Đưa công nghệ số kết nối, thay đổi ngành Y tế

10:58, 09/11/2021

Không chỉ giúp ngành Y tế giải quyết bài toán chuyển đổi số, các giải pháp, nền tảng do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cung cấp còn giúp Bộ Y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Giữ vai trò thủ lĩnh đơn vị cung cấp giải pháp, nền tảng này là Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) Nguyễn Mạnh Hổ.

Tổng Giám đốc Viettel Solutions Nguyễn Mạnh Hổ.

Chiều mùng 4 Tết Canh Tý (tức ngày 28-1-2020), Tổng Giám đốc Viettel Solutions Nguyễn Mạnh Hổ nhận cuộc gọi từ Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng, giao nhiệm vụ hỗ trợ Bộ Y tế triển khai ngay hệ thống cầu truyền hình kết nối 23 bệnh viện để phục vụ chống dịch Covid-19. Với thời gian triển khai rất ngắn, ông Nguyễn Mạnh Hổ và ban lãnh đạo Viettel Solutions không khỏi lo lắng. Song, bằng tinh thần người lính sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ, chỉ sau hơn 1 ngày, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Viettel Solutions đã thiết lập xong hệ thống cầu truyền hình. Tiếp đó, trong 6 ngày, Viettel Solutions đã giúp Bộ Y tế khai trương ứng dụng "Sức khỏe Việt Nam" (ngày 8-2-2020) trên thiết bị di động và sau đó là hệ thống website suckhoetoandan.vn.

Một nhiệm vụ khó nữa là xây dựng hệ thống Khai báo y tế điện tử trong vòng 48 giờ cũng được giao cho Viettel Solutions. Nhận nhiệm vụ ngày 4-3, đến 0h ngày 7-3-2020, hệ thống (bằng 12 ngôn ngữ khác nhau) đã được đưa vào vận hành tại sân bay Tân Sơn Nhất. “Nhờ hệ thống này, thời gian trung bình để tìm một ca mắc Covid-19 trên chuyến bay chỉ khoảng nửa giờ. Trong khi theo cách truy vết thông thường, trung bình mất 4 ngày và phải sử dụng nguồn nhân lực lớn…”, ông Nguyễn Mạnh Hổ kể lại.

Còn với hệ thống Telehealth - Khám chữa bệnh từ xa, ông Nguyễn Mạnh Hổ cho biết, Viettel đã hoàn thành kết nối hơn 1.000 cơ sở y tế với hệ thống Telehealth trong 45 ngày, sớm hơn 15 ngày so với mục tiêu. Đây không chỉ đơn thuần là bài toán kết nối mà là một nền tảng giúp truyền toàn bộ dữ liệu của bệnh nhân đến bác sĩ. Hiểu một cách đơn giản là ở đầu này siêu âm cho bệnh nhân thì ở đầu kia bác sĩ cũng có thể quan sát như đang ở bên cạnh bệnh nhân mặc dù cách xa hàng trăm kilômét. Với dịch vụ Telehealth, Viettel có tham vọng đưa công nghệ này đến từng hộ gia đình, để người dân có thể đặt lịch khám qua điện thoại, tổng đài, ứng dụng, cổng thông tin.

Đến nay, các giải pháp, nền tảng do Viettel cung cấp còn giúp ngành Y tế quản lý gần 60.000 nhà thuốc trên cả nước, 14.000 cơ sở tiêm chủng toàn quốc, 42 triệu đối tượng tiêm được quản lý qua hệ thống tiêm chủng Covid-19 quốc gia và sổ tiêm chủng điện tử... Đây là những thành quả tiêu biểu về quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế những năm qua.

Trực tiếp tham gia triển khai hàng loạt nền tảng, giải pháp công nghệ phục vụ đắc lực ngành Y tế, song ông Hổ cho rằng, trước hết, những kết quả đạt được là nhờ lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã có sự đầu tư, chuẩn bị nhiều năm liền cho số hóa. Và nhờ đó, việc triển khai của các đơn vị đã có sự thuận lợi và xuyên suốt.

Về kế hoạch trong thời gian tới, “thủ lĩnh” Viettel Solutions cho biết, Viettel sẽ tập trung đưa trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) vào ứng dụng trong ngành Y tế, cụ thể là các nền tảng như hồ sơ sức khỏe, mã số y tế, dịch vụ công, quản lý an toàn thực phẩm. Việc áp dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp các "bệnh viện thông minh" ra đời, góp phần cải thiện năng suất lao động, giảm thiểu các sai sót y khoa. "Viettel muốn đóng vai trò dẫn dắt, chủ trì, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho xã hội", ông Nguyễn Mạnh Hổ nói.

Theo/hanoimoi.com.vn