Điểm Bưu điện Văn hóa xã : Cầu nối giữa cơ quan quản lý với người dân
10:51, 05/08/2008
Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp tại Hội nghị đánh giá 10 năm xây dựng và hoạt động hệ thống Điểm Bưu điện Văn hóa xã (điểm BĐVHX) do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức tại Hà Nội sáng 01/8. Hội nghị tập trung đánh giá hiệu quả hoạt động của hơn 8.000 điểm BĐVHX trên toàn quốc trong việc phổ cập dịch vụ bưu chính viễn thông tại nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Mục tiêu ban đầu của điểm BĐVHX là phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn, tạo sự công bằng trong việc hưởng thụ lợi ích mà các dịch vụ bưu chính, viễn thông mang lại, đáp ứng một số nhu cầu văn hóa thiết yếu của người dân, từ đó tạo lập thị thường bưu chính, viễn thông rộng khắp và vững chắc ở nông thôn. Sau 10 năm triển khai, cơ bản mục tiêu này đã trở thành hiện thực. Việc VNPT đầu tư và đưa vào sử dụng hàng ngàn điểm BĐVHX (trong đó có 1.524 điểm thuộc các xã đặc biệt khó khăn) đã tạo nên một hệ thống mạng lưới phục vụ bưu chính viễn thông rộng khắp, diện tích phục vụ bình quân rút xuống chỉ còn là 17,5 km2/điểm, số dân phục vụ bình quân là 4.500 người/điểm. Đồng thời, điểm BĐVHX đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi thực hiện được mục tiêu 100% số xã trên toàn quốc có máy điện thoại vào năm 2005. Hiện nay, ngoài các dịch vụ bưu chính viễn thông cơ bản như chuyển phát thư từ, bưu phẩm, bưu kiện, mua tem thư, đặt báo chí, điện thoại công cộng, điện báo, dịch vụ 108, đã có 2.865 điểm kết nối Internet, nhiều điểm mở ra các dịch vụ mới như dịch vụ chuyển tiền, bán thẻ điện thoại, chuyển phát nhanh, fax, thu nợ cước viễn thông, lắp đặt máy điện thoại, bán văn phòng phẩm… Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, điểm BĐVHX còn phục vụ kịp thời sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đây cũng là nơi phục vụ nhân dân đến đọc sách báo miễn phí, giúp họ tiếp cận với thông tin tri thức, nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nâng cao dân trí và đời sống văn hoá tinh thần, góp phần thu hẹp khoảng cách thành thị với nông thôn. Nhiều nơi, điểm BĐVHX đã trở thành tụ điểm văn hóa, trung tâm giao dịch, sinh hoạt cộng đồng mang đậm sắc thái từng vùng quê. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết, mô hình điểm BĐVHX thể hiện trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông và VNPT đối với người dân trong việc góp phần thu hẹp khoảng cách số. Việc xây dựng điểm BĐVHX là để thỏa mãn kỳ vọng thông tin và tiếp cận các dịch vụ bưu chính viễn thông của người dân, là dấu ấn văn hóa trong thời kỳ đổi mới. Trên thực tế, mô hình này đã phát huy rất tốt vai trò trong việc phục vụ nhu cầu về thông tin cho người dân ở vùng sâu vùng xa. “Điểm BĐVHX là một thiết chế văn hóa thông tin bưu chính viễn thông ở xã, là cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với nhân dân, là nơi để người dân nắm bắt được thông tin của mọi mặt đời sống chính trị văn hóa kinh tế xã hội”, Bộ trưởng đánh giá. Là Tập đoàn bưu chính viễn thông chủ lực của quốc gia, trong chiến lược phát triển của mình, VNPT luôn song hành hai mục tiêu kinh doanh và phục vụ. Sau 10 năm thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc phổ cập dịch vụ bưu chính viễn thông tới nông thôn, miền núi, đã đến lúc VNPT phát huy hiệu quả kinh tế của mô hình điểm BĐVHX. Tuy nhiên, việc tổ chức kinh doanh tại các điểm BĐVHX đang gặp phải không ít khó khăn. Doanh thu trung bình mỗi tháng của các điểm BĐVHX trên cả nước từ 92.000 đồng/điểm (năm 1999) tăng lên 2.350.000 đồng (năm 2007) nhưng chưa thể bù đắp toàn bộ chi phí. Khoảng 2 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của điểm BĐVHX chậm lại và đang có xu hướng giảm do biến động của nhu cầu xã hội. Các mạng di động phủ sóng ngày càng rộng, mạng cáp phát triển đến các thôn xóm, nhiều hộ gia đình đã đăng ký sử dụng các dịch vụ điện thoại cố định, di động và Internet nên thị phần bị chia sẻ, lượng khách đến các điểm BĐVHX sử dụng dịch vụ điện thoại giảm dần... Bên cạnh đó, cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị phục vụ lạc hậu và còn thiếu thốn, nội dung thông tin phục vụ nhân dân đôi khi chưa phong phú, chưa thu hút người dân. Đội ngũ nhân viên ở các điểm BĐVHX đa phần còn yếu về nghiệp vụ, thù lao cho người làm việc còn thấp, chưa có các chế độ khác như bồi dưỡng làm thêm giờ, chăm sóc sức khỏe, thi đua khen thưởng, bảo hộ lao động... nên người lao động chưa yên tâm gắn bó với công việc. Đứng trước những khó khăn trên, VNPT đang tìm hướng để khai thác hết tiềm năng hợp tác kinh doanh của mô hình điểm BĐVHX. Việc củng cố cơ sở hạ tầng, tăng cường trang thiết bị và đào tạo đội ngũ nhân lực sẽ trực tiếp nâng cao chất lượng phục vụ của điểm BĐVHX. Trên nền tảng này, VNPT đang nghiên cứu xây dựng điểm BĐVHX trở thành kênh phân phối bán lẻ các dịch vụ không chỉ của VNPT mà còn của các doanh nghiệp khác. Lợi thế về địa điểm của các Điểm BĐVHX cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thiết lập hạ tầng mạng viễn thông ở khu vực nông thôn như nhà trạm viễn thông, thiết bị truy nhập, đẩy mạnh việc đưa Internet băng rộng tới những nơi có tiềm năng để phổ cập dịch vụ và phát triển kinh doanh. Thông qua các đối tác chiến lược, ngoài việc cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông phổ cập với giá rẻ, dịch vụ truy nhập Internet, thu cước viễn thông, bán thẻ dịch vụ viễn thông, phát triển thuê bao..., các điểm BĐVHX còn có thể trở thành kênh bán lẻ hữu hiệu cho các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, quảng cáo và các dịch vụ khác. Với những hướng đi mới cùng với sự vận động đổi mới trong nội tại, điểm BĐVHX sẽ tồn tại, khẳng định vai trò là nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. (Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản)