự chính là mã số BHXH của người tham gia (thay thế 15 ký tự như trước đây). Mẫu thẻ mới giúp người tham gia dễ dàng nhận biết và có thể tra cứu, kiểm tra đầy đủ thông tin quy định về thẻ BHYT trên cổng thông tin của BHXH Việt Nam…
“Những người đang sử dụng thẻ BHYT mẫu cũ còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng thẻ BHYT cũ để đi khám chữa bệnh BHYT bình thường…” - ông Trần Đình Liệu thông tin.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng khẳng định quy định mới không làm xáo trộn việc khám chữa bệnh, bởi không bắt buộc người dân đồng loạt đổi thẻ mới từ ngày 1-4. Thẻ BHYT hết hạn, mất, hỏng mới phải đổi mẫu mới.
“Chúng tôi cũng yêu cầu BHXH các tỉnh chỉ cấp thẻ theo mẫu mới khi đã sử dụng hết phôi thẻ cũ, không đổi mẫu mới nếu thẻ cũ vẫn còn thời hạn sử dụng…” - ông Liệu nhấn mạnh.
BHXH Việt Nam cũng cho biết trong năm 2021, đơn vị sẽ triển khai số hóa BHYT trên ứng dụng VssID - BHXH số cho khoảng 30 triệu người. Theo đó, người tham gia BHYT khi đến các cơ sở khám chữa bệnh không cần mang theo thẻ BHYT giấy.
Ông Trần Quốc Túy, Phó Ban quản lý thu sổ, thẻ thuộc BHXH Việt Nam, cho biết việc cấp đổi thẻ BHYT mới từ ngày 1-4 không bắt buộc với người dùng. Thẻ cấp lại miễn phí nếu thẻ cũ mất, rách, hỏng, thay đổi thông tin người tham gia. Người dùng có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia theo mẫu rồi đến cơ quan BHXH ở bất cứ địa phương nào để đổi, thay vì bắt buộc phải đến tận nơi cấp thẻ như mẫu cũ. “BHXH Việt Nam khuyến khích người dùng thẻ cũ nếu còn hạn thì tiếp tục dùng, hết hạn hoặc bị hỏng, rách mới đổi thẻ mới, không nên ồ ạt đổi thẻ” - ông Túy nói thêm.
Hồ sơ đổi thẻ mẫu mới gồm tờ khai điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT. Người hiến tạng có thêm giấy xác nhận hoặc giấy ra viện; những người trong diện hưởng quyền lợi BHYT cao hơn thì bổ sung giấy tờ chứng minh nếu có. Đơn vị sử dụng lao động, UBND xã, đại lý thu hoặc nhà trường phải hoàn thiện hồ sơ và gửi cho BHXH Việt Nam. Thời gian cấp đổi thẻ, cấp mới không quá năm ngày; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá hai ngày; trường hợp cấp lại không đổi thông tin thì ngay trong ngày, nếu có thay đổi thời hạn cấp mới trong ba ngày. Người dân cần thẻ gấp để đi khám BHYT sẽ được thực hiện trong ngày.
Thanh Thanh (T/h)