Định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2020

Hữu Ích 13:27, 13/01/2020

Mục tiêu tổng quát năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông là "Năm chuyển đổi số quốc gia" cùng với phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, nâng cao năng suất lao động, thực hiện tốt các đột phá chiến lược, tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với ngành TT&TT và đặc biệt là phát triển đồng bộ, hiệu quả trên cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.

Ngày 03/1/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2020.

Chỉ thị nêu rõ, năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước, là năm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Nước, 90 năm thành lập Đảng; là năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị, tạo nền tảng cho Chiến lược phát triển 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; đồng thời, là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh đó, với mục tiêu tổng quát năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông là "Năm chuyển đổi số quốc gia" cùng với phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, nâng cao năng suất lao động, thực hiện tốt các đột phá chiến lược, tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với ngành TT&TT và đặc biệt là phát triển đồng bộ, hiệu quả trên cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT; Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu toàn Ngành cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Ngay từ đầu năm, tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị của ngành TT&TT tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; quyết tâm hoàn thành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nội dung chất vấn của Bộ trưởng tại các Kỳ họp của Quốc hội và các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị; nỗ lực phấn đấu, góp phần xây dựng một Chính phủ "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả", tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
 
Cũng tại Chỉ thị, Bộ trưởng đã yêu cầu cụ thể với các 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Lĩnh vực Bưu chính: Mục tiêu phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong bưu chính. Chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, trong đó, chú trọng các dịch vụ liên quan đến Chính phủ điện tử (CPĐT) và các dịch vụ mang tính hỗ trợ/logistics cho thương mại điện tử. Doanh nghiệp bưu chính chuyển dịch theo hướng doanh nghiệp công nghệ và hình thành một số công ty lớn làm nòng cốt cho phát triển mạng lưới bưu chính vươn đến tận hộ gia đình, thôn, bản trên cơ sở hoàn thiện hệ thống mã đến địa chỉ gắn với bản đồ số V-map. Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp bưu chính. Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp bưu chính và định hướng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp bưu chính.

Hoàn thiện và triển khai Đề án “Thí điểm triển khai cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương”. Tham gia kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử của Bộ Công Thương. Triển khai Kế hoạch Thực hiện Văn kiện Đại hội bất thường của UPU lần 3 và tham dự Đại hội UPU lần thứ 27.

Đến hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 40 - 45 quốc gia dẫn đầu về Bưu chính của Liên minh Bưu chính Thế giới UPU.

Lĩnh vực Viễn thông: Mục tiêu là chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng ICT, phát triển hạ tầng số đồng bộ hiện đại để thúc đẩy chuyển đổi số.

Năm 2020, mạng thông tin di động 5G ở Việt Nam được triển khai thương mại cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. Từ nay Việt Nam sẽ chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ cũng như chủ động xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G từ năm 2022. Đấu giá, cấp giấy phép băng tần thông tin di động 2.6 GHz để nâng cao chất lượng mạng lưới, tốc độ dịch vụ thông tin di động.

Các nhà doanh nghiệp viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò và trách nhiệm là nền tảng của hạ tầng số, thanh toán số, mobile money, hạ tầng cho chuyển đổi số, phải làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số như: công nghệ 5G, IoT, Big Data, AI… Mạng viễn thông là nền tảng của các nền tảng. Các doanh nghiệp viễn thông mang trong mình sứ mạng của doanh nghiệp nền tảng với trách nhiệm xã hội bảo đảm một nền tảng viễn thông cũng như các nền tảng khác chạy trên mạng viễn thông phải sạch.

Xử lý căn bản các loại “rác” viễn thông như SIM “rác”, tin nhắn “rác”, thoại “rác”, thư “rác”… là trách nhiệm của người đứng đầu các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông để phát triển thị trường bền vững và lành mạnh.

Xây dựng Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2021 – 2025 bảo đảm phổ cập phủ sóng 4G, 5G, phổ cập điện thoại thông minh và phổ cập dịch vụ công trực tuyến.

Sửa Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Quyết định mới quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số, kho số viễn thông, tên miền Internet; Ban hành Thông tư về Quy hoạch băng tần 700MHz, 26/28 GHz và 3.5 GHz; Hoàn chỉnh các Quy định về quản lý và vận hành mạng dịch vụ viễn thông chuyên dùng phục vụ tốt hoạt động cơ quản Đảng, Nhà nước, hỗ trợ phát triển CPĐT.

Nâng tỷ lệ chuyển mạng giữ nguyên số thành công đạt 90%; Hoàn thành Đề án Số hóa truyền hình mặt đất theo đúng lộ trình; Phát triển đạt 100 thành viên kết nối trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX; Cải thiện tỷ lệ thị phần đăng ký sử dụng tên miền .vn đạt trên 50% so với tổng số tên miền Internet tại Việt Nam; Tỷ lệ thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt tối thiểu 16,1%; Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên 100 dân đạt tối thiểu 70%; Tỷ lệ người sử dụng Internet trên 100 dân đạt tối thiểu 71,5%.

Nâng bậc và cải thiện thứ hạng, đối với viễn thông, chỉ số phát triển CNTT-TT (IDI) theo đánh giá của ITU lên thứ hạng từ 80 đến 85. Đến hết năm 2020, Việt Nam có thứ hạng từ 38 đến 39 quốc gia dẫn đầu về tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF.

Lĩnh vực Ứng dụng công nghệ thông tin: Mục tiêu là đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Thực hiện tốt vai trò điều phối thống nhất về phát triển CPĐT trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ, ngành và địa phương; Xây dựng Chiến lược phát triển CPĐT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, đặc biệt đối với các mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh mạng, kết nối, chia sẻ dữ liệu và dịch vụ công cấp độ 4. Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% các Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh LGSP; 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đạt tỷ lệ 30% dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 4.

Sơ kết chương trình thí điểm đô thị thông minh (ĐTTM), cấu phần CNTT nhất là việc thí điểm triển khai trung tâm giám sát điều hành ĐTTM, từ đó ban hành các hướng dẫn triển khai, tránh làm theo phong trào, không hiệu quả và lãng phí.

Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, sâu rộng và toàn diện, trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia sẽ được ban hành trong năm 2020, các bộ, ngành, địa phương cần ban hành chương trình chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực và địa phương của mình. Bộ TTTT phải đi đầu về chuyển đổi số trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí truyền thông.

Tiếp tục xây dựng một số mô hình bộ điểm, tỉnh điểm, xã điểm; Đào tạo 100 chuyên gia cho CPĐT ở các Bộ, ngành, địa phương là lực lượng nòng cốt để dẫn dắt quá trình phát triển CPĐT; Sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm từ sử dụng các ứng dụng của CPĐT để phát triển CPĐT và dành tối thiểu 1% tỷ lệ chi ngân sách các cấp (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) cho xây dựng và phát triển CPĐT.
Đến hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 75 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số phát triển CPĐT theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.

Lĩnh vực An toàn, an ninh mạng: An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để phát triển CPĐT và chuyển đổi số do đó cần phải đi trước một bước. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng đặc biệt trong năm diễn ra Đại hội đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước. Giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quốc gia phục vụ CPĐT thông qua Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ CPĐT.

Hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phải do chính doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và làm chủ để phục vụ CPĐT, ĐTTM và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Lực lượng an toàn, an ninh mạng có trách nhiệm bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng.

Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cần được tiếp tục đầu tư để có đủ năng lực giám sát, phân tích, dự báo tình hình trên không gian mạng, kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu độc, đảm bảo một không gian mạng lành mạnh và tích cực.

Xây dựng Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030; Đề án Đưa Việt Nam trở thành trung tâm chia sẻ và phân tích an toàn thông tin ASEAN; Thiết lập và vận hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quốc gia về an toàn không gian mạng; Thành lập Liên minh sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng nhằm nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, đưa các sản phẩm an toàn, an ninh mạng của Việt Nam làm chủ thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.

Thực thi nghiêm túc các nhiệm vụ tại Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/06/2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm tiếp tục cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam. 100% các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam triển khai bảo vệ an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp; 100% bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng, phòng chống mã độc tập trung, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia của Bộ TTTT; 100% các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đầu tư và triển khai các biện pháp kỹ thuật đảm bảo khả năng xử lý các nguồn thông tin vi phạm pháp luật, các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.

Đến hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 45 - 50 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu GCI của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU.

Lĩnh vực Công nghiệp ICT: Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ số Việt nam nói riêng là định hướng quan trọng để xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ được ban hành trong năm 2020 và hướng tới xây dựng Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với định hướng thúc đẩy phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số và mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có một lực lượng hùng hậu với tỷ lệ 1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 người dân tương đương với các nước công nghiệp phát triển.

Make in Viet Nam là một định hướng lớn, là tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT phải đi đầu trong chiến lược Make in Viet Nam.

5G là hạ tầng rất quan trọng của kinh tế số, xã hội số do đó việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất các thiết bị 5G. Biểu dương, tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất các thiết bị 5G hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G vào năm 2020.

Ký kết và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu chính sách 4.0, hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF nhằm thử nghiệm các thể chế, chính sách đột phá, đi trước đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng công nghệ dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến đến làm chủ công nghệ nền tảng tạo đột phá cho chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Lĩnh vực Báo chí, truyền thông: Báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo lên khát vọng Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, khi tròn 100 năm nước Việt Nam mới. Báo chí đóng góp vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2026, với phương châm “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; tuyên truyền, quảng bá ASEAN năm 2020, với vai trò Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo đúng nội dung Quy hoạch và Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019 của Bộ TTTT. Thực thi pháp luật, không chấp nhận mọi lý do gây chậm trễ tiến độ thực thi Quy hoạch đối với tất cả các cơ quan chủ quản cơ quan báo chí.

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong báo chí nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện Quy hoạch và xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện.

Thực thi Luật Báo chí, yêu cầu đầu tiên đối với quản lý báo chí là cơ quan chủ quản phải quản lý tốt cơ quan báo chí của mình. Năm 2020 là năm các cơ quan chủ quản báo chí thực hiện đúng và đủ chức trách, nhiệm vụ của mình đã quy định trong Luật Báo chí.

Mặt trận báo chí truyền thông phải có lực lượng là những cơ quan báo chí, xuất bản chủ lực. Trong năm 2020, Bộ TTTT xây dựng Đề án Hỗ trợ báo chí, xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu; tăng cường đặt hàng báo chí để các bộ, ban, ngành, địa phương có thêm ngân sách đặt hàng các nhiệm vụ chính trị đối với báo chí; xây dựng Quỹ Phát triển Báo chí từ nguồn xã hội hóa nhằm tập trung các nguồn lực về cơ chế, chính sách, về tài chính, về tổ chức để xây dựng lực lượng báo chí chủ lực có khả năng định hướng dư luận, có tầm vóc quốc tế.

Năm 2020 xử lý căn bản các tồn tại kéo dài như: “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; nhũng nhiễu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; không tuân thủ tôn chỉ, mục đích; vi phạm đạo đức người làm báo; tin tiêu cực như là dòng chảy chính làm mất đi năng lượng tích cực của xã hội.

Thực thi luật pháp nghiêm minh với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng theo nguyên tắc Việt Nam là đất nước có chủ quyền, mọi doanh nghiệp bất kể trong nước hay nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, bảo đảm các nền tảng có số lượng lớn người sử dụng phải lành mạnh, phải sạch, phải xác định được danh tính người sử dụng. Đảm bảo tỷ lệ ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật mà phát hiện và xác minh được trên mạng xã hội đạt tối thiểu từ 70 đến 80%.

Thực hiện tốt việc bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống thông tin cơ sở đặc biệt là hệ thống loa phường, xã phải thực hiện chuyển đổi số, đổi mới công nghệ toàn diện. Đây là kênh tuyên truyền lớn nhất, hiệu quả nhất, là kênh có từ 70 đến 80 triệu người nghe hàng ngày vượt trội tất cả các kênh tuyên truyền, phát thanh, truyền hình quảng bá hiện nay.

Xây dựng Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài hướng tới chuyển đổi số cho hoạt động thông tin đối ngoại, sử dụng các công nghệ truyền thông tiên tiến như công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, mạng xã hội… đáp ứng nhu cầu nội dung thông tin của mọi cá nhân có quan tâm đến Việt Nam về đất nước, con người, ẩm thực, du lịch, thể thao...

Mục tiêu của lĩnh vực xuất bản là đáp ứng nhu cầu đọc sách, tinh thần truyền thống hiếu học của người Việt Nam phải ở mức cao của thế giới. Thực hiện xã hội hóa, xây dựng Chiến lược và chương trình sách quốc gia nhằm phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm, tăng số bản sách/người dân để ít nhất đạt mức cao của khu vực; đưa tủ sách về đến các trường, các thôn xã và các hộ gia đình; xây dựng Quỹ hỗ trợ Xuất bản Việt Nam từ nguồn lực xã hội hóa

Năm 2020, Bộ TTTT phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao nhằm phục vụ tốt nhất công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào nhiệm vụ tại Chỉ thị, chương trình công tác của đơn vị tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2020; xây dựng, phát động phong trào thi đua đến các cá nhân, tổ chức trực thuộc, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.../.
PV tổng hợp theo:mic.gov.vn"