Dùng dữ liệu vệ tinh NASA theo dõi hạt vi nhựa trong đại dương
Các nhà khoa học từ Đại học Michigan, Mỹ đã phát triển một phương pháp sáng tạo để sử dụng dữ liệu vệ tinh của NASA theo dõi chuyển động của các mảnh nhựa nhỏ trong đại dương.
Các loại vi nhựa được vớt từ đại dương. Ảnh: NASA.
Vi nhựa hình thành khi rác nhựa trong đại dương bị phân hủy do tia nắng mặt trời và chuyển động của sóng biển. Những mảnh nhựa nhỏ này có hại cho các sinh vật và hệ sinh thái biển.
Hạt vi nhựa có thể bị trôi dạt xa hàng trăm đến hàng nghìn dặm, gây khó cho việc tìm kiếm và tiêu hủy. Hiện tại, nguồn thông tin chính về vị trí của hạt vi nhựa là từ các tàu đánh cá sử dụng lưới để đánh bắt hải sản và vô tình vớt được hạt vi nhựa.
Nghiên cứu mới do Giáo sư Chris Ruf, Đại học Michigan, điều tra viên chính của CYGNSS, cùng sinh viên đại học Madeline C. Evans thực hiện. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trực tuyến trên trang Chuyển giao khoa học Địa lý và Viễn thám của Hiệp hội Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE).
Kỹ thuật mới dựa trên dữ liệu từ Hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu Cyclone của NASA (CYGNSS), gồm một chòm tám vệ tinh nhỏ đo tốc độ gió trên các đại dương của Trái đất và cung cấp thông tin về sức tàn phá của các cơn bão. CYGNSS cũng sử dụng radar để đo độ nhám của đại dương, bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như tốc độ gió và các mảnh vỡ trôi nổi trong nước.
Nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm những nơi mà đại dương có tốc độ gió êm hơn dự kiến, để có thể tìm thấy sự hiện diện của vi nhựa. Sau đó, họ so sánh các khu vực đó với các quan sát và dự đoán mô hình về nơi các vi nhựa tụ lại trong đại dương.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng vi nhựa có xu hướng hiện diện ở những vùng nước mịn hơn. Điều này chứng tỏ dữ liệu CYGNSS có thể được sử dụng như một công cụ để theo dõi hạt vi nhựa đại dương từ không gian.