Đến khi nào Tên miền được coi là đối tượng sở hữu trí tuệ?
16:40, 16/01/2013
Đa số những vụ tranh chấp tên miền ở Việt Nam thời gian qua diễn ra giữa bên chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và bên nắm giữ tên miền trùng với nhãn hiệu đó.
Theo thông lệ chung trên thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng việc quản lý tên miền theo nguyên tắc "đăng ký trước được quyền sử dụng trước". Tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tên miền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích sử dụng và tính chính xác của các thông tin đăng ký nhằm đảm bảo không xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân khác.
Chính vì nguyên tắc "đăng ký trước được xét cấp trước" nên nhiều năm qua đã diễn ra khá nhiều vụ tranh chấp liên quan đến tên miền của các nhãn hiệu nổi tiếng như toyotavn.vn; samsungmobile.vn; ibm.com.vn; fanta.com.vn; bitis.vn...
Trong khi đó, không ít chủ nhãn hiệu chủ quan nghĩ "tên liên quan đến tôi, chỉ tôi được sử dụng" và tin rằng nếu đã đăng ký bảo hộ thương hiệu thì ắt sẽ đòi lại được tên miền liên quan. Tuy nhiên, bảo hộ nhãn hiệu trên thực tế là một vấn đề khác vì theo thông lệ trên thế giới, tên miền không nằm trong phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ, như vậy không có nghĩa việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên thực tế sẽ đồng thời được bảo hộ trên Internet.
Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ TT-TT quy định đối với các trường hợp tranh chấp tên miền không thương lượng được thì hoàn toàn có thể giải quyết triệt để thông qua hình thức khởi kiện tại tòa án hoặc thông qua trọng tài. Tuy nhiên, website của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã ghi rõ nếu muốn khởi kiện đòi tên miền, nội dung đơn khởi kiện của chủ thể có tranh chấp phải đáp ứng đầy đủ 3 yêu cầu: Tên miền trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại mà người khiếu kiện có quyền và lợi ích hợp pháp; người bị khiếu kiện không có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó; và tên miền được người bị khiếu kiện sử dụng với ý đồ xấu đối với người khiếu kiện. Có nghĩa, nếu bên nguyên đơn không chứng minh được bên bị có ý đồ xấu hoặc không có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền thì họ khó đòi được tên miền.
Hiện nay, để hoàn thiện hơn về chính sách quản lý, Bộ TT&TT cũng đã trình Thủ tướng ban hành quyết định về đấu giá, chuyển nhượng tài nguyên viễn thông và Internet, trong đó gồm các quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về trình tự, thủ tục chuyển nhượng tên miền… Khi đó, giao dịch tên miền được hợp pháp hóa, công bằng để tài nguyên được phân bổ bình đẳng và đảm bảo hiệu quả.
Dù vậy, trong khi chờ dự thảo mới có hiệu lực, để tránh bị tranh chấp và có nguy cơ phải bỏ ra số tiền lớn để mua lại tên miền, các doanh nghiệp cần có ý thức đăng ký sớm tên miền liên quan tới thương hiệu của họ. Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) từ đầu năm 2012, có 181.000 tên miền .vn được đăng ký, trong số này có 124.000 tên liên quan đến các tổ chức và doanh nghiệp. Thế nhưng, số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là trên 500.000 (theo số liệu của VCCI). Có nghĩa, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp trong nước đã đăng ký và thực sự sở hữu tên miền quốc gia.
Theo Sohoa.net