Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải làm gì để chuyển đổi số thành công?

11:29, 08/11/2024

Chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức, nhằm thay đổi cơ bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp giá trị mới cho khách hàng.

Chiều 7/11, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) đã tổ chức Tọa đàm "Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội".

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, khẳng định: Chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng.

“Tọa đàm hôm nay với sự tham dự của các quý vị đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm, đã và đang triển khai các hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao, tôi hy vọng và tin tưởng rằng đây là dịp để các quý vị đại biểu cùng chia sẻ, trao đổi, thảo luận, định hướng các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng", ông Lực nhấn mạnh.

Ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Hà Nội đã nhận thức được rõ ràng rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thế giới kỷ nguyên số.


Chuyển đổi số là yếu tố cần thiết cho doanh nghiệp

Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội khẳng định, Chuyển đổi số (CĐS) đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV). Chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức, nhằm thay đổi cơ bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp giá trị mới cho khách hàng. Nó đại diện cho sự thay đổi trong cách quản lý, quy trình, thủ tục và văn hóa dựa trên nền tảng kỹ thuật số, nhằm mục tiêu gia tăng hiệu quả.

Tuy nhiên, theo đại diện này, công tác CĐS trong doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn hạn chế và hiệu quả đạt được vẫn thấp. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của CĐS và chưa xác định được vấn đề cũng như lộ trình cần thực hiện để CĐS cho doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Hương Duyên

Trong quá trình CĐS tại DNNVV Hà Nội, lĩnh vực kế toán được thực hiện CĐS mạnh nhất, với gần 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Về vấn đề nguồn lực tài chính cho CĐS DNNVV tại Hà Nội, doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh đòi hỏi một nguồn lực tài chính đáng kể và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn đầu tư vào CĐS. Hơn 45 % doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS.

Theo bà Trịnh Thị Ngân để thúc đẩy CĐS tại DNNVV Hà Nội cần: Thứ nhất, hỗ trợ tài chính cho DNNVV trong quá trình CĐS có thể được thực hiện thông qua các biện pháp và chương trình như khoản vay ưu đãi: Chính phủ có thể cung cấp chương trình cho vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để hỗ trợ DNNVV trong đầu tư vào công nghệ số. Những khoản vay này giúp giảm gánh nặng tài chính ban đầu; hỗ trợ tài chính trực tiếp như: Các chính quyền địa phương và tổ chức tài chính có thể cung cấp tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp để họ triển khai dự án chuyển đổi số, từ việc mua sắm thiết bị đến triển khai hệ thống; Chính sách thuế ưu đãi: Chính phủ có thể thiết lập các chính sách thuế ưu đãi, ví dụ như miễn thuế hoặc giảm thuế đối với các hoạt động và đầu tư liên quan đến CĐS. Điều này giúp giảm áp lực tài chính đối với DNNVV; Chương trình hỗ trợ và đào tạo: Cung cấp chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp DNNVV nắm vững các kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả.

Thứ hai, để đẩy mạnh CĐS và tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV, UBND Hà Nội cần thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:

Thúc đẩy phát triển môi trường thể chế và pháp lý: Để đảm bảo DNNVV có đủ quyền và khuyến khích tham gia vào CĐS, UBND Hà Nội cần cải thiện môi trường thể chế và pháp lý. Điều này bao gồm việc ban hành các quy định hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động CĐS. Cụ thể là xây dựng quy hoạch và quy chuẩn: UBND Hà Nội cần phải xây dựng và công bố quy hoạch về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, cần phát hành các quy chuẩn để trao đổi thông tin giữa các cơ quan và đơn vị, nhằm đảm bảo sự liên kết và đồng bộ trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng CĐS;

Cần phát triển hạ tầng số và mạng di động 5G: Trong tương lai, UBND Hà Nội cần tiếp tục phát triển hạ tầng số, đặc biệt là triển khai mạng di động 5G. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc CĐS và đảm bảo kết nối nhanh chóng và hiệu quả;

Cần hỗ trợ và đào tạo CĐS: UBND Hà Nội cần hỗ trợ và đào tạo các chuyên gia CĐS cho các DNNVV. Điều này có thể bao gồm việc hình thành và tổ chức mạng lưới chuyên gia tư vấn về CĐS, hỗ trợ đào tạo và tư vấn CĐS cho các DNNVV;

Cuối cùng là phát triển gói hỗ trợ: UBND Hà Nội cần xây dựng các gói hỗ trợ CĐS, bao gồm hướng dẫn và giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau, tùy theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề.

Bà Đặng Thị Hương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) đánh giá: Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ về công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể đã tổ chức triển khai tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số vẫn còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được quy định tại các văn bản của Trung ương chỉ dừng ở mức độ những hỗ trợ nhỏ cho doanh nghiệp, mang tính phụ trợ, chưa thực sự đáp ứng, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu phát triển căn bản của doanh nghiệp nên chậm đi vào cuộc sống; Một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ; việc vận dụng cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số còn nhiều khó khăn.