Xét nghiệm COVID-19 trên nền tảng công nghệ số phục vụ kỳ họp Quốc hội
Nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã tham gia quy trình xét nghiệm COVID-19 trên nền tảng công nghệ số trước và trong thời gian diễn ra kỳ họp.
- Công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa phát triển mạnh trong thời COVID-19
- Triển vọng công nghệ xanh cho ngành sản xuất thép
- Dùng công nghệ nhận diện chất quý trong chè Shan
- Hà Nội: Phát triển chăn nuôi công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030
- Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cách mạng công nghệ
Nền tảng Việt Nam Khoẻ Mạnh - Giải pháp xét nghiệm bằng công nghệ được triển khai tại toà nhà Quốc hội.
Theo đó, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế đưa vào sử dụng nền tảng công nghệ Việt Nam khỏe mạnh, có tính tự động và kết nối cao. Các đại biểu chỉ cần truy cập vào website https://vnkm.yte.gov.vn khai báo y tế, đăng ký xét nghiệm, chọn địa điểm, thời gian xét nghiệm phù hợp. Kết quả xét nghiệm được hệ thống cập nhật ngay trên website Việt Nam khoẻ mạnh, qua tin nhắn, email và được kết nối với cơ sở dữ liệu xét nghiệm của Bộ Y tế và Bộ Thông tin - truyền thông để hiển thị trên ứng dụng PC-Covid.
Với giải pháp này, các đại biểu Quốc Hội hoàn toàn chủ động trong việc đăng ký, thực hiện xét nghiệm, nhận kết quả, phù hợp với lịch trình làm việc của mình. Đặc biệt, với hệ thống dữ liệu được cập nhật đồng bộ, theo thời gian thực, việc kiểm soát kết quả xét nghiệm được đảm bảo chính xác, bảo mật và thuận tiện.
Trong những lần xét nghiệm trước, hơn 3.000 đại biểu Quốc hội và lực lượng hỗ trợ kỳ họp đã thực hiện quy trình xét nghiệm tầm soát COVID-19 dựa trên nền tảng công nghệ. Việc nhận kết quả xét nghiệm thông qua Việt Nam khoẻ mạnh được ghi nhận là một trải nghiệm mới, thuận tiện.
Đánh giá về việc đại biểu Quốc hội triển khai xét nghiệm COVID-19 trên ứng dụng công nghệ, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, cho rằng các đại biểu Quốc hội nhận thức rất rõ vai trò của ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch và phát triển kinh tế nên phải đi trước, đi đầu, tích cực trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và tạo cơ chế hành lang pháp lí cho việc ứng dụng công nghệ.
Ông Hạ nhấn mạnh: “Đại dịch là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Việt Nam đang thừa dư địa để đẩy mạnh chuyển đối số vì chúng ta sở hữu nguồn lực là các doanh nghiệp công nghệ có nền tảng, có đội ngũ chuyên gia giỏi nên chúng ta cần nắm bắt cơ hội để đưa công nghệ vào phục vụ con người”.
Chương trình xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho đại biểu Quốc hội và lực lượng hỗ trợ được các đơn vị y tế thực hiện 5 vòng, kể từ ngày 13/10/2021 đến ngày 12/11/2021. Việc ứng dụng giải pháp công nghệ vào quá trình xét nghiệm là ví dụ rõ nét, đánh dấu nỗ lực đẩy mạnh chuyến đổi số trong hoạt động của Văn phòng Quốc hội, hướng đến mục tiêu xây dựng Quốc hội điện tử.
Theo/baochinhphu.vn