Doanh nghiệp được tạo thuận lợi hơn khi đầu tư khoa học - công nghệ

15:32, 14/07/2025

Nghị định 180/2025/NĐ-CP mở rộng hình thức hợp tác công – tư (PPP), đồng thời đơn giản hóa thủ tục, ưu đãi về vốn và thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Hành lang pháp lý thúc đẩy hợp tác công - tư trong khoa học công nghệ

Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nổi bật là Luật số 90/2025/QH15, sửa đổi, bổ sung tám luật liên quan đến tài chính, đầu tư, đấu thầu… tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực công nghệ.

Luật mới mở rộng phạm vi đầu tư PPP, tăng tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ lên tới 70%, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền phê duyệt dự án và áp dụng nhiều ưu đãi đặc biệt đối với các dự án công nghệ cao. Quy trình thẩm định được rút ngắn, cho phép chỉ định nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt như doanh nghiệp sở hữu công nghệ chiến lược. Ngoài ra, nhà nước cũng chia sẻ rủi ro doanh thu trong 3 năm đầu và hỗ trợ phần lớn chi phí đầu tư hạ tầng.

Luật cũng tháo gỡ vướng mắc về thành lập doanh nghiệp dự án, linh hoạt trong xử lý sản lượng, doanh thu dự án BOT, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ – đổi mới – số hóa một cách bền vững và hiệu quả.

Nhằm cụ thể hóa luật, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế PPP trong khoa học công nghệ, thu hút nhiều góp ý từ các doanh nghiệp công nghệ lớn.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước trong mô hình PPP và đề nghị làm rõ cơ chế quản lý tài sản công, giá vốn, cũng như quy định cụ thể trong mô hình "ba nhà" (Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp), đặc biệt về tỷ lệ vốn và trách nhiệm khi thành lập công ty cổ phần hoặc hợp đồng hợp tác.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV, cho rằng cần lựa chọn đúng dự án áp dụng mô hình PPP,  đặc biệt là các dự án phục vụ nhu cầu công cộng nhưng chưa được đầu tư tương xứng. Ông đề xuất học hỏi mô hình quỹ đầu tư định hướng của Trung Quốc, trong đó nhà nước không rót vốn trực tiếp mà đánh giá và đầu tư bổ sung vào các quỹ tư nhân có tiềm năng.

Tập đoàn Viettel lại đặc biệt quan tâm đến quy định về chỉ định nhà đầu tư trong các dự án công nghệ. Theo Viettel, nhiều công nghệ chiến lược như điện toán đám mây, hạ tầng mạng khó xác lập quyền sở hữu rõ ràng, nên việc ưu tiên nhà đầu tư sở hữu bản quyền có thể vô tình tạo lợi thế cho doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, Viettel đề nghị nên ưu tiên nhà đầu tư có năng lực phát triển công nghệ, thay vì chỉ dựa trên tiêu chí sở hữu.

Những đóng góp này sẽ là cơ sở quan trọng để hoàn thiện chính sách PPP, giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận thuận lợi hơn với các dự án công nghệ trọng điểm, đồng thời đảm bảo lợi ích và chủ quyền công nghệ quốc gia.

NaN

Làm rõ vai trò ba bên trong hợp tác công - tư

Nghị định 180/2025/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2025. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ chế huy động nguồn lực xã hội và tháo gỡ những vướng mắc trong mối quan hệ giữa Nhà nước – tổ chức khoa học – doanh nghiệp.

Lắng nghe tiếng nói từ các bên liên quan, Nghị định ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu công nghệ mới. Nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, bao gồm hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về đất đai và chính sách chia sẻ rủi ro. Thủ tục hành chính được rút gọn, phân cấp rõ ràng nhằm tăng tính chủ động cho các địa phương và đối tác thực hiện.

Về cơ chế phối hợp giữa các bên trong mô hình PPP, ông Phạm Thy Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu nhấn mạnh rằng bài học kinh nghiệm then chốt là phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể. Theo đó: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và định hướng: xác định mục tiêu chiến lược, xây dựng chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Còn tổ chức khoa học công nghệ đảm nhận nghiên cứu, phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực và chuyển giao kết quả. Về phía doanh nghiệp là trung tâm vận hành chịu trách nhiệm đầu tư vốn, thương mại hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ vào sản xuất – kinh doanh, đồng thời khai thác và phát triển hạ tầng dự án.

“Nghị định đã quy định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của từng bên, để đảm bảo khi đi vào triển khai, không có sự chồng chéo hay né tránh”, ông Hùng nói.

Về mặt chính sách thuế, doanh nghiệp thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ sẽ được tính chi phí R&D vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, với mức khấu trừ lên tới 200% chi phí thực tế. Bên cạnh đó, còn có các quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ, quỹ rủi ro, cùng cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu rõ ràng theo quy định pháp luật.

Nghị định cũng quy định cụ thể về quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác và sử dụng kết quả nghiên cứu, cũng như cơ chế quản lý, chia sẻ dữ liệu khoa học – công nghệ, bảo đảm quyền lợi các bên và khuyến khích ứng dụng, thương mại hóa công nghệ trong thực tiễn.

Hợp tác công – tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, giúp Nhà nước tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, còn doanh nghiệp thì có thêm động lực và trách nhiệm trong việc đầu tư, triển khai và thương mại hóa các sáng kiến đổi mới – sáng tạo.