Diễn đàn "Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển tài sản trí tuệ"
Ngày 10/1, dưới sự bảo trợ bởi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức Diễn đàn "Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển tài sản trí tuệ".
- Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ
- Thủ tướng: Truyền thông phải đi đầu, tạo động lực, truyền cảm hứng cho phát triển và đổi mới sáng tạo
- Khai mạc triển lãm Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo Hà Nội năm 2022
- Khai mạc sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022” tại TP. HCM
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, KHCN và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực chủ yếu cho tăng trưởng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia và tổ chức. Vì thế, KHCN và đổi mới sáng tạo là không thể thiếu đối với doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển, nhất là trong điều kiện thế giới biến động khó lường và nhanh chóng như hiện nay.
Theo ông Phan Xuân Dũng, không có mô hình mẫu về đổi mới sáng tạo cho tất cả doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải tìm bước đi phù hợp với năng lực, nguồn lực, trình độ nhân lực, trình độ công nghệ và phương thức sản xuất hiện tại của mình khi lựa chọn đầu tư vào KHCN và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Hơn nữa quá trình thành lập, tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp cũng có thể xem là quá trình phát triển của tài sản trí tuệ. Đó chính là quá trình áp dụng những đổi mới và sáng tạo trên một nền tri thức hiện hữu để giải quyết các vấn đề của sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Là tài sản vô hình nhưng tài sản trí tuệ lại là thứ hàng hóa rất dễ bị chiếm đoạt. Vì vậy, việc bảo vệ tài sản trí tuệ hiện nay cần phải được quan tâm nhiều hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần phải hình thành từ ý thức đến tổ chức thực hiện việc nghiên cứu, khai thác, quản lý cho mọi vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Chính vì thế, việc tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Đây sẽ là nền tảng không chỉ giúp cho các doanh nghiệp hoạch định được những bước phát triển trong tương lai mà còn tăng khả năng cạnh tranh trong nước cũng như khi vươn ra thị trường quốc tế.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, với sự phát triển của nền kinh tế trí thức, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến thúc đẩy việc tạo dựng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đã được Đảng, Chính phủ ban hành. Đặc biệt, tháng 6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua và có hiệu lực vào ngày 1/1/2023 nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả.
Theo ông Đinh Hữu Phí, thời gian tới hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung và công tác phát triển tài sản trí tuệ nói riêng cần tiếp tục có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội nhằm tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, hình thành và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Trao quà cho các hộ gia đình chính sách, những hoàn cảnh éo le đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Với chủ đề "Vai trò, thực tiễn nâng cao nhận thức đổi mới sáng tạo và phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp và đề xuất giải pháp", tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Vai trò, tầm quan trọng của việc đổi mới sáng tạo, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ; bảo vệ thương hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ và doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường với các thủ đoạn ngày càng tinh vi...
Từ đó đặt ra yêu cầu về việc phát triển và bảo vệ thương hiệu ngày càng khó khăn nếu các đơn vị doanh nghiệp không chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nhận diện thương hiệu. Đặc biệt là việc tham gia vào các diễn đàn khoa học, truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại… Đây cũng là các hoạt động góp phần định vị thương hiệu của doanh nghiệp với người tiêu dùng cả nước.
Khôi Nguyên (T/h)