Đơn vị của Bộ KH&CN "khổ" ở đâu thì ứng dụng công nghệ ngay ở đó
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị có đối tượng quản lý cần xây dựng nền tảng số và đưa các đối tượng quản lý lên nền tảng số. Cùng với đó, các đơn vị sử dụng công nghệ, nhất là trợ lý ảo để "đỡ việc".
Ngày 25/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 4/2025. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các Thứ trưởng Bộ KHCN, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.
Hoàn thiện, chỉnh lý 5 dự án Luật
Tại Hội nghị, Văn phòng Bộ KH&CN đã thông báo một số kết quả công việc trong tháng 4/2025. Theo đó, triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, Bộ KH&CN đã tham mưu, trình Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW ngày 01/4/2025 về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình công tác năm 2025.
Bộ đã ban hành: (1) Kế hoạch hành động năm 2025 của Bộ KH&CN thực hiện Nghị số 03/NQ-CP của Chính phủ; (2) Quyết định phân công thực hiện nhiệm vụ được Tổng Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo tại Phiên họp thứ 2 của Ban chỉ đạo.
Bộ cũng đã ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS và Đề án 06 của Bộ KH&CN; Khung kiến trúc Chính phủ điện tử theo mô hình chính quyền mới (không còn cấp huyện) để hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong tháng 4/2025, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện, chỉnh lý 5 dự án Luật, gồm: (1) Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; (2) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; (3) Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số bảo đảm tiến độ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 9; (4) Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST); (5) Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Thứ trưởng Lê Xuân Định yêu cầu các đơn vị chủ trì xây dựng các luật liên quan cần tập trung cao độ để hoàn thiện các dự thảo luật và các nghị định liên quan.
Thứ trưởng Phạm Đức Long lưu ý các đơn vị về bảo đảm tiến độ báo cáo trực tuyến công việc liên quan đến Nghị quyết 57 theo tuần.
“Bộ ba” KHCN, ĐMST và CĐS là cộng lực
Tại hội nghị, sau khi xem demo trợ lý ảo hỗ trợ công việc của Bộ do Cục Chuyển đổi số Quốc gia chủ trì và Bộ trưởng đề nghị khẩn trương hoàn thiện để nhân rộng cho các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu sử dụng.
Sau khi lắng nghe và giải quyết một số công việc thường xuyên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi với Hội nghị một số thông tin về Hội nghị Trung ương lần thứ 11 và định hướng một số công việc trọng tâm.
Cục CĐS Quốc gia demo triển khai trợ lý ảo công việc.
Bộ trưởng cho biết hiện nay cả nước đang khẩn trương thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, một địa phương có nhiều phường, xã. Số lượng phường, xã đã được Trung ương cho định hướng triển khai theo khung, không cố định cứng, trong dự kiến một tỉnh có khoảng 70 - 100 xã. Do vậy, các đơn vị của Bộ cần nghiên cứu để khi ban hành các quy định, chính sách liên quan cũng thực hiện theo khung, để các địa phương thực hiện linh hoạt, hiệu quả và đạt mục tiêu.
Theo Bộ trưởng, tinh gọn bộ máy là để tạo động lực, tạo hệ sinh thái. Theo đó, KHCN đi đôi với ĐMST và nằm trong bối cảnh CĐS là rất phù hợp với hiện nay, có thể nói là tạo thành hệ sinh thái, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ. KHCN đi với ĐMST sẽ hướng tới ứng dụng nhiều hơn và sẽ tạo ra nhiều kết quả. ĐMST được coi là yếu tố thay đổi lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất. Để đất nước để trở nên hùng cường thịnh vượng cần phải thúc đẩy ĐMST. “Bộ ba” KHCN, ĐMST và CĐS được xem là cộng lực.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025 mới đây đã nhấn mạnh, ĐMST là "cây gậy thần" đạt tới thịnh vượng bền vững, với mong muốn đưa công nghệ hiện đại vào thực tiễn. ĐMST đóng góp lớn để đất nước phát triển.
Theo phân tích của Bộ trưởng, thúc đẩy ĐMST để ai ai cũng có thể làm được, sẽ mang lại giá trị nhiều hơn cho đất nước, nên ĐMST được đặt mục tiêu cao để tạo tác động cho đất nước phát triển.
Cán bộ của Bộ KH&CN ghi nhớ tinh thần đổi mới của dự thảo Luật KH&CN lần này là đặt ĐMST ngang với KHCN nên dự thảo Luật được gọi là Luật KHCN&ĐMST, để từ đó có thể đưa KHCN đi vào cuộc sống thông qua ĐMST, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. ĐMST phù hợp với con người Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đặt KHCN, ĐMST trong bối cảnh CĐS, trên môi trường số thì công việc vừa nhanh, vừa hiệu quả hơn.
Bộ trưởng cũng lưu ý chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là KHCN, ĐMST và CĐS nhằm hai mục tiêu chính là: Tăng năng suất lao động mà bản chất là tăng GDP (vì GDP là số người nhân với tăng năng suất lao động) và quản trị xã hội, quốc gia hiện đại hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhấn mạnh về công tác cán bộ là chọn người có đức, tài và chú ý thêm là người có sức (năng lượng), năng lực và đặc biệt là nhiệt huyết. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý các cán bộ của Bộ KH&CN cũng chú ý thêm về tinh thần thái độ trong công việc.
Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua, Bộ trưởng đã có những buổi gặp mặt các nguyên lãnh đạo Bộ KH&CN (cũ) và Bộ TT&TT như các nguyên Bộ trưởng Đặng Hữu, năm nay 96 tuổi; Chu Tuấn Nhạ, năm nay 88 tuổi; Phạm Gia Khiêm, Hoàng Văn Phong; nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực. Các nguyên lãnh đạo hai Bộ đều mong muốn Ngành đổi mới, đóng góp để đất nước phát triển.
Nguyên Bộ trưởng Đặng Hữu đã trao đổi, Bộ KH&CN mới hãy thúc đẩy ĐMST, hãy coi ĐMST là phong cách sống của từng người dân và từng tổ chức. ĐMST hãy nhìn từ kinh nghiệm của Phần Lan.
Nguyên Bộ trưởng Chu Tuấn Nhạ mong muốn phát triển KHCN phải dựa vào doanh nghiệp (DN), đầu tư nhiều hơn cho DN nghiên cứu phát triển.
Nguyên Bộ trưởng Đỗ Trung Tá mong muốn Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tiếp tục phát triển trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu. Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực mong muốn Ngành cứ 10 năm lại thực đổi mới, như lĩnh vực viễn thông đổi mới theo chu kỳ công nghệ di động từ 2G lên 3G, 4G và nay là 5G.
Ứng dụng công nghệ nhiều hơn để đỡ “khổ”
Bộ trưởng cũng lưu ý đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền tối đa để các đơn vị được chủ động trong công việc nhưng đi kèm là phải có cơ chế giám sát. “Phân cấp nhiều hơn có nghĩa là phải trách nhiệm hơn. Phân cấp mạnh mẽ nhất là các thủ tục về đầu tư, cán bộ… nhưng vẫn phải giám sát”.
Bộ trưởng yêu cầu cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhiều hơn vào công việc của các đơn vị. Các đơn vị có đối tượng quản lý cần xây dựng nền tảng số và đưa các đối tượng quản lý lên nền tảng số. Cùng với đó, các đơn vị cần sử dụng công nghệ, nhất là trợ lý ảo để "đỡ việc".
Trung tâm CNTT xem cán bộ của Bộ “khổ” ở công việc nào thì đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ở đó và ứng dụng công nghệ cũng để quản lý nội bộ các đơn vị tốt hơn. Cán bộ ở các đơn vị thực hiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải làm nhiệm vụ "bóc băng", tổng hợp ý kiến nhiều bên thì cần công nghệ để được hỗ trợ nhiều hơn.
Uỷ ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia (TDC) nghiên cứu đẩy nhanh việc ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn để người Việt Nam có nhiều tiêu chuẩn để thực hiện. Quốc tế đã có tiêu chuẩn phù hợp như tiêu chuẩn quản trị quốc gia thì Việt Nam có thể tham chiếu, "hài hoà hoá" tiêu chuẩn quốc tế.
Về CĐS, Bộ trưởng lưu ý Cục CĐS Quốc gia cùng với TDC tham vấn các địa phương để thống nhất xây dựng quy chuẩn chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Cục CĐS Quốc gia cũng nghiên cứu giao một DN làm một nền tảng DVCTT.
Về Bưu chính, Bộ trưởng giao Vụ Bưu chính giám sát và giảm hành vi vi phạm việc vận chuyển hàng cấm qua đường bưu chính.
Trong tháng 5/2025, Bộ trưởng yêu cầu việc báo cáo của tất cả các đơn vị thuộc Bộ phải báo cáo theo biểu mẫu trực tuyến. Các đơn vị điền số liệu và viết thêm ngắn gọn trong khoảng 20 dòng. Định kỳ, các đơn vị báo cáo mỗi tháng 1 lần. Các báo cáo công việc liên quan đến Nghị quyết 57 của khối đơn vị KHCN cũng phải được báo cáo trực tuyến.
Hiện nay, theo Bộ trưởng, việc làm báo cáo của cán bộ nhà nước cũng mất nhiều thời gian. Theo đó, Bộ trưởng giao Trung tâm CNTT nghiên cứu phần mềm tự động hoá báo cáo, có thể học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc khi nước này đã có phần mềm báo cáo tự động dành cho toàn bộ 50 triệu công chức. Theo thống kê trước khi có phần mềm báo cáo tự động, mỗi cán bộ công chức ở Trung Quốc dành 40% thời gian làm việc để báo cáo.
Về văn phong viết thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng yêu cầu phải chú ý ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, đơn nghĩa và thậm chí có thể diễn nôm nếu cần. Các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng và ban hành phải đi vào cuộc sống, thực thi được.
Về triển khai các đề tài trong Bộ, Bộ trưởng chỉ đạo các đề tài tập trung vào ứng dụng CĐS để giải bài toán công việc được thúc đẩy nhanh, "đỡ việc" cho cán bộ. Các đề tài không được trùng nhau.
Bộ trưởng yêu cầu, công việc hiện nay rất nhiều, khẩn trương và nhân lúc này thì cần thay đổi cách làm, công cụ làm việc để các cán bộ thúc đẩy công việc lên. Cố gắng bằng mọi cách thay đổi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý các đơn vị đối với công việc mới, lạ hay cần quan điểm, tiếp cận mới thì báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng để triển khai nhanh và "trôi việc"./.