Dùng trí tuệ nhân tạo để tăng hiệu quả của Telesales
Sử dụng Voice Brandname sẽ gia tăng tỷ lệ khách hàng nghe điện lên 2,5-3%. Đây là con số mơ ước của nhiều DN hiện nay khi sử dụng telesale. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sử dụng Voice Brandname sẽ làm gia tăng trải nghiệm khách hàng và nhận diện thương hiệu cho DN.
Voice Brandname được hiểu là tính năng thoại hiển thị tên thương hiệu. Brandname (tên thương hiệu) của thuê bao gọi sẽ được hiển thị trên màn hình máy điện thoại của thuê bao được gọi.
Telesale (bán hàng qua điện thoại) hiện đang là một trong những hình thức quảng cáo và bán hàng được nhiều doanh nghiệp (DN) sử dụng để tư vấn, giới thiệu và chăm sóc khách hàng của mình.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, hình thức bán hàng qua điện thoại đã bị nhiều các đơn vị kinh doanh lợi dụng biến nó trở thành hình thức spam (gọi điện với những nội dung vô bổ, thiếu chính xác nhằm lôi kéo, khủng bố người dùng làm cho mọi người cảm thấy khó chịu và không muốn nhận nó). Chính vì vậy, rất nhiều người hiện nay cảm thấy khó chịu và bị làm phiền khi liên tục nhận được các cuộc gọi “khủng bố” từ các công ty đặc biệt là các DN làm về bất động sản, tài chính, bảo hiểm, giáo dục….
Voice Brandname – Giải pháp gia tăng trải nghiệm khách hàng và nhận diện thương hiệu cho DN.
Theo một thống kê không chính thức, tỷ lệ telesales thành công chưa đến 10% tức cứ 100 cuộc gọi thì chỉ có 5-7 khách hàng chấp nhận nghe máy, thay vì từ chối cuộc gọi. Như đã phân tích ở trên, spam cuộc gọi chỉ là một trong số rất nhiều lý do mà khiến tình trạng khách hàng không nghe máy ngày càng thêm phổ biến.
Mới đây, sự ra đời của Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác càng bộc lộ những yếu điểm của hình thức telesale không định danh, khi chúng có thể bị cho là cuộc gọi "rác" và phạm luật vì quảng cáo mà chưa có sự đồng ý của người sử dụng.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Le Invest tại buổi tọa đàm “Lợi và hại khi dùng trí tuệ nhân tạo và Voice Brandname để giao tiếp với khách hàng” ở góc độ một người quản trị thương hiệu thì Voice Brandname là giải pháp hữu ích gia tăng nhận diện thương hiệu rất tốt đến với khách hàng.
“Kể cả khi sử dụng Voice Brandname, khách hàng không nghe máy thì thương hiệu của DN đã in sâu vào khách hàng rồi”, ông chia sẻ. Bên cạnh đó, cũng theo ông Vinh, việc kết hợp giữa Voice Brandname và AI, tạo ra một một dịch vụ ưu việt thân thiện, phù hợp với nhu cầu khách hàng chính là lợi thế rất lớn từ đó, sự nhận biết giữa khách hàng và thương hiệu sẽ lớn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà các DN quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại đó là chi phí để có thể sử dụng được hệ thống Voice Brandname. Về vấn đề này, ông Vinh cho rằng, “đầu tư hệ thống Voice Brandname là một vấn đề không nhỏ với các DN nhỏ vì tiềm lực tài chính không đủ. Tuy nhiên, mô hình này thì phù hợp với những DN lớn, những DN có tập khách hàng nhiều thì nên sử dụng.
Theo thống kê của một đại diện bên phía Viettel tại buổi tọa đàm, khi triển khai dịch vụ Voice Brandname cho các DN thì tỷ lệ khách hàng chấp nhận cuộc gọi sẽ tăng từ 2,5 – 3 lần so với việc các đơn vị sử dụng tổng đài với các đầu số thông thường khác.
Có thể nói, tỷ lệ khách hàng nghe máy mà đại diện Viettel nói ở trên là con số lý tưởng và cũng là con số mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp. Tỷ lệ chấp nhận cuộc gọi mà đại diện Viettel đưa ra còn có nhiều điều đáng phải bàn và cần có những thống kê cụ thể. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận rằng, việc sử dụng hệ thống Voice Brandname kết hợp AI sẽ là xu thế phát triển tất yếu của thời đại công nghệ số.
Việc doanh nghiệp sử dụng Voice Brandname không chỉ gia tăng trải nghiệm của khách hàng mà còn tăng nhận diện thương hiệu của DN đến với các khách hàng và đối tác của mình.
PV