Đến năm 2030, Đồng Nai sẽ chuyển sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng

11:54, 15/03/2024

Trong Đề án mới nhất, UBND tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, chấm dứt hoàn toàn việc chôn lấp chất thải rắn trực tiếp. Tất cả khu xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn chuyển sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng hoặc phát điện.

UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND chia sẻ tại Hội nghị, thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay các doanh nghiệp đã có hợp đồng thu gom, xử lý chất thải theo quy định và các khu công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung. Ở vùng nông thôn, bao bì thuốc thú ý, thuốc thực phẩm đều đã được xử lý đúng cách. 

Riêng rác sinh hoạt, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý cải thiện, tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt của tỉnh đạt dưới 15%. Trên địa bàn không còn bãi rác tự phát, xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.

UBND tỉnh xây dựng và ban hành Đề án nhằm đưa công tác xử lý chất thải rác vào nề nếp. Quá trình triển khai thực hiện cần sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm, hiệu quả các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thu gom và xử lý, chủ nguồn thải.

Cụ thể Đề án đặt ra các mục tiêu cơ bản, đến năm 2025 tỉnh Đồng Nai có 80% tổ chức, cá nhân thu gom rác sinh hoạt và 100% đơn vị vận chuyển đồng bộ phương tiện, trang thiết bị phù hợp với công việc phân loại rác, 100% trạm trung chuyển chất thải được đầu tư xây dựng, cải tạo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về xây dựng và bảo vệ môi trường. Giảm tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động xử lý chất thải còn 70%.

Đến năm 2030, tất cả khu xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chuyển sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng hoặc phát điện, chấm dứt hoàn toàn việc chôn lấp chất thải rắn trực tiếp, giảm tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động xử lý chất thải còn 70%. 

Trong Hội nghị các đại điện sở, ngành địa phương đã trình bày những giải pháp nhằm tuyên truyền nội dung của Đề án đến từng hộ gia đình. áp dụng quy định nếu bỏ rác không đúng nơi, không phân loại rác sinh hoạt,...

Nhân dịp này, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã ký Quy chế phối hợp thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; phát động phong trào Chống rác thải nhựa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh trên địa bàn.

Trước đó UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3263/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.  Đưa vào vận hành dự án Đốt rác phát điện tại xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu vào năm 2030, tất cả các khu xử lý chất thải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp quy định. Dự án có tổng kinh phí hơn 4,6 nghìn tỷ đồng từ các sự nghiệp môi trường cấp huyện, cấp tỉnh. Nguồn vốn đầu tư từ các cá nhân, tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; xã hội hóa.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2.018 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom xử lý đạt 100%. CTRSH trên địa bàn Đồng Nai đang được xử lý tại 04 Khu xử lý chất thải (KXLCT) theo quy hoạch.

Trong đó, KXLCT Quang Trung xử lý khoảng 1.200 tấn/ngày, KXLCT Vĩnh Tân 450 tấn/ngày, KXLCT Túc Trưng  khoảng 110 tấn/ngày. Các dự án này đều đạt tỷ lệ chôn lấp CTRSH dưới 15% với phương pháp tái chế chất thải thành mùn compost, công suất cơ bản đáp ứng được khối lượng CTRSH phát sinh giai đoạn từ nay cho đến năm 2025.

Đồng Nai đặt mục tiêu giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt xuống còn khoảng 5%. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi ngoài Đề án, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khu xử lý đã đảm bảo chôn lấp dưới 15%, một số khu đang đầu tư dây chuyền, lò đốt để được tham gia đấu thầu xử lý chất thải sinh hoạt.

Bên cạnh đó, Đồng Nai đang đẩy mạnh thực hiện phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai dự án Nhà máy đốt rác phát điện quy mô 800 tấn/ngày (giai đoạn 1), dự án này sẽ giải quyết khoảng 50% tổng lượng rác phát sinh của toàn tỉnh. Tỉnh cũng cần các Bộ, ngành hỗ trợ định hướng công nghệ, quy chuẩn kỹ thuật, khung giá xử lý chất thải theo loại công nghệ đốt.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

(https://kinhtemoitruong.vn/den-nam-2030-dong-nai-se-chuyen-sang-cong-nghe-dot-rac-thu-hoi-nang-luong-86103.html)