Sau đợt truy quét hàng giả, vẫn còn nhiều thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc được bán trên Shopee
Dù cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, tình trạng thực phẩm chức năng (TPCN) không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan trên Shopee. Hàng loạt sản phẩm “gắn mác” hàng ngoại nhập, quảng cáo công dụng quá đà nhưng không có giấy công bố từ Bộ Y tế vẫn được rao bán công khai, thu hút hàng nghìn lượt mua.
Vẫn còn nhiều thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada… đang trở nên hỗn loạn bởi tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan. Không khó để tìm thấy những sản phẩm được quảng cáo “thần tốc” về hiệu quả giảm cân, tăng chiều cao, cải thiện sinh lý… nhưng không có giấy công bố sản phẩm, không ghi tên nhà phân phối, không mã vạch hoặc mập mờ về xuất xứ.
Nhiều sản phẩm thậm chí chưa được đăng ký với Bộ Y tế, nhưng vẫn gắn mác “hàng nội địa Nhật”, “hàng Mỹ chính hãng”, tạo cảm giác yên tâm giả tạo cho người tiêu dùng. Trong khi đó, chế tài hiện hành còn nhẹ, việc kiểm duyệt và gỡ bỏ sản phẩm vi phạm trên các nền tảng TMĐT còn gặp nhiều khó khăn do quy mô quá lớn và sự thiếu hợp tác từ phía một số đơn vị vận hành sàn.
Qua tìm hiểu của PV Tạp chí Thương Trường, trên sàn thương mại điện tử Shopee, vẫn còn nhiều sản phẩm không có trong danh sách đăng ký công bố của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Đơn cử với sản phẩm viên uống giảm cân Max Diet Genie có giá hơn 140.000 đồng/lọ 30 viên. Cửa hàng này đã bán được hơn 4.000 sản phẩm, tương đương với doanh số hơn 560 triệu đồng. Đáng chú ý, ngoài hình ảnh của sản phẩm, người bán còn đăng tải hình ảnh giấy phép tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm số 1118/2021/ĐKSP.
Max Diet không có tên trong danh sách sản phẩm đã công bố của Cục An toàn thực phẩm
Tuy nhiên qua tìm hiểu trong danh sách cấp phép từ năm 2018 đến 10/5/2025 của Cục An toàn thực phẩm, không hề có thông tin liên quan đến dòng sản phẩm Max Diet Genie. Trong khi đó, số đăng ký nói trên được cấp cho sản phẩm No Gym Healthy Diet. Như vậy, hình ảnh giấy phép do người bán đăng tải phải chăng đã bị chỉnh sửa để lấy niềm tin của khách hàng trên Shopee.
Tương tự, nhiều sản phẩm khác như Vitamin tổng hợp One A Day với giá khoảng 370.000 đồng/hộp 200 – 300 viên và Viên uống hỗ trợ Swisse Ultiboost Menopause Balance cũng được bán rầm rộ trên sàn Shopee. Nhưng qua tra cứu, các sản phẩm này cũng chưa hề được Cục An toàn thực phẩm cấp phép, nhưng đã có hàng nghìn sản phẩm đã được bán ra thị trường.
Nhiều sản phẩm thuộc thương hiệu lớn chưa được đăng ký cũng xuất hiện trên Shopee
Nhiều lần bị yêu cầu ngưng bán sản phẩm chưa được cấp phép
Theo đó vào ngày 27/5, cho hay qua công tác hậu kiểm về thực hiện quy định đăng ký bản công bố và tự công bố, sản xuất, kinh doanh TPCN, Cục An toàn thực phẩm phát hiện một số sản phẩm thực phẩm chức năng thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe bán trên các sàn thương mại điện tử.
Cụ thể, trên Lazada và Shopee, thực phẩm chức năng thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được quảng cáo và kinh doanh nhưng chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm gồm: Omega 3-6-9 1600 mg; Natto Kinase 4000fu; Estroven - Complete Multi - Sympton; Kirkland Glucosamine 1500 mg và Chondroitin 1200 mg; Glucosamine 1500mg With MSM 1500mg.
Theo quy định, để được lưu hành, các sản phẩm loại này phải có giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố do Cục An toàn Thực phẩm cấp. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người sử dụng, sản xuất kinh doanh tuân thủ pháp luật, cơ quan trên yêu cầu Công ty TNHH Thương mại điện tử Lazada Việt Nam và Công ty TNHH Shopee rà soát lại giao dịch thực phẩm chức năng. Đồng thời, hai sàn ngừng ngay việc kinh doanh và gỡ bỏ thông tin về sản phẩm nêu trên, báo cáo Cục An toàn thực phẩm trước ngày 30/5.
Lực lượng chức năng của Hà Nội kiểm tra kho hàng được bán trực tuyến
"Chỉ kinh doanh thực phẩm chức năng đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc được công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm", Cục An toàn Thực phẩm lưu ý.
Đáng nói, từ đầu tháng 5 đến nay, cơ quan chức năng hậu kiểm, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee..., nhiều người nổi tiếng, TikToker, KOLs (Key Opinion Leaders), KOCs (Key Opinion Consumers) quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm, khiến người tiêu dùng thiệt thòi.
Bộ Y tế cũng đã lập 15 tổ kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, thuốc kê đơn, sữa... trên sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội cũng như trên thị trường. Người dân được khuyến cáo chỉ mua thuốc của các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, thuốc có đầy đủ thông tin, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Tránh mua thuốc theo các thông tin không chính xác trên mạng xã hội.
Thị trường thực phẩm chức năng online đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi người tiêu dùng dễ bị đánh lừa bởi hình ảnh, đánh giá ảo và các chiêu trò quảng cáo thiếu kiểm chứng. Việc nhiều sản phẩm chưa được cấp phép vẫn được bày bán rầm rộ cho thấy lỗ hổng trong việc phối hợp kiểm duyệt giữa các sàn thương mại điện tử và cơ quan quản lý. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đã đến lúc cần siết chặt hơn nữa các biện pháp hậu kiểm, đồng thời nâng cao cảnh giác và nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm chăm sóc sức khỏe trên môi trường số.