Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số: "Ẩn danh có thể kiểm soát"
Trung Quốc sẽ “lì xì” 20 triệu nhân dân tệ (gần 71 tỷ đồng) tiền điện tử cho người dân thành phố Tô Châu, nhân dịp lễ mua sắm 12/12.
Theo chương trình tặng tiền này, chính quyền Tô Châu và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ phát hành 100.000 bao "lì xì" tiền kỹ thuật số, mỗi bao trị giá 200 nhân dân tệ (hơn 700 nghìn đồng) cho người dân. Chương trình này sẽ thông qua hình thức quay số ngẫu nhiên. Một trong những điều kiện để nhận tiền: người dân phải nộp ít nhất một khoản phí bảo hiểm xã hội trong 3 năm trở lại đây, có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô.
Số tiền số này có thể sử dụng tại gần 10.000 điểm mua sắm, bao gồm các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi… Ngoài ra, theo thông báo của Công ty thương mại điện tử JD.com Inc, nền tảng trực tuyến của công ty này cũng tham gia thử nghiệm giao dịch online bằng tiền điện tử. Đây là nền tảng trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc chấp nhận tiền kỹ thuật số.
Trung Quốc sẽ phát hành 100 nghìn bao "lì xì" , mỗi bao trị giá 200 NDT kỹ thuật số cho người dân (Nguồn: SCMP)
Triển vọng đồng tiền số tại Trung Quốc
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu nghiên cứu về đồng nhân dân tệ kỹ thuật số từ năm 2014, và đang dẫn đầu lĩnh vực này. Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên giới thiệu một loại tiền điện tử có chủ quyền.
Đến nay, PBOC đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho Hệ thống thanh toán tiền điện tử online (DCEP) và đang thử nghiệm cục bộ ở các thành phố, bao gồm Thâm Quyến và Tô Châu.
Lĩnh vực tư nhân tại Trung Quốc đang ngày càng trở nên thân thiện với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Công ty gọi xe công nghệ lớn nhất của Trung Quốc - Didi Chuxing, gã khổng lồ giao nhận đồ ăn Meituan Dianping, và nền tảng trực tuyến Bilibili cho biết sẽ bắt tay với các ngân hàng để tìm hiểu khả năng vận dụng của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số vào đời sống.
Đồng NDT số được chấp nhận tại nhiều địa điểm (Nguồn: Global times)
Luật pháp và thể chế tại Trung Quốc bắt kịp với xu thế của tiền số
Ngoài các chương trình thử nghiệm, hành lang pháp lý tại Trung Quốc cũng đang cố gắng bắt kịp với sự phát triển của tiền số. Vào ngày 23/10/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố bản dự thảo luật sửa đổi, đặt nền tảng pháp lý cho tiền tệ kỹ thuật số có chủ quyền. Dự thảo luật đề xuất rằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ là loại tiền tệ hợp pháp, giống như loại tiền giấy đang lưu hành, và sẽ phải chấp hành các quy định tương tự, như không được sản xuất hoặc bán tiền số tràn lan, nhằm ngăn ngừa rủi ro liên quan đến tiền ảo.
Cuối tháng 10, trong bản kế hoạch dài hạn cho nền kinh tế đến năm 2035, giới chức Trung Quốc cũng một lần nữa nhấn mạnh "việc nghiên cứu và phát triển tiền kỹ thuật số một cách ổn định".
Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 21 tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các tổ chức "thảo luận về việc phát triển các tiêu chuẩn và nguyên tắc cho tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương với thái độ cởi mở và thích nghi, đồng thời xử lý tất cả các loại rủi ro và thách thức trong khi thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tiền tệ quốc tế".
Đồng nhân dân tệ số được vận hành như thế nào?
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) chịu trách nhiệm phát hành và phân phối đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại sau đó sẽ chuyển tiền kỹ thuật số đến người dùng cuối. Cho đến nay, bốn ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc - Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc - đã bắt đầu thử nghiệm nội bộ ví nhân dân tệ kỹ thuật số.
Vào cuối tháng 8, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) đã mở một dịch vụ ví nhân dân tệ kỹ thuật số trong ứng dụng chính thức của mình, nhưng nhanh chóng vô hiệu hóa nó sau khi tính năng này thu hút được sự chú ý rộng rãi. Tuy nhiên, sự ra mắt tạm thời đã cung cấp một cái nhìn thoáng qua về ví tiền nhân dân tệ kỹ thuật số có thể trông như thế nào.
Trên trang quản lý ví của ứng dụng chính thức của CCB, ví RMB kỹ thuật số sẽ có tên tài khoản, số dư hiện tại, giới hạn số dư, tiền gửi tích lũy hàng năm… Như vậy, có thể thấy, ví nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ có các chức năng như thanh toán, quy đổi, chuyển khoản và hoàn trả thẻ tín dụng.
Tác động của tiền kỹ thuật số đối với xã hội và doanh nghiệp Trung Quốc
Trung Quốc đang chuyển mình thành "quốc gia không tiền mặt". Năm 2019, cứ 5 khoản thanh toán, thì có 4 giao dịch là qua di động. Ước tính giá trị các giao dịch qua di động đạt 347 nghìn tỷ NDT (49 nghìn tỷ USD).
Vẫn khó có thể dự đoán bao lâu nữa đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể thay thế hoặc bổ sung cho các dịch vụ thanh toán do Alibaba và Tencent, hai gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc cung cấp - ví kỹ thuật số của 2 nền tảng này hiện có hơn 1 tỷ người dùng, và chiếm một nửa thanh toán tại cửa hàng và gần 3/4 trang web bán hàng tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, một khi thành công, điều này sẽ được coi là một chiến thắng lớn cho chính phủ Trung Quốc, với tư cách là nền kinh tế lớn với đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền đầu tiên. Theo các chuyên gia, với một loại tiền tệ tập trung như vậy, chính phủ sẽ có thể theo dõi tất cả dòng tiền kỹ thuật số đang lưu thông, khiến cho việc rửa tiền, trốn thuế và tài trợ khủng bố trở nên khó khăn hơn nhiều.
Đồng NDT số được kỳ vọng là bước tiến đưa Trung Quốc trở thành "quốc gia không tiền mặt" (Nguồn: CNA)
Theo Tân Hoa xã, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, đồng nhân dân tệ số sẽ áp dụng nguyên tắc "ẩn danh có thể kiểm soát". Điều đó có nghĩa là khi giao dịch bằng đồng nhân dân tệ số, cả hai bên đều có thể ẩn danh để bảo vệ quyền riêng tư, nhưng khi nói đến chống tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế và tài trợ khủng bố, các ngân hàng nhà nước vẫn có thể theo dõi thông tin giao dịch.
Ngân hàng trung ương cũng có thể kiểm soát hướng dòng chảy của quỹ nhà nước hoặc trợ cấp tài chính. Ví dụ: nếu PBOC phát hành DCEP cho một ngân hàng thương mại để cho các doanh nghiệp nhỏ vay, nó có thể đảm bảo rằng số tiền được kích hoạt chỉ khi được chuyển đến một công ty nhỏ.
Bên cạnh đó, DCEP có thể tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ khác thường. Ví dụ, Trung Quốc có thể thấy dễ dàng hơn để làm cho lãi suất danh nghĩa âm. Thông thường, khi NHTW áp dụng lãi suất âm đối với tiền gửi ngân hàng, người dân sẽ rút tiền gửi để tránh tình trạng mất giá vốn. Nhưng với DCEP, lãi suất âm có thể áp dụng cho tiền mặt kỹ thuật số bằng cách lập trình. Mặt khác, ngân hàng trung ương cũng có thể chuyển tiền mặt kỹ thuật số trực tiếp hơn đến ví điện tử của người dân để kích thích nền kinh tế.
Về mặt giao dịch quốc tế, tại một số thời điểm trong tương lai, Bắc Kinh muốn đẩy nhanh việc sử dụng đồng NDT trên thị trường quốc tế. Do quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ đối với các ngân hàng Trung Quốc và những hạn chế đối với việc tiếp cận hệ thống thanh toán toàn cầu của Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) có nguy cơ xảy ra. Hiện đồng đô la Mỹ vẫn đang thống trị các giao dịch xuyên biên giới, trong khi đồng NDT chỉ chiếm khoảng 2% các giao dịch quốc tế SWIFT.
Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa xác nhận lịch trình triển khai rộng rãi đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Nhưng chắc chắn rằng DCEP sẽ mở ra một kỷ nguyên tài chính mới ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp công nghệ cao cũng như các nhà bán lẻ, tổ chức tài chính và nhà phát triển ứng dụng di động có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc cần theo dõi chặt chẽ tiến độ của đồng tiền số này, để theo dõi xem điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến phạm vi kinh doanh của họ, ảnh hưởng đến hành vi của người dùng và gây ra bất kỳ rủi ro nào.
Châu Anh (T/h)